Phía doanh nghiệp Trung Quốc đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thanh toán đồng Nhân dân tệ trực tiếp ở Việt Nam.

Đó là thông tin được đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được báo Dân trí dẫn lại. Theo đó, Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cho rằng, nhu cầu giao dịch thanh toán bằng Nhân dân tệ tại Việt Nam là khá lớn và tăng lên rõ rệt theo đà phát triển không ngừng của thương mại Việt - Trung nhưng  hiện phương thức lưu thông Nhân dân tệ chưa được pháp luật Việt Nam quy định.

Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể mở rộng phạm vi sử dụng Nhân dân tệ tại Việt Nam hơn ở mức độ hợp lý, đồng ý cho ICBC thực hiện hợp tác về nghiệp vụ Nhân dân tệ với Ngân hàng thương mại Việt Nam (như BIDV) hiện đang thực hiện nghiệp vụ Nhân dân tệ.

Theo 2 cơ quan này, tại thị trường biên mậu Việt - Trung, cuối năm 2013, ước tính kim ngạch thanh toán bằng Nhân dân tệ đã đạt khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, đa số giao dịch thanh toán biên mậu bằng Nhân dân tệ nói trên được thực hiện ở Việt Nam thông qua con đường không chính ngạch.

Hiệp hội doanh nghiệp Trung quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đề xuất cho thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ tại Việt Nam

"Nếu thị trường thanh toán Nhân dân tệ từ biên giới được mở rộng đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, thì Ngân hàng Nhà nuớc Việt Nam có thể quản lý giám sát nguồn vốn này một cách có hiệu quả. Đồng thời có thể tăng cường đóng góp trong việc thu thuế cũng như công tác phòng, chống rửa tiền", kiến nghị cho biết. 

Kiến nghị cũng cho biết, hiện tại đã có ngân hàng của Việt Nam thực hiện nghiệp vụ đổi Nhân dân tệ-Việt Nam đồng nhưng chưa có ngân hàng Trung Quốc được thực hiện nghiệp vụ này. Theo đó, nếu đồng tiền thanh toán thương mại từ đồng USD... được thay bằng Nhân dân tệ chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu.

Việt Nam chỉ có cách đi vay của Trung Quốc

Trao đổi với báo Một thế giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đề nghị của phía doanh nghiệp Trung Quốc là vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

"Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một đồng tiền của Việt Nam là Việt Nam đồng, tất cả những đồng tiền khác đều phải chuyển đổi sang đồng tiền của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta không cho phép lưu hành song song một đồng tiền nào khác", ông Doanh chỉ rõ.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng phân tích, hiện nay Việt Nam đang nhập siêu rất nặng từ Trung Quốc. Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam còn có hy vọng để trả cho Trung Quốc, ví dụ như Việt Nam có thể kiếm được đồng USD từ việc xuất khẩu sang Mỹ, sang Nhật... Nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ thì Việt Nam chỉ có một cách là vay của Ngân hàng Trung Quốc. 

"Tức là ngoài nhập siêu, chúng ta còn phụ thuộc thêm về mặt tài chính đối với Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại, cần phải xem xét kỹ" - ông Doanh nói.

Trong khi đó, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hệ thống hoán đổi tiền tệ trực tiếp này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và những nước này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng tiền của hai bên trong các hoạt động thương mại và đầu tư song phương. Đồng thời, thúc đẩy các nước đối tác mua hàng xuất khẩu của Trung Quốc và nhận tín dụng bằng Nhân dân tệ. Ngoài ra cũng không loại trừ yếu tố chính trị.

Theo TS Kiêm, việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong quan hệ thanh toán song phương Việt Nam– Trung Quốc cần được xem xét dưới nhiều góc độ, một là độ tin cậy và sức mạnh của đồng Nhân dân tệ và hai là sức đề kháng của kinh tế Việt Nam.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Bao giờ đồng Nhân dân tệ có thể chuyển đổi được ra vàng hay USD, hay EURO thì đó lại là chuyện khác. Bối cảnh hiện nay, Nhân dân tệ chưa làm được điều đó nên chúng ta sẽ phải chờ thêm.

Về mặt pháp lý, theo TS. Phan Minh Ngọc, NHNN đã có Quyết định số 11/VBHN-NHNN ngày 21/5/2014 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo đó, kiến nghị trên là không chính xác khi nói “phương thức lưu thông Nhân dân tệ chưa được pháp luật Việt Nam quy định”. Với quy định này thì không phải là “pháp luật Việt Nam chưa có quy định” (về phương thức lưu thông Nhân dân tệ), mà chính xác ra thì pháp luật Việt Nam đã có quy định cụ thể chỉ cho phép lưu thông Nhân dân tệ một cách hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam.

Giấc mơ Trung Hoa với nỗ lực quốc tế hoá Nhân dân tệ

Từng trao đổi với Đất Việt, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều năm qua, Trung Quốc đã trỗi dậy một cách mạnh mẽ, trở thành một cường quốc kinh tế và mang tham vọng quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ.

PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Trung Quốc, nền kinh tế lớn đang lên, muốn khuyếch trương ảnh hưởng kinh tế chính trị nói chung trên trường quốc tế và trước hết là khu vực. Trong lĩnh vực tiền tệ, Trung Quốc muốn đưa đồng tiền của nước mình trở thành đồng tiền có thể chuyển đổi, có vị trí và có phần trong dự trữ ngoại tệ của các nước khác, muốn được quốc gia khác dùng Nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán trong các giao dịch quốc tế, tức muốn cạnh tranh và loại bỏ các đồng tiền khác (nhất là USD). 

"Do đó, khi cho vay hay viện trợ ODA, Trung Quốc  thường đàm phán buộc các nước khác vay bằng đồng Nhân dân tệ. Đó là một trong những cách quan trọng và chủ yếu để đưa đồng Nhân dân tệ thành đồng tiền thanh toán quốc tế", ông nói.

Còn theo TS Lê Xuân Sang, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Trung Quốc bắt đầu quá trình quốc tế hóa Nhân dân tệ từ năm 2002, song xác định “trong nguy (hiểm) có cơ (hội)” nên vào chính đỉnh điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009) đã chủ động thúc đẩy rất mạnh chiến lược của mình, nhờ đó, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong thời gian ngắn.

Tính đến giữa năm 2010, Trung Quốc tiến hành trao đổi bằng đồng Nhân dân tệ với khoảng 23 đối tác thương mại, từ Iceland đến Nhật Bản. Theo một thống kê, năm 2013, tổng giá trị các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ trên thế giới đã đạt 4.630 tỷ Nhân dân tệ, trong đó tỷ lệ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã vượt 10%. 

"Lợi ích từ cho vay hay tài trợ ODA bằng Nhân dân tệ đối với Trung Quốc là rất lớn. Một mặt điều này song trùng với chiến lược quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ, giúp Trung Quốc phổ quát hoá đồng Nhân dân tệ, đồng thời giúp giảm nhẹ áp lực tăng giá Nhân dân tệ do luồng vốn vào Trung Quốc (theo các kênh) là rất lớn và do áp lực từ Mỹ và EU. Quan trọng không kém, bất kể cho vay bằng đồng tiền nào, việc cho vay tạo ra lợi suất đầu tư cũng như có thể ảnh hưởng kinh tế - chính trị đến nước vay (thông qua các khoản vay ODA).

Rủi ro từ cho vay bằng Nhân dân tệ nói chung cũng giống như cho vay bằng các đồng tiền khác, nghĩa là rủi ro con nợ vỡ nợ và rủi ro tỷ giá", TS Lê Xuân Sang phân tích.

Bàn về nguy cơ của kinh tế Việt Nam trước nỗ lực quốc tế hoá Nhân dân tệ của Trung Quốc, PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh dẫn một ví dụ: "Giả sử Trung Quốc cho Việt Nam vay (ưu đãi không hề lấy đồng lãi nào) 700 Nhân dân tệ, tương đương 100 USD, tức tỷ giá tạm coi là 1 USD/7 Nhân dân tệ. 5 năm sau, dù chỉ cần vay bao nhiêu trả đủ bấy nhiêu nhưng đồng Nhân dân tệ lại lên giá khiến 1 USD chỉ mua được 6 Nhân dân tệ nên để  trả được 700 Nhân dân tệ đó, Việt Nam phải trả khoảng 117 USD, tức mất thêm 17 USD nữa. Điều đó cũng có nghĩa lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam bị hao hụt thêm 17 USD. Không những thế, để có thêm 17 USD đó, Việt Nam phải bỏ thêm tiền VND để mua USD, khiến VND mất giá và lạm phát ở Việt Nam có nguy cơ tăng cao". 

Nguồn Báo Đất Việt