Ông Đàm Văn Phi ở xóm 4, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ) nuôi 60 đàn ong nội. Từ tháng 3, ông bắt đầu quay lấy mật và đến tháng 5 kết thúc. Số mật thu được khoảng 250 lít. Nếu như những năm trước, mật ong của gia đình ông sau khi thu hoạch sẽ được bán đi nhiều thị trường, chỉ còn lại vài lít trong nhà để sử dụng và làm quà cho người thân. Thế nhưng, năm nay đã gần cuối năm nhưng gia đình ông chỉ mới bán được vài chục lít mật.
Hiện còn khoảng 200 lít tồn kho trong các chum sành. Ông Phi cho biết: “So với mọi năm, năm nay, giá mật xuống thấp, 150.000 đồng/chai 750 ml, năm ngoái chai 650ml là 200.000 đồng. Dù giá xuống thấp nhưng sức tiêu thụ rất chậm”.
Không chỉ gia đình ông Phi mà hiện gần 200 hộ nuôi ong ở xã Nghĩa Bình đều chung cảnh ngộ. Ông Đàm Văn Nghi - Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật xã Nghĩa Bình cho biết: “Hiện nhà nhiều nhất còn khoảng 300 lít mật ong, nhà ít cũng vài chục lít. Cả xã hiện có khoảng 2.500 - 3.000 lít mật ong chưa tiêu thụ được. Đặc điểm mật ong không bảo quản được lâu, để lâu sẽ bị chuyển màu và giảm chất lượng nên buộc phải bán hết trong năm, sang năm sau là mùa quay mật mới. Do đó, bà con đang chật vật tìm đủ cách để tiêu thụ sản phẩm”.
Mật ong nội Nghĩa Bình đã được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020, là loại mật ong rừng thuần hóa, ăn thức ăn tự nhiên. Năm được mùa mật, được giá thì hộ nuôi nhiều thu về 100 - 150 triệu đồng, hộ ít cũng vài chục triệu đồng.
Năm nay, thời tiết nắng lắm, mưa nhiều, các loại cây rừng xanh tốt, cho hoa nhiều, nguồn thức ăn của ong phong phú, dồi dào nên cho chất lượng mật tốt và năng suất cao. Tuy nhiên, một phần do dịch Covid -19, một phần do nắng nóng, người dân hạn chế sử dụng nên không xuất bán được dù giá mật xuống thấp.
Người nuôi ong ở xã Nghĩa Bình hiện chỉ còn mong chờ thời tiết vào Đông, nhu cầu sử dụng mật ong cao, hoặc cận Tết sẽ có nhiều nơi đặt làm quà biếu thì sẽ bán hết lượng mật ong đang tồn đọng này.