(Baonghean) - Dư luận lại tiếp tục xôn xao về việc không chỉ có 1 mà tới tận 2 dự án do người nước ngoài làm chủ trấn ngự ở vị trí trọng yếu trên đỉnh đèo Hải Vân - nơi được các chuyên gia quân sự đánh giá là một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng không chỉ liên quan đến Đà Nẵng và Thừa thiên Huế; không chỉ liên quan đến Quân khu V và Quân khu IV mà liên quan đến vấn đề thống nhất về địa lý quốc gia. Đó thật sự là một “huyệt địa” cực kỳ quan trọng đối với quốc phòng - an ninh. Vấn đề cần làm rõ ra ở đây là tại sao chuyện đó lại xảy ra?
 
images1089394_13.jpgVị trí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng việc cấp phép cho nhà đầu tư Trung Quốc vào khu vực Cửa Khẻm trên núi Hải Vân (chấm xanh trong vòng tròn đỏ). Ảnh: Infonet
 
Sẽ có người biện minh là do sơ suất và thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về quốc phòng - an ninh. Nghe cũng có lý, vì đội ngũ cán bộ và các cơ quan chuyên môn liên quan đến việc cấp phép cho 2 dự án đó đều là cơ quan dân sự thuần túy, nên có thể không nắm sâu, nắm chắc những vấn đề thuộc diện “bí mật quân sự”. Thế nhưng, đó là những dự án lớn, lại có yếu tố nước ngoài, chắc chắn phải trình lên để các lãnh đạo đầu tỉnh xem xét, thông qua. Mà các vị này, không thể nói là thiếu kiến thức về lĩnh vực này được. Bởi theo quy định hiện hành, các lãnh đạo cỡ vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng và cấp tương đương trở lên đều phải kinh qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng - an ninh khá bài bản, kỹ lưỡng.
 
Chưa kể trong các đợt diễn tập khu vực phòng thủ diễn ra theo định kỳ dưới sự chỉ huy trực tiếp của các tướng lĩnh chuyên nghiệp, vấn đề vị trí tối quan trọng trong quân sự như nêu ở trên chắc chắn được đề cập rất kỹ lưỡng để xây dựng các phương án tác chiến, phòng thủ. Hơn nữa, tỉnh nào cũng có bộ chỉ huy quân sự tỉnh, là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ, khai thác những vị trí đó nhằm bảo đảm quốc phòng - an ninh, nên họ là những người biết chắc được những sự lợi hại của vị trí trọng yếu đó. Cho nên, viện nguyên nhân là thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết dẫn đến sơ suất nghiêm trọng đó là không sức thuyết phục. 
 
Phân tích như vậy hoàn toàn không nhằm quy kết trách nhiệm cho ai, mà chỉ để làm rõ ra bản chất thật của vụ việc. Lệ thường, để được sự cho phép thực hiện một dự án nào đó thì chủ đầu tư luôn phải thực hiện công đoạn “lốp-py”, nói nôm na là chạy giấy phép dự án. Dự án càng lớn, ở vào vị trí có nhiều lợi thế bao nhiêu thì “phần ngoại giao” để có giấy phép càng tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc bấy nhiêu. Trên thực tế, có những dự án được cấp giấy phép đầu tư là để thỏa mãn lợi ích của một vài cá nhân, nhóm người hay rộng hơn ra là lợi ích cục bộ của địa phương. Chính vì thế mà có một giai đoạn, các dự án trồng rừng được các địa phương cấp phép ồ ạt. Bất kể đó là rừng phòng hộ đầu nguồn tối quan trọng hay nằm ở khu vực biên giới, khu vực trọng yếu về quốc phòng - an ninh.
 
Cứ thấy có lợi ích kinh tế là người ta gật đầu chấp thuận, là ký ngay mà không để tâm tìm hiểu kỹ những tác động, những hệ lụy nguy hiểm nằm ngoài lợi nhuận. Việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án nghỉ dưỡng ở vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, nhiều khả năng là vì lợi ích kinh tế, lợi ích cục bộ của địa phương mà mất cảnh giác, bỏ qua hoặc là xem nhẹ yếu tố an ninh quốc gia. Đây không phải là chuyện hiếm, chuyện mới có, mà thực tế đã từng xảy ra và công luận đã không ít lần lên tiếng cảnh báo. Cuộc sống cũng đã cho thấy không ít bài học đắng cay, đau xót và những hệ lụy nguy hiểm, kéo dài khi lợi ích cá nhân chi phối, xâm hại lợi ích tập thể; lợi ích cục bộ địa phương đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. 
 
Đây thật sự là bài học cảnh tỉnh cho rất nhiều địa phương. Vậy nên, trước khi đặt bút ký bất cứ một công trình, dự án nào, cần phải nghĩ đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc trước đã, chứ không nên chăm chắm thỏa mãn lợi ích cục bộ cá nhân hay địa phương.
 
Duy Hương