(Baonghean) - Báo cáo  ngày 18/9 của  Bộ KH&ĐT với Chính phủ cho biết, thời hạn công bố thông tin định kỳ là tháng 5/2016, nhưng đến nay mới có 44/ 432 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) công bố thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

images1697682_gh_7341_1468035579.jpgẢnh minh họa về tình trạng vi phạm luật Giao thông (không đội mũ bảo hiểm)

Đặc biệt, cả 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đều không thực hiện đầy đủ, đúng hạn trách nhiệm công bố thông tin... Kết quả chỉ có từ 10% DNNN thực hiện công bố thông tin theo quy định, cho thấy sự thiếu nghiêm túc trong thực hiện trách nhiệm công bố thông tin và một thông điệp đáng báo động về sự nhờn luật dường như đang là căn bệnh phổ biến và ăn sâu vào hệ thống DNNN.

Nhìn rộng ra các lĩnh vực khác cũng thấy tình trạng như vậy: Trong xây dựng là việc xây cất các công trình tư nhân hoành tráng trong rừng phòng hộ, đất lâm trường và các vùng đất công không phép; xây vượt cả chục tầng so với giấy phép, thậm chí đã có lệnh dừng thi công mà chủ đầu tư vẫn cứ phớt lờ. Trong quản lý thị trường là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng chất lượng thấp và lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng bất chấp các quy định về bản quyền và các quy định pháp lý và các cam kết đã ký về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng áp thuế sai đối tượng và miễn giảm thuế không đúng quy định; cấp phép dự án vượt thẩm quyền và chi tiêu đầu tư công bất chấp các định mức và quy định ban hành còn chưa ráo mực... Tất cả tạo ra cảm tưởng luật có như không???

Căn bệnh nhờn luật mãn tính đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra theo đủ kiểu và cấp độ, quy mô; hệ quả là nền kinh tế tắc nghẽn, kém hiệu năng; Vai trò Nhà nước pháp quyền chưa đạt được.

Đặc biệt, tình trạng nhờn luật làm gia tăng áp lực hết sức đáng ngại của tình trạng bội chi NSNN, nợ công, thất nghiệp, nguy cơ rừng cạn dần, biển chết dần và các dòng sông ngày càng khô kiệt, nhiễm mặn, ô nhiễm ruộng đất và môi trường sống, làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế…

Chúng ta đang trở nên quen thuộc đến mức vô cảm với các hành xử quản lý nhà nước theo “quy trình ngược”, kiểu cấp dưới áp đặt luật chơi cho cấp trên khi buộc vào tình huống “Sự đã rồi”: Đó là tình trạng Quốc hội thường xuyên chấp nhận phải thông qua mức bội chi thực tế  luôn cao hơn mức bội chi dự toán hàng năm được Quốc hội thông qua.

Đó là tình trạng cấp chính quyền địa phương vượt quyền xử lý, cấp phép cho doanh nghiệp FDI rồi “chạy quy trình” để hợp pháp hóa các quyết định của mình, bất chấp hậu quả lâu dài và to lớn cho xã hội, làm giảm sút năng lực, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang nỗ lực hướng tới.

Môi trường và tài nguyên đất nước ta đang bị khai thác tới giới hạn đỏ. Hệ thống luật định của Việt Nam ngày càng nhiều hơn, nhưng nhận thức và thói quen tuân thủ, hiệu lực thực tế của các luật định dường như ngày càng nhạt hơn,  hoặc bị vô hiệu hóa  do sự tắc trách, vô cảm, vô trách nhiệm và sự chi phối ngày càng mạnh mẽ của các nhóm lợi ích, của sự yếu kém của không ít các cơ quan  trong bộ máy chính quyền.

Khai mở và phối hợp hiệu quả những động lực tăng trưởng mới bền vững hơn, trước hết từ những đột phá thể chế, xiết chặt kỷ cương, tôn trọng luật pháp thực sự là việc cần phải làm, để không chỉ tiếp sức tăng trưởng kinh tế cho nửa cuối năm nay, mà còn để tăng tốc và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sống theo yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới.

P.V

TIN LIÊN QUAN