(Baonghean) - Trong tự nhiên có loại động vật chuyên sống gửi, sống bám hoàn toàn hoặc một phần vào loài khác. Chúng chiếm sinh chất của các sinh vật khác đang sống để tồn tại và phát triển. Người ta gọi chúng là động vật ký sinh. Cứ nghĩ, chỉ động vật mới có loài như vậy. Nhưng thật ra trong xã hội loài người cũng có những thành phần tương tự.
Đó là những người sống bám vào cơ chế, vào ngân sách Nhà nước quen rồi nên không muốn, không chịu rời ra. Tới ngày phải nghỉ hưu theo chế độ cũng quyết tâm tìm đủ mọi cách để trụ lại, để không bị dứt hẳn ra khỏi bầu sữa đó.
Thế nên mới nảy sinh ra tình trạng như bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22/9 vừa rồi ở phần liên quan dự thảo Luật về Hội: Có nhiều ông thứ trưởng cứ về hưu là thành một hội, rồi xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí xin biên chế nữa.
Trên thực tế, không chỉ nhiều ông thứ trưởng, mà còn nhiều ông khác nữa, có chức vụ cao hơn, hoặc bằng, hoặc thấp hơn chút ít, khi về hưu đã lợi dụng ảnh hưởng của mình để lập hội. Nếu hội của các vị đó tự sinh tự dưỡng, không động đến một xu tiền đóng thuế của dân thì không nói làm gì.
Nhưng hầu hết các hội của họ lập ra rồi bằng cách này, cách nọ để được dùng tiền từ ngân sách. Không lấy được trực tiếp thì lấy gián tiếp thông qua nguồn tài trợ từ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hay của một số địa phương có nguồn thu dồi dào.
Dĩ nhiên, ếch nào cũng là thịt, tiền nào rồi cũng từ túi Nhà nước chảy ra. Dĩ nhiên, người ta thừa biết các hội kiểu đó lập ra nhằm mục đích gì. Nhưng rồi nể nả là chỗ thân quen, thậm chí là thủ trưởng cũ vừa mới rời ghế không lâu nên không mấy ai nỡ từ chối.
Thế là, không ít vị nghỉ hưu mà không nghỉ. Vẫn ngày ngày cắp cặp đến trụ sở hội, tham dự đủ mọi hoạt động. Thậm chí hoạt động còn hăng hái hơn hồi đương chức vì rảnh rỗi hơn. Với lại, ở nhà buồn, mau già sinh ra đau ốm nên rất chịu khó đi lại, chạy chọt ngược xuôi.
Một số thì tranh thủ đi, tranh thủ kiếm khi người ta còn nhớ, còn chưa quên mình để mà cậy nhờ này nọ. Thế nên, “quan” hội mà khéo xoay trở, giỏi vận dụng các mối quan hệ thì cũng có trụ sở, có xe, cũng họp hành, đi lại, chi tiêu ăn uống tiệc tùng.
Thành ra, hội ở ta “đông” như hội, nhưng hiệu quả hoạt động thì mù mờ, hư hư, thực thực như tranh thủy mặc. Có không ít hội là nơi để mấy ông nghỉ hưu không quen làm dân được tiếp tục làm quan, dù là quan hội, vừa vui vừa có cơ hội kiếm chác chút lợi ích. Mới thấy, cái thói sống nhờ, sống bám vào ngân sách thật không dễ bỏ.
Nhiều nhỏ góp lại thành to, cả nước có cả thảy 8 nghìn cái hội, hiệp hội cả to lẫn nhỏ. Và theo điều tra của Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế vừa mới được công bố, thì mỗi năm ngân sách Nhà nước phải bỏ ra tới 14 nghìn tỷ đồng để nuôi các hội này.
Một núi tiền chứ không ít. Đã đến lúc cần phải thanh lọc các hội, dứt khoát loại bỏ hoặc không chu cấp kinh phí bằng tiền ngân sách dưới bất cứ hình thức nào cho những hội, hiệp hội không cần thiết. Coi đó như là một cách để loại bỏ thói sống ký sinh.
Duy Hương