(Baonghean) - Trong tuần qua, bài viết “Nỏ mưa” của tác giả Nghệ Nhân đăng ở chuyên mục “Góc nhìn người Nghệ”, số ra ngày 13/2 nhận được số phiếu bình chọn cao, được Ban biên tập khen thưởng. Sau đây là lời bình của độc giả giành cho bài viết:
Câu chuyện báo chí ồn ào cùng dư luận tốn bút mực trong dịp đầu năm con ngựa này không phải những chuyện "cùng kỳ năm ngoái", mà bây giờ là việc chuẩn bị lộ trình để giảm 100 ngàn công chức trong 6 năm (từ nay tới 2020). Vì vậy, vào tra Google, gõ cụm từ "giảm biên 100.000 công chức", nó đã cho ra 614.000 kết quả chỉ trong 0,11 giây. Nằm trong vệt sự kiện này, tác giả Nghệ Nhân cũng có một bình luận dưới "Góc nhìn người Nghệ" vỏn vẹn khoảng 300 chữ. Cái thú vị ở chỗ là vì nhìn bằng "Góc nhìn người Nghệ" nên bình luận của tác giả lại có nét riêng rất "Nghệ nhân ". Đó là cái ý vị và đặc sắc của bài viết này vậy.
Có thể đưa ý tưởng của bài viết "Nỏ mưa" bằng một ví von ở cuối bài viết. Chính tác giả đã khéo dấu nó đến cuối cùng, để khi người đọc đọc hết, mới hiểu được cái "thâm nho" nhưng đầy chất hóm và cay của kiểu "ông đồ Nghệ". Ấy là câu ca của người Nghệ xưa "Mọi người ai không biết thì lầm/Trời sấm ầm ầm là trời nỏ mưa" để nói lên cách nhìn của mình về sự kiện giảm biên 100 ngàn công chức sắp tới. Câu ca trên mô tả một hiện tượng thiên nhiên đã được đúc rút, rằng mỗi lúc trời sấm sét ầm ào thì y như rằng, hôm đấy sẽ không mưa, nếu mưa cũng chỉ vài hột rồi thôi. Tương tự với câu ca này cũng có thể kể thêm như "Giơ cao đánh sẽ"; “Đánh trống bỏ dùi”... nhằm để nói rằng một sự việc được báo trước bằng những hành vi dọa dẫm rất khiếp, nhưng thực chất sự việc thì chẳng đi đến đầu đến đũa.
Trở lại với việc Bộ Nội vụ đệ trình vụ tinh giản biên chế 100.000 công chức, ta hay còn gọi là giới "cắp ô" nói chung. Thực ra, đây là một việc làm tạo được nhiều đồng thuận trong nhân dân. Bởi từ trước đến nay, người dân vẫn coi đó là một bộ máy công quyền khá kềnh càng ít hiệu quả. Ngay Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nói rằng, có đến 30% (tương ứng chừng 800.000 người) công chức không đảm đương tốt công việc. Ta chưa bàn về con số 100.000 công chức sẽ tinh giản là dựa trên tiêu chí nào nhưng nói như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, thì lần tinh giản này thực sự sẽ có chất lượng nghiêm túc. Bởi khác với những lần trước đây đơn thuần chỉ là giảm cơ học, lần này có mục tiêu là nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ. Tinh giản biên chế lần này được thực hiện đồng bộ với các nội dung khác của cải cách chế độ công vụ, công chức. Thông qua đó sẽ xác định được ai làm việc, ai chưa làm tốt... để phân loại, đưa vào diện tinh giản.
Việc tinh giản này đã được tác giả coi đó là chuyện "Lo thôi chứ cũng chưa ngại, chưa hoảng lắm vì chỉ mới trong dự thảo và đang trong giai đoạn xin ý kiến toàn dân". Thực ra tác giả đã khéo lồng vào đó ngụ ý của câu ca xứ Nghệ như đã nói, đó cũng chính là nỗi lo của tác giả. Bởi chính vì khi cứ đưa ra bàn bạc, thảo luận có nghĩa là chưa thực sự dám mạnh tay, để trở thành kiểu "đẽo cày giữa đường", cuối cùng là "nỏ mô vô mô", hòa cả làng. Nghĩa là tinh giản thì cứ tinh giản, nhưng "phình ra" vẫn cứ "phình ra". Dẫn chứng cho lập luận đầy trách nhiệm nhưng khá "cay" này, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục. Tỷ dụ như việc thực hiện Nghị quyết 132 về tinh giản biên chế từ năm 2007 đến năm 2011, nhưng sang 2012 khi tính toán lại thì con số biên chế từ TƯ đến huyện đã...tăng thêm 42 ngàn người và hơn 14 ngàn ở cấp xã.
Bởi vậy, tác giả Nghệ Nhân mới lo nỗi lo của việc "giơ cao đánh sẽ", sợ rằng "mèo lại hoàn mèo" mà thậm chí còn sinh ra thêm thật nhiều...mèo con. Tuy nhiên, tác giả vẫn hy vọng vào lần tinh giản này sẽ khác. Bởi cũng theo ý kiến Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, thì "Điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện thật tốt để đưa được những người không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của luật Cán bộ, công chức, người không có khả năng đáp ứng yêu cầu công vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm... ra khỏi công vụ. Đồng thời phải có giải pháp thu hút, tuyển dụng được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức". Đó dĩ nhiên là một thái độ cương quyết, chúng ta có quyền kỳ vọng vào điều đó.
Thế nhưng, cũng có nỗi lo như của tác giả Nghệ Nhân, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an trong một trả lời phỏng vấn mới đây cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế đưa ra nhiều lần rồi nhưng không thành công, thậm chí là thất bại, hàng chục văn bản nói mà không làm được. Ông nói: “Tôi biết có những đơn vị năm 95 chỉ 14 người giờ đã 80 người mà công việc chỉ thế thôi, quy mô chỉ mở rộng chút ít. Là một cử tri, tôi yêu cầu Chính phủ thống kê rõ ràng số lượng giảm, tăng mỗi lần có quy định để người dân biết mà ủng hộ hay phản đối. Đây là việc không có gì quá nhạy cảm mà phải bưng bít".
Như thế, nỗi lo của tác giả bài viết hoàn toàn không phải là không có cơ sở. Bởi "Có không ít việc đặt ra mục tiêu cao cả và cụ thể, giải pháp khá rõ ràng, ban đầu thì hô hào và quyết tâm lắm lắm, nhưng càng về sau càng đuối dần rồi tịt hẳn". Cho nên, cái tít của bài viết đã được nhắc lại ở câu cuối cùng "Sấm đã nổi lên rồi, liệu lần này trời có lại tiếp tục: Nỏ mưa?". Câu hỏi cho một bài viết ngắn, nhưng là trĩu nặng trách nhiệm của công dân đối với những vấn đề lớn của đất nước. Cũng trong số báo Nghệ An ra ngày 15/2 mới đây, tác giả Văn Gừng có bài thơ "Giảm biên" nói về việc này với 2 câu kết: "Giảm biên, đại sự quốc gia/ Đánh giá chính xác mới là thành công".
Người Xây Dựng