Vào những chiều thứ 7, Chủ nhật, đến chùa Hà ở xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, mọi người sẽ bắt gặp rất nhiều thanh thiếu niên từ khắp nơi đổ về chùa học võ. Các võ sinh mặc đồng phục màu trắng. Dưới sự chủ trì của các huấn luyện viên, những buổi học diễn ra giữa sân chùa khá bài bản, nghiêm túc.
Em Nguyễn Huy Hoàng quê xã Nam Anh chia sẻ: “Em học võ ở chùa đã nhiều năm. Đến đây học võ rất vui, nhờ học võ mà em thấy tự tin hơn về bản thân”.
Lớp dạy võ miễn phí tại chùa Hà, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn. Được biết hoạt động dạy võ karate miễn phí ở chùa Hà bắt đầu từ năm 2014. Hiện chùa đang duy trì 1 lớp học gồm 70 võ sinh cùng một số câu lạc bộ ở các xã Nam Cát, Nam Xuân, Hồng Long… do 3 huấn luyện viên phụ trách.
Anh Nguyễn Chí Hiếu (28 tuổi) quê ở phường Cửa Nam – TP Vinh, HLV chính tại đây cho biết: “Dạy võ ở chùa là để lồng vào đó những bài học đạo đức, nhằm giáo dục con người. Đến chùa, các em không chỉ được học võ mà cái quan trọng hơn là học làm người, do đó các lớp học võ ở chùa dường như có sức hấp dẫn riêng”.
Ở chùa Ngưu Tử, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, hoạt động dạy võ miễn phí cũng đã diễn ra từ lâu. Hiện chùa đang tổ chức một câu lạc bộ Kararte gồm 30 võ sinh với tuổi đời từ 8 - 17 tuổi. CLB sinh hoạt vào buổi chiều vào các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần do em Hoàng Thị Phương học sinh lớp 12 N, trường THPT Thanh Chương 1 phụ trách.
Mặc dù là một nữ sinh lớp 12, nhưng Phương đã đảm nhiệm công việc HLV tại đây gần 1 năm nay. Việc học võ ở chùa Ngưu Tử mang tính tự lập, tự cường, thể hiện lòng đam mê võ thuật và tinh thần vượt khó của giới trẻ “xứ nhút”.
Các võ sinh học võ tại chùa được các sư thầy, các HLV chỉ vẽ tận tình chu đáo. Ảnh: Huy Thư
Tại chùa Cổ Am ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, một ngôi chùa có phong cảnh đẹp hàng đầu ở xứ Diễn hay chùa Bảo Lâm xã Hoa Thành, huyện Yên Thành không khí học võ cũng không kém phần sôi động. Võ đường Hùng Điệp đang duy trì ở đây 2 lớp võ Karatedo với gần 600 võ sinh thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Hoạt động dạy võ miễn phí tại các chùa này đã diễn ra nhiều năm.
Dạy Phật Quang Quyền miễn phí tại chùa Viên Quang, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Ảnh: Huy Thư Đặc biệt tại chùa Viên Quang, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, việc dạy Phật Quang Quyền bắt đầu từ năm 2012. Với chương trình học tập bài bản, đa dạng, những năm qua, các lớp dạy võ của chùa đã thu hút đông đảo thanh, thiếu niên trong huyện theo học. Mỗi buổi học thường có từ 80 – 100 võ sinh, được phân chia theo các lứa tuổi và được học những nội dung phù hợp, từ luyện “nhu cốt công”, ép dẻo đến các bài quyền, các đòn thế thực chiến, đối luyện...
Hàng năm, các sư thầy từ chùa Chân Quang (Bà Ria – Vũng Tàu) luân phiên làm phật sự tại chùa Viên Quang sẽ đảm nhiệm giảng dạy tại các lớp dạy võ miễn phí này. Từ chùa Viên Quang, nhiều CLB võ thuật miễn phí ra đời ở các chùa, các xã khác thuộc huyện Nam Đàn và các trường trung cấp, CĐ, ĐH ở TP Vinh đã tạo điều kiện cho nhiều thanh, thiếu niên thuận lợi hơn trong học võ…
Giao lưu, biểu diễn võ thuật tại chùa Viên Quang. Ảnh: Huy Thư
Có thể nói trong quá trình phục hưng Phật giáo, cùng với việc xây dựng, tôn tạo lại các ngôi chùa, nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao do nhà chùa đứng ra tổ chức đã góp phần quan trọng trong việc nâng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, trong đó việc dạy võ ở chùa là hoạt động nổi bật trong phong trào rèn luyện thể thao ở cơ sở. Tùy vào điều kiện cụ thể mà việc dạy võ được tổ chức phù hợp với từng chùa, từ quy mô, thời gian đến các môn võ (Kararte, Phật Quang Quyền, Vovinam…).
Dạy Karate miễn phí tại chùa Cổ Am, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu. Ảnh: Huy Thư Võ sinh tham gia học võ ở chùa chủ yếu là giới trẻ. Ngoài học võ, các em còn được học về đạo đức, kỹ năng sống, được trải nghiệm thiện nguyện… Chính vẻ đẹp tự thân của võ thuật đã hấp dẫn, thu hút các em.
Đại Đức Thích Tuệ Minh trụ trì chùa Gám (Yên Thành) cho biết: Võ thuật là một bộ môn mang lại nhiều lợi ích, rèn luyện cho người học có sức khỏe dẻo dai, tính kiên trì chịu khó, tinh thần võ đạo. Bên cạnh đó, việc học võ cũng sẽ làm cho đầu óc con người được minh mẫn, sáng suốt, để học tập, lao động tốt hơn.
Thi lên đai cấp quốc gia cho các võ sinh tại chùa Cổ Am. Ảnh: Huy Thư Những năm qua, việc dạy võ ở các chùa đã thu hút hàng nghìn nam, nữ thanh thiếu niên khắp nơi trong tỉnh đến với võ thuật. Từ phong trào này không ít tài năng đã được phát hiện, bồi dưỡng và bổ sung cho những đội hình thi đấu của các đơn vị trong các mùa giải, các kỳ đại hội thể thao cấp huyện, tỉnh, quốc gia.
Thực tế, trong quá trình học tập, một số chùa như Viên Quang, chùa Gám đã phối hợp tốt với các hội, đoàn, cơ quan chức năng… tổ chức thi lên đai cho các võ sinh, tạo điều kiện cho các em tham gia các hội diễn võ thuật.
Nhiều chùa đang trong quá trình xây dựng, tôn tạo còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn tạo điều kiện để lan tỏa hoạt động dạy võ miễn phí. Ảnh: Huy Thư Đặc biệt như võ đường chùa Gám là một trong những cái nôi cung cấp VĐV tiềm năng cho đội tuyển các cấp, tham dự giải thể thao thành tích cao. Đã có năm võ đường cung cấp hơn 20 võ sĩ tham gia giải đấu ở tỉnh và quốc gia, đạt 8 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, từng giành giải Nhất toàn đoàn về môn võ cổ truyền tại hội thao của tỉnh.
Mặc dù các ngôi chùa còn nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng, tôn tạo cơ sở thờ tự, cũng như đem võ thuật đến với giới trẻ, nhưng với sự nỗ lực, nhiệt tâm của các quý thầy, sự vượt khó và lòng đam mê võ thuật của các võ sinh, phong trào “lên chùa học võ” đang lan tỏa như một nét đẹp ở các địa phương.
Bên cạnh học võ, các võ sinh còn được học đạo đức, kỹ năng sống... Ảnh: Huy Thư Đại đức Thích Đồng Tuệ - trụ trì chùa Hà, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn khẳng định: Nhà chùa mở lớp dạy võ kết hợp với gieo duyên Phật pháp cho giới trẻ là muốn tạo ra một sân chơi lành mạnh để cho các cháu có cơ duyên tiếp xúc, học hỏi giáo lý Phật giáo, cũng như rèn luyện thể chất, tâm hồn, nhằm xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo trong cộng đồng phật tử nói riêng và trong nhân dân nói chung. Những năm qua, việc dạy võ ở chùa lồng ghép với đạo đức là một mô hình giáo dục giới trẻ rất thành công, cần được duy trì và phát huy hơn nữa./.