Iran bắt đầu chuyển các thiết bị làm giàu uranium xuống một cơ sở dưới lòng đất để tránh các cuộc tấn công có thể nhằm vào các nhà máy hạt nhân của nước này.

"Các kỹ sư đang làm việc tích cực để chuẩn bị cho cơ sở chứa các máy li tâm ở Fordo, nằm phía dưới một ngọn núi, để tránh bị tấn công", kênh truyền hình quốc gia Iran dẫn lời phó tổng thống Iran Fereidoun Abbasi cho hay.

Fordo là cơ sở bí mật nằm ở phía bắc thành phố Qom, miền trung Iran. Cơ sở này chứa gần 3.000 máy ly tâm. Việc chuẩn bị cho cơ sở đã được tiến hành nhiều tháng nay, với hệ thống dây điện, đường ống và các cài đặt sơ bộ khác vừa hoàn thành trong vài tuần gần đây.

770037_small_67959.jpg
 Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (đi đầu) thăm nhà máy làm giàu uranium Natanz. Ảnh: AP

Ông Abbasi, cũng là giám đốc cơ quan hạt nhân của Iran, không tiết lộ có bao nhiêu máy li tâm được chuyển đến Fordo để phục vụ cho chương trình làm giàu uranium. Iran đã làm giàu uranium cấp độ 5% trong nhiều năm. Đến tháng 2/2010, Iran bắt đầu làm giàu cho kho uranium ở cấp độ 20%, với lý do cần nhiên liệu cấp cao để sản xuất đồng vị chữa ung thư. Số liệu này gây nên mối lo ngại cho phương Tây vì nhiên liệu được làm giàu ở cấp 20% có thể chuyển hóa nhanh chóng thành nhiên liệu cho đầu đạn hạt nhân.

Mối lo ngại bấy lâu của các nước phương Tây càng lớn hơn khi hôm qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo cho thấy có những bằng chứng chứng minh Iran đang nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân.

Anh và Pháp hôm qua hối thúc Hội đồng Bảo an triệu tập một cuộc họp về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới và mạnh tay đối với Iran. Ông Alain Juppé, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, khẳng định biện pháp trừng phạt với "quy mô chưa từng có" của Liên Hợp Quốc là hoàn toàn xứng đáng với Iran.

Ông William Hague, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, thì cho rằng mâu thuẫn với Iran là đang "bước vào một giai đoạn nguy hiểm". "Chính phủ sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với lĩnh vực tài chính và dầu khí của Iran, cũng như các tổ chức và cá nhân có liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này".

Mỹ cũng cho biết họ đang xem xét việc tạo thêm áp lực đối với Tehran.

Trong khi đó, Nga tuyên bố đứng ngoài các biện pháp trừng phạt này và đã tổ chức cuộc tham vấn khẩn cấp với các đồng minh sau khi IAEA công bố báo cáo. Nga cho rằng các thông tin trong báo cáo là áp đặt và các biện pháp trừng phạt chỉ là cách mà các cường quốc phương Tây dùng để lật đổ chính phủ đương nhiệm của Iran. "Chúng tôi không chấp nhận đề xuất trừng phạt với Iran và không có ý định xem xét đề xuất này", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nói.

Nga trước đó đã được miễn cưỡng ủng hộ bốn biện pháp trừng phạt đối với Iran mà Hội đồng Bảo an đưa ra. Nước này nhấn mạnh rằng lệnh cấm vũ khí và mua bán công nghệ nhạy cảm khác đã được phê duyệt bởi Hội đồng Bảo an hồi tháng 6/2010 đã đủ đảm bảo an ninh hiện tại. Nga cũng lên án Israel khi nước này đưa ra cảnh báo cuối tuần qua về một cuộc tấn công sắp tới vào Iran

Trước phản ứng gay gắt của các nước, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã lên tiếng chỉ trích báo cáo của IAEA là vô căn cứ và chịu sức ép từ Mỹ. Ông khẳng định lập trường của Iran là "sẽ không đi chệch dù chỉ một phân" khỏi con đường hạt nhân mà nước này đang theo đuổi.

Vấn đề hạt nhân của Iran luôn là một chủ đề nóng với cộng đồng quốc tế. Mỹ và các đồng minh cáo buộc Iran dùng chương trình làm giàu uranium để chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran luôn bác bỏ các cáo buộc và khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ vì mục đích hòa bình, đồng thời vẫn liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa trong suốt thời gian qua.


Theo VnExpress