Ông là tác giảlò cao nấu luyện gangđầu tiên của đất nước, cung cấp nguyên liệu sản xuất vũ khí cho quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt làsản xuất hàng vạn lưỡi cuốc, xẻng, súng đạn cho bộ đội sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Thiếtkế lò caoluyện gang giữanúi rừng Con Cuông
Trong không gian trưng bày của Bảo tàng Quân khu 4 tại TP. Vinh (Nghệ An) hiện còn lưu giữ những kỷ vật rất giá trị. Đó là bộ sưu tập gồm 3 chiếc vỏ mìn, 2 vỏ lựu đạn, súng cối 60mm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu gang của lò cao Như Xuân trong kháng chiến chống Pháp. Những hiện vật này được các đồng chí trong Ban Liên lạc Cựu chiến binh ngành Quân giới Liên khu 4 trao tặng Bảo tàng nhân Kỷ niệm 50 năm ngày lò cao luyện gang đầu tiên được hoàn thành.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Nghệ An là trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng tự do Khu IV. Nằm lọt thỏm giữa tứ vây của kẻ thù, song cũng chính trên mảnh đất xứ Nghệ kiên cường, quân và dân đã anh dũng chiến đấu vừa bảo vệ hậu phương, vừa chi viện cho chiến trường. Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành - cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 kể: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vũ khí cho lực lượng vũ trang còn rất thiếu, chỉ có một số đơn vị được trang bị bằng vũ khí thu được của Bảo an binh và quân Nhật - Pháp…
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức mỗi chiến khu một ty quân giới chuyên lo tìm nguyên liệu sản xuất vũ khí, điều chỉnh các loại súng giống nhau vào một đơn vị để tiện bổ sung đạn; coi trọng việc chế tạo vũ khí thô sơ, bao gồm cả cung tên, giáo mác, đại đao, súng kíp, tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí chuyên sửa chữa các loại súng, sản xuất vỏ lựu đạn bằng gang và các chi tiết cơ khí của lựu đạn.
Tuy nhiên, sau những năm đầu kháng chiến, nguồn nguyên liệu lấy từ ống nước bằng gang đào bới lên được chở từ các thành phố, đập vụn, bỏ vào lò nung lại đã cạn kiệt; nguồn chảo gang, lưỡi cày quyên góp từ nhân dân cũng đã hết. Chiến tranh lại ngày một ác liệt, đòi hỏi phải nghiên cứu sản xuất ra gang ở quy mô công nghiệp để chế tạo một số loại vũ khí như: mìn, lựu đạn phục vụ kháng chiến. Trong bối cảnh đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giao cho Cục Quân giới nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ xây dựng lò luyện gang để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất vũ khí.
Năm 1948, Nhà máy kinh tế Cầu Đất đặt tại huyện Con Cuông (Nghệ An) do kỹ sư Võ Quý Huân làm Giám đốc, về sau gọi là nhà máy kim khí đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng lò cao nấu luyện gang. Chiều 15/11/1948, chiếc lò cao thí nghiệm đầu tiên do kỹ sư Võ Quý Huân thiết kế, xây dựng với sự cộng tác của các cán bộ kỹ thuật đã cho ra lò mẻ gang đầu tiên từ quặng sắt Vân Trình, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Những sản phẩm đầu tiên từ lò luyện này tuy còn khiêm tốn nhưng có giá trị động viên tinh thần to lớn cho việc làm chủ khoa học, kỹ thuật của ngành Quân giới trong kháng chiến chống Pháp.
Năm 1949, sau khi biết tin Ty Quân giới Liên khu 4 đã cho luyện thành công gang công nghiệp từ lò cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo kỹ sư Võ Quý Huấn cho chuyển lò cao sản xuất gang từ Nghệ An ra Thanh Hóa, nơi có nguồn nguyên liệu phong phú và điều kiện giao thông thuận lợi hơn. Sau 15 tháng lao động khẩn trương các cán bộ kỹ thuật và công nhân quân giới đã xây dựng thành công lò cao Như Xuân. Đúng ngày 19/12/1951, kỷ niệm 5 năm ngày toàn quốc kháng chiến, lò cao Như Xuân cho ra mẻ gang đầu tiên ở Thanh Hóa.
Từ ngày xây dựng đến hết năm 1954, vừa xây dựng vừa sản xuất, các lò cao luyện gang Như Xuân đã cung cấp gần 500 tấn gang cho các xưởng quân giới sản xuất lựu đạn, đạn súng cối, mìn; các làng nghề xản xuất lưỡi cày, diệp cày, chảo gang, nồi gang phục vụ kháng chiến; đặc biệt là từ nguồn nguyên liệu này đã cung cấp cho các xưởng sản xuất hàng vạn lưỡi cuốc, xẻng cung cấp cho bộ đội sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Mộtđời tận hiến cho đất nước
Việc xây dựng và vận hành thành công lò cao luyện gang đầu tiên của đất nước ta gắn liền với tên tuổi kỹ sư Võ Quý Huân.
Ông sinh ngày 7/11/1912 tại xóm Yên Thành, xã Thanh Tùng huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An trong một gia đình giáo dân có truyền thống hiếu học và yêu nước. Có tinh thần yêu nước, tuổi thành niên, Võ Quý Huân đã tham gia các phong trào yêu nước. Những năm 1935-1937, Võ Quý Huân tham gia phong trào Bình dân, làm Chủ nhiệm Báo Đông Dương hoạt động (L'activité Indochinoise) xuất bản song ngữ Việt - Pháp. Đây là một tờ báo tiến bộ đương thời nên bị thực dân Pháp đóng cửa; Võ Quý Huân phải trốn sang Pháp để học.
Ông đã giành được 3 bằng kỹ sư các ngành: cơ điện, đúc và kỹ nghệ chuyên nghiệp. Sau đó, ông làm việc cho hãng tàu thủy Compagnie Translatique (Pháp) và một số nhà máy lớn. Ông cũng là kỹ sư trưởng tại nhà máy nghiên cứu sản xuất động cơ máy bay Potef… Ông tham gia Tổng Công đoàn Pháp (CGT), là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1939. Ông hoạt động tích cực trong hội Việt kiều tại Pháp, vừa là phiên dịch, vừa là thư ký của Hội.
Năm 1946, Bác Hồ sang thăm Pháp trên cương vị là Nguyên thủ Quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo lời mời của Chính phủ Pháp. Chuyến thăm của Người là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam trong những năm 1945-1946 để cứu vãn nền hòa bình. Ông Võ Quý Huân lúc đó làm kỹ sư trong Nhà máy Công nghiệp quốc phòng của Pháp, có quốc tịch Pháp, lấy vợ Pháp và vừa có con gái đầu lòng, đã tham gia đón tiếp phía đoàn và tổ chức nhiều hoạt động kêu gọi kiều bào, bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam.
Ngày 18/9/1946, từ quân cảng Toulon, Bác Hồ rời nước Pháp trên chiến hạm Dumont D’Urville về nước. Trên chuyến tàu đó có thêm 4 tri thức Việt Kiều là: Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Võ Đình Quỳnh theo Người về nước tham gia kháng chiến. Chia tay vội vã, chỉ kịp gửi con gái đầu lòng lại cho người quen, trong khi vợ đang đi vắng, kỹ sư Võ Quý Huân đã từ bỏ cuộc sống sung túc, hy sinh tình cảm vợ chồng, cha con để trở về theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, ông đã tận tâm cống hiến, bằng kiến thức của mình nghiên cứu, chế tạo nguyên liệu phục vụ sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến của nước nhà. Người kỹ sư tài danh xứ Nghệ được Bác Hồ khen ngợi.
Đứng bên những hiện vật là vũ khí từ cuộc kháng chiến chống Pháp, Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành xúc động: Bạn bè đồng nghiệp đánh giá kỹ sư Võ Quý Huân là người “đến hơi thở cuối cùng vẫn chỉ biết mang nghề nghiệp của mình ra phục vụ đất nước”. Ông là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành luyện kim nước nhà.
Năm 1967, người kỹ sư nặng lòng với đất nước đã ra đi khi nhiều hoài bão cống hiến còn dang dở và đau đáu nỗi niềm khi chưa một lần gặp lại vợ, con gái ở Pháp từ ngày về nước. Kỹ sư Võ Quý Huân được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng III và Huân chương Độc lập hạng I. Năm 2013, Di tích Lò cao luyện gang Như Xuân đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.