(Baonghean) -Chị Phạm Thị Phương - người phụ nữ dân tộc Thổ ở khối Lê Lợi, phường Quang Tiến, Thị xã Thái Hoà không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là một bí thư chi bộ khối năng động, xuất sắc.
 

770695_small_68710.jpg
Những ngày đầu lập nghiệp, khi ra ở riêng (năm 2008) vợ chồng chị đã nhận khoán 2,3 ha đất nông nghiệp và mạnh dạn đưa các giống cây mới vào sản xuất. Chị đến Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ mua giống Quýt TQ1 về trồng trên 1,3 ha đất, vào tận Hà Tĩnh để học hỏi kỹ thuật chăm bón và mua giống bưởi Phúc Trạch trồng trên 0,7 ha đất vườn nhà. Nhờ biết cách chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, các giống cây phát triển tốt. Năm 2010, thu hoạch vụ đầu tiên được 4,8 tấn quýt và hơn 200 quả bưởi. Năm 2011, gia đình chị thu hoạch 27 tấn quýt và hơn 700 quả bưởi, thương lái vào tận vườn mua với giá 20.000 đồng/1 kg quýt và 15.000 đồng/1 quả bưởi, mang về nguồn thu cho gia đình gần 50 triệu đồng. Ngoài trồng quýt, bưởi, gia đình chị còn đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi lợn, bình quân mỗi năm xuất bán được 1 tấn lợn thịt và máy tuốt lúa để phục vụ bà con trong vùng, thu về khoảng 30 triệu đồng. Kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, không chỉ nuôi 3 con ăn học trưởng thành, vợ chồng chị còn xây được nhà khang trang, mua sắm các vật dụng sinh hoạt tiện nghi.
 
Tham gia công tác hội phụ nữ từ năm 1996. Năm 2008, chị Phương được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận khối Lê Lợi. Là khối khó khăn nhất của phường Quang Tiến, toàn khối có 94 hộ, trong đó 89 hộ là người dân tộc Thổ, cuộc sống của người dân ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo chiếm 30%. Từ 2010 đến nay, chị đã cùng ban cán sự khối Lê Lợi vận động nhân dân xây dựng và bê tông hoá 1,2 km đường giao thông, xây dựng 422 m2 sân bê tông nhà văn hoá khối, trong đó có 8 hộ dân đã tự nguyện hiến 800 m2 đất.
 
Được sự quan tâm của Nhà nước, thông qua hình thức cho vay vốn xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, chị Phương đứng ra làm tổ trưởng tổ vay vốn, phối hợp với các ban, ngành trong phường, trạm khuyến nông thị xã tổ chức các buổi hướng dẫn giúp các gia đình nghèo cách sử dụng vốn vay có hiệu quả như: đầu tư phát triển chăn nuôi, đưa các loại giống mới vào trồng trọt, đẩy mạnh trồng cây rau màu để tăng giá trị sử dụng đất và tăng thu nhập. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trong khối ngày càng phát triển, đời sống nhân dân  ngày càng được cải thiện. Đến nay, toàn khối có 85% gia đình văn hoá, 50% hộ khá, giàu, hộ nghèo giảm xuống còn 5,4%. Niềm vinh dự lớn nhất đến với người dân trong khối, năm 2010, khối Lê Lợi được công nhận danh hiệu "Làng văn hoá"; chị Phương được công nhận  đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Chi bộ khối được công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Sỹ Thành