Các chuyên gia cho rằng, trong vài ngày tới, thời tiết sẽ vẫn còn rét đậm, rét hại nên người dân cần chủ động giữ ấm cơ thể, không uống nước lạnh hay uống rượu trước khi ra ngoài.
Không sưởi ấm bằng than tổ ong
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng sớm 24/1, nhiệt độ nhiều nơi tại miền Bắc đã xuống dưới 0 độ C.
Tuyết cũng đã bắt đầu rơi và phủ trắng tại một số khu vực ở Sapa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)... và ngay ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội) cũng xuất hiện tuyết rơi.
Theo đại diện Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ xuống thấp sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người cũng như các loài gia súc, cây trồng.
Do đó, mọi người cần hết sức lưu ý khi ra ngoài trong tình hình thời tiết này. Nếu không có việc quan trọng thì nên ở nhà. Còn khi đi ra ngoài, cần mặc đảm bảo ấm áp.
Cùng với đó, việc xuất hiện băng tuyết sẽ gây ra đường trơn, trượt nên những người dân, du khách đi ngắm tuyết cần hết sức chú ý, tránh để xảy ra tai nạn.
Cùng trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, người già và trẻ em là những đối tượng có khả năng mắc các bệnh lý.
Trong đó, một số bệnh như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não... nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.
Để phòng ngừa mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, theo bác sỹ Cấp, người dân nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa...
Đối với người cao tuổi, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ trong nhà ấm chạy ra ngoài lạnh. Nếu thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp, có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
Đối với trẻ nhỏ, đôi khi lại ở tình trạng ngược lại, buổi tối cho con mặc quá ấm đi ngủ đến khi nóng quá, trẻ sẽ toát mồ hôi dẫn tới ướt quần áo. Khi quần áo ướt sẽ thấm ngược lại cơ thể trẻ gây ra nguy cơ viêm phổi.
Do đó, nên lưu ý giữ nhiệt độ chung trong phòng cho đủ ấm và mặc quần áo vừa phải. Luôn luôn kiểm tra xem trẻ có bị toát mồ hôi không, nếu khi trẻ bị ướt áo thì phải thay áo, tránh để trẻ mặc áo ướt.
Những người mà đặc thù phải làm việc ở ngoài trời chống chịu với rét đậm, rét hại cần mặc nhiều quần áo, hạn chế để da tiếp xúc với môi trường lạnh.
Ngoài ra, một số gia đình còn dùng đèn sưởi để tăng nhiệt độ trong phòng.
Bác sỹ Cấp cũng nhấn mạnh, không nên sưởi ấm phòng bằng bếp than tổ ong bởi có nguy cơ phát sinh ra khí cacbonic, giảm khí oxy, nếu để thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, nặng có thể dẫn tới chết ngạt.
“Nếu diện tích phòng nhỏ, ta có thể dùng các đèn sưởi, điều hòa để tăng nhiệt độ trong phòng hoặc đun 1 nồi nước sôi to để ở giữa nhà sẽ giúp tăng nhiệt độ trong phòng.
Tuyệt đối không đốt than củi, than tổ ong, lá cây trong phòng kín để sưởi, vì đã có nhiều trường hợp bị hôn mê, tổn thương não”, bác sĩ Cấp nêu rõ.
Chủ động giữ ấm cơ thể
Trước diễn biến thời tiết rét đột ngột, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng bệnh.
Theo đó, người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách giữ ấm cơ thể; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm; sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… và hạn chế đến những chỗ đông người tránh nhiễm làm lây lan mầm bệnh.
Để bảo đảm đủ dinh dưỡng, mỗi người cần ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng.
Nên uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh, bởi rượu làm nở các mạch máu gây giảm thân nhiệt nên khi ra trời lạnh sẽ rất nguy hiểm.
Tuyệt đối không tắm khuya, hoặc tắm quá lâu, hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, có thể gây tử vong. Cũng không nên tắm và gội cùng lúc tránh nguy hiểm cho sức khỏe./.
Theo Trí thức trẻ