Cầm con bọ hung đang đập cánh rít lên những tiếng vin vít, anh Đàm Ngọc Văn (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) giới thiệu: Đây là loài bọ hung tê giác hay còn gọi là kiến vương sừng được chế biến thành món ăn những khi nhà có khách quý. Nó là loài bọ cánh cứng lớn nhất ở miền biên viễn này. Con trưởng thành có chiều dài xấp xỉ 6cm, con đực thân màu nâu đỏ, con cái màu sẫm đen.
Điều đặc biệt của loài bọ này là chiếc sừng lớn nhô ra phía trước ngực và một sừng phía dưới nhô ra từ đầu. Sừng dài, cong và cứng giống như chiếc sừng của tê giác, nên chúng được gọi là "bọ hung tê giác". Con càng khỏe thì chiếc sừng lại càng to. Đó là thứ vũ khí sắc bén dùng để tự vệ, tấn công kẻ thù hay hấp dẫn bạn tình.
Khi mùa ve bắt đầu cũng là khi mọi người đổ xô đi săn những con bọ hung tê giác trưởng thành để về chế biến thành món ăn nhậu khoái khẩu.
Để bắt được loài bọ hung này cũng không khó lắm. Nếu là ban ngày thì chỉ cần kiên nhẫn vạch tìm trên lá và thân cây để bắt. Nhưng nếu bắt vào ban đêm thì sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Đợi trời tối hẳn, anh Đàm Ngọc Văn cầm một chiếc túi vải, thắp sáng một chiếc đèn dầu cỡ lớn rồi bước phăm phăm ra vườn. “Mình làm trang trại bấy lâu nay, trồng khá nhiều loại cây nhưng thấy loài bọ hung tê giác này “khoái” nhất là cây đậu cô ve. Mùa đậu rộ, chúng bắt đầu khoét đất chui lên để kiểm ăn và sinh sản. Chỉ cần chịu khó thắp đèn rồi ngồi đợi chừng 30 phút, chúng sẽ tự động bay đến, mình chỉ việc bắt bỏ vào túi thôi" - nói đoạn, anh Văn đặt chiếc đèn dầu trên một chiếc ghế, giữa vườn đậu cô ve rồi lui vào góc vườn ngồi đợi.
Sau 30 phút, những con bọ hung đen nhẫy bắt đầu lao lại phía đèn. Chứng kiến sự ngạc nhiên của tôi, anh Văn lý giải: “Những con bọ cánh cứng thường sử dụng mặt trăng hay các ngôi sao để làm “la bàn” định hướng di chuyển. Khi thấy ánh sáng, nghĩa là đường đi không có chướng ngại vật. Chúng bay thẳng về phía đó để kiếm ăn. Vậy nên, thấy đèn dầu, chúng cứ lao thẳng đến”.
Sau gần 3 tiếng đồng hồ, khi chiếc túi vải đã bắt đầu "nặng", anh thu dọn đèn đi vào: “Loài này không nhiều đâu, mỗi lần bắt cũng chỉ độ được vài chục con là hết cỡ. Chỉ đủ bữa nhậu tiếp khách quý”.
Nói đoạn, anh Văn ngâm đám bọ hung vào nước muối pha loãng, rửa sạch sau đó vặt cánh bọ, cắt bỏ phần chân dưới rồi xé bụng moi sạch ruột. Tiếp theo anh tẩm gia vị gồm nụ "mắc khén" (ớt tiêu rừng) đã nướng, muối, mì chính và lá chanh thái nhỏ rồi ướp độ nửa tiếng; xong xuôi, đổ lên chảo dầu liu riu lửa, tay không quên đảo đều.
Vừa hít hà mùi thơm béo ngậy, ngào ngạt từ chảo thức ăn, anh Văn tách đôi một chú bọ hung to tròn để lộ phần thịt chắc, trắng vàng. Anh cho hay: “Nhớ không được để lửa to, nếu bị cháy ăn sẽ có mùi hơi khét nhé. Còn nếu cầu kỳ hơn, có thể xiên thành từng xiên theo que nứa rồi nướng lên. Ăn vậy đã đời lắm”.
Lai rai bữa nhậu, anh Văn còn cho biết, bọ hung tê giác còn là một vị thuốc quý của bà con nơi đây. Những ông thầy lang trong bản vẫn dùng chúng để giã nhỏ, chế thuốc chữa các bệnh mụn nhọt, táo bón cực kỳ hiệu nghiệm. Những người mới ốm dậy hoặc thiếu máu, khi ăn món này cũng nhanh phục hồi sức khỏe vì hàm lượng chất dinh dưỡng cao.
Thêm một điều thú vị về loài bọ đặc biệt này khi nhiều người “săn” chúng về để "làm cảnh" vì vẻ đẹp dũng mãnh của chúng. Có nhiều người trong bản đã kiếm được một khoản kha khá khi bán mỗi cặp bọ hung tê giác cảnh được hơn 50 nghìn đồng. Với những người sành chơi, họ còn nuôi và luyện bọ hung để cho chúng chọi nhau để giải trí. Nhờ bộ sừng chắc khỏe, khi chiến đấu bọ hung tê giác thường dùng sừng nhấc bổng để hạ knock-out đối thủ.
Được thưởng thức và nghe câu chuyện thú vị về loài bọ đặc biệt này, những thực khách từ phương xa như chúng tôi như hiểu rõ hơn vì sao loài bọ hung tê giác lại gắn bó với đời sống văn hóa ẩm thực và tinh thần của bà con nơi đây đến vậy./.