(Baonghean) - Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ công chức, viên chức nhà nước đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động trình Chính phủ năm 2017 với nhiều dư luận trái chiều. Vậy nếu tăng tuổi hưu có phải là giải quyết vấn đề một cách căn cơ, hay sẽ đem lại những hệ quả không tốt nào cho xã hội?

Lý do chính để tăng tuổi nghỉ hưu là BHXH Việt Nam quan ngại sự mất cân đối giữa thu và chi quỹ lương, đến một lúc nào đó sẽ vỡ quỹ, thu không đủ chi. Vậy việc tăng tuổi hưu có đem lại lợi ích cho đại cục?

Theo chúng tôi, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với cả nữ và nam hoặc 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam là không phù hợp, vì các lý do sau:

Trong thực tế, những người về hưu đa số đã ở thời kỳ lão hóa trí tuệ và sức khỏe, bên cạnh một số ít người minh mẫn, khỏe khoắn có thể làm việc thêm được ít năm, thì đa số người lao động muốn nghỉ ngơi để hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu, vui thú tuổi già sau hàng chục năm vất vả làm việc. 

Nếu tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 5 tuổi, nam lên 2 tuổi có thể giảm quỹ lương hưu cho BHXH trong ngắn hạn, nhưng lại tăng ngân sách Nhà nước trong việc trả lương cán bộ công chức, viên chức đang làm việc lên rất cao vì những người tiếp tục làm việc ấy đang ở bậc lương tụt khung, cao hơn người mới vào làm việc nhiều lần.

Ví dụ với công chức, viên chức ngạch A1, một người tụt khung là 4,98 x 1,210.000 = 6,025.000 đồng + 25 % phụ cấp = 7,531.000 đồng; trong khi một người mới ra trường làm việc lương 2,34 x 1,210.000 = 2,831.000 đồng cộng 8% (mới tăng) = 3,058.000 đồng + 25% = 3,822.000 (chênh lệch giữa 2 người là 3,709.000 đồng). Như vậy ngân sách Nhà nước sẽ phải gánh chịu quỹ lương như vậy cũng sẽ rất nặng nề.

images1697040_bna_57e9404ee5963.jpgẢnh minh họa: Internet

Trong khi mỗi năm hàng triệu người ra trường, họ cần một công việc để ổn định cuộc sống, nâng cao chuyên môn, thì những người trên 55 tuổi đối với nữ trên 60 tuổi đối với nam chưa nghỉ sẽ tồn đọng một lượng nhân lực lớn, họ không được làm việc đúng chuyên môn sẽ gây lãng phí từ công tác đào tạo.

Đa số những cán bộ công chức, viên chức bình thường đều muốn được nghỉ hưu ở độ tuổi 55 đối với nữ, 60 đối với nam, trừ một bộ phận cán bộ có chức quyền hoặc đang công tác ở những nơi “béo bở” mới muốn ngồi thêm ít năm nữa.

Nếu tăng tuổi nghỉ hưu như dự kiến, thì đến một lúc nào đó (sau một thế hệ) số lượng người nghỉ hưu vẫn cứ đông như hiện nay nếu số biên chế không giảm, BHXH vẫn phải gánh một quỹ lương lớn. Nếu số người hưởng lương hưu giảm thì do họ chết trong khi đang làm việc hoặc chết ngay khi bắt đầu nghỉ hưu.

Vậy, khi muốn không vỡ nợ quỹ lương của BHXH và giảm ngân sách cho tiền lương cán bộ công chức, viên chức, thì cần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, quy hoạch lại hệ thống các ban ngành, đoàn thể, không để dôi dư do lực lượng người hưởng lương quá đông (khoảng 11 triệu người), bỏ những phòng, ban, hội, đoàn thể... chức năng  nhiệm vụ không rõ ràng, không quan trọng, có cũng được mà không có cũng không sao, giảm số biên chế ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều cơ quan nhà nước khiến cả quỹ lương bảo hiểm xã hội lẫn ngân sách Nhà nước phải gồng mình gánh chịu. 

Chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số đối tượng đặc biệt như chuyên gia cao cấp, nhà khoa học, bác sỹ, kỹ sư trên cơ sở tinh thần tự nguyện hoặc có những quy định chặt chẽ.

Hữu Vinh

TIN LIÊN QUAN