Ngày 8/11, trong cuộc thảo luận tại Ủy ban Chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66, Liên hợp quốc đã kêu gọi Palestine và Israel có những quyết định táo bạo cần thiết nhằm nối lại các cuộc đàm phán để đạt được hòa bình ở Trung Đông.

Liên hợp quốc cảnh báo cánh cửa hòa bình giữa  Palestine và Israel một khi đã đóng lại sẽ rất khó để có thể mở ra. Vì vậy, mặc dù những quyết định táo bạo là không dễ dàng đối với cả Palestine và Israel, song vẫn cần được đưa ra và thực hiện trên cơ sở tôn trọng giải pháp đối thoại và thương lượng.

Liên hợp quốc luôn kiên trì ủng hộ giải pháp hai nhà nước và kêu gọi các bên tuân thủ lộ trình hòa bình do Bộ Tứ (gồm Liên hợp quốc, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu) hoạch định.

Tại cuộc thảo luận, đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc kêu gọi các bên ở Trung Đông vượt qua những thù hận tích tụ suốt nhiều năm để tìm ra giải pháp hòa bình đang rất cần cho khu vực này.

Tuy nhiên, đại diện hai nước cũng nhấn mạnh thực tế là trong 40 năm nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nhân dân Palestine vẫn phải sống không có nhà nước và trong các điều kiện bị đàn áp và chậm phát triển, trong khi Israel vẫn theo đuổi lập trường "4 không": không ngừng xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine, không trở lại đường biên giới năm 1967, không thương lượng về quy chế tương lai của thành phố Jerusalem, không thừa nhận quyền trở về của người tị nạn Palestine.

Lập trường này vi phạm luật quốc tế và phủ nhận các quyền chính đáng của người Palestine. Vì vậy, nhân dân Palestine phải tiếp tục cuộc đấu tranh chính đáng vì quyền tự quyết và quyền thành lập Nhà nước Palestine, trong đó giải quyết được các vấn đề then chốt như biên giới, tương lai của thành phố Jerusalem, người tị nạn, định cư và nước.

Trong một diễn biến liên quan, Dự thảo báo cáo của Ủy ban kết nạp thành viên mới trực thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc công bố ngày 8/11 cho thấy các thành viên trong Hội đồng bảo an hiện đang bị chia rẽ sâu sắc về việc có trao cho Palestine quy chế thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc hay không.

Theo hãng tin AFP, dự thảo báo cáo trên đã tránh đề cập tới những nước ủng hộ hay phản đối đơn xin trở thành thành viên Liên hợp quốc của Palestine cũng như việc liệu nỗ lực này có được đa số ủng hộ hay không mà chỉ nói rằng "đã có những quan điểm trái ngược được thể hiện."

Dự kiến Ủy ban trên sẽ họp vào ngày 11/11 tới để quyết định về yêu cầu của Palestine.

Palestine hiện cần ít nhất chín phiếu ủng hộ trong số 15 ủy viên Hội đồng bảo anh để được công nhận là thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.

Mỹ tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết nếu vấn đề này được đưa ra biểu quyết tại Hội đồng bảo an.

Hồi tháng Chín vừa qua, Tổng thống Palestine Mahmu Abbas đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc với quy chế quốc gia thành viên đầy đủ dành cho Palestine.

Quyết tâm của Palestine đã vấp phải sự cản trở quyết liệt từ phía Israel, Mỹ và các nước phương Tây. Căng thẳng giữa Israel và Palestine ngày càng leo thang sau khi Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) chấp thuận đơn xin của Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.

Đây được coi là một thắng lợi của Chính quyền Tổng thống Abbas trong mục tiêu thành lập nhà nước Palestine độc lập và trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.


Theo TTXVN/Vietnam+