(Baonghean) - “Lúc thấy các bạn chới với giữa dòng nước xiết, không suy nghĩ được nhiều, em chỉ biết rằng mình phải cứu các bạn, nếu không các bạn sẽ gặp nguy”. Mới chỉ 15 tuổi, nhưng Lê Văn Được đã có suy nghĩ, hành động đáng khâm phục, là tấm gương sáng về lòng dũng cảm để mọi người noi theo...
“Dũng sĩ làng”
Chúng tôi tìm về xóm Ngọc Hạ (xã Thanh Ngọc, Thanh Chương) sau một ngày biết tin em Lê Văn Được (học sinh lớp 9B, Trường THCS Thanh Ngọc) liều mình cứu 5 bạn nhỏ khỏi chết đuối. Ngôi làng nhỏ bình yên râm ran câu chuyện về thằng cu Tèo (tên ở nhà của Được) không ngại hiểm nguy, một mình đối mặt với sông sâu, nước xiết để cứu các bạn với sự trầm trồ, thán phục.
Sự việc diễn ra vào chiều 17/6, nhóm nữ sinh (gồm 5 em) đi chăn trâu dọc bãi sông Gang đoạn chảy qua xã Thanh Ngọc. Xế chiều, cả nhóm lội qua đoạn nước nông để sang bên kia sông lùa trâu trở về nhà. Khi lùa được trâu sang sông, nhóm nữ sinh quay lại bờ tranh thủ mò hến thì gặp phải vũng lầy, nước chảy mạnh. Không may em Nguyễn Thị Uyển Nhi bước vào vùng nước sâu và kéo luôn cả em Trịnh Thị Hậu cùng xuống đó. Do hốt hoảng, Hậu lại kéo tiếp bạn khác, và cứ thế, 5 em cùng níu kéo nhau trong vùng nước sâu này. Các em vừa cố vùng vẫy để thoát thân, vừa kêu cứu.
Được nhớ lại: “Lúc đó, em đang đi chăn trâu, thấy các bạn lội qua sông, em đã nhắc nhở phải cẩn thận, và còn đứng đó một lúc xem các bạn có qua sông an toàn không. Sau đó, em dắt trâu về trước, đi được một quãng thì nghe tiếng kêu cứu thất thanh của đám bạn từ dưới sông. Cả 5 đang chới với trong dòng nước xiết...”. Tri hô mọi người nhưng không ai nghe thấy, không ngần ngại, em lao xuống nước”.
Thấy Nhi và Trang đang chìm dần, Được nhanh chóng dùng sức mình đưa 2 em vào bờ, do bờ sông cao và dốc, Được cho 2 em dựa vào đó rồi quay ra đưa 3 em còn lại vào trong. Khi lên bờ, do bị uống nhiều nước nên em Nhi và Trang có dấu hiệu ngạt nước, khó thở. Thấy vậy, Được đã nhanh trí, bình tĩnh lần lượt tiến hành các biện pháp sơ cứu ban đầu cho hai em nhỏ này. Hai em nhanh chóng tỉnh lại và qua khỏi cơn nguy hiểm. Khi được hỏi “một mình, người lại nhỏ, nước sông sâu, em không sợ mình bị đuối sức khi cứu 5 bạn?”, Được cười hiền: “Khi đó, nhìn thấy các bạn bị nước cuốn, nghe tiếng kêu thất thanh, nét mặt hoảng hốt, lo sợ, em chỉ kịp nghĩ, mình phải cứu các bạn chứ không đắn đo gì...”.
Em Nguyễn Thị Uyển Nhi (11 tuổi), được Lê Văn Được cứu sống vẫn chưa hết bàng hoàng: “Nước ngập quá đầu, nước chảy xiết và cuốn em ra xa. Nước tràn vào tai, vào mũi, vào phổi và khó thở. Lúc đó em nghĩ mình sẽ chết... Đang chìm dần, chìm dần thì em thấy có ai đó nâng mình lên, kéo mình vào bờ... Khi tỉnh lại, biết mình còn sống, biết là anh Được đã cứu mình, em rất biết ơn...”.
Chị Nguyễn Thị Vân, mẹ em Trịnh Thị Hậu xúc động cho biết: “Nếu không có Được thì chắc rằng, 5 em sẽ bị đuối nước. Gia đình của 5 em biết ơn Được nhiều lắm, cháu là ân nhân cứu mạng của chúng tôi”.
Lê Văn Được cùng 5 bạn được cứu.
Chuyện Lê Văn Được cứu 5 bạn khỏi chết đuối được giấu kín, bởi các em lo sợ sẽ bị quở trách vì lội qua sông Gang, nơi trong làng đã có hàng chục người chết đuối khi qua sông. Chỉ đến khi, em Nguyễn Doãn Hoàng (cũng đi chăn trâu ở khu vực rào Gang) thấy Được cùng 5 bạn nhỏ ướt sũng trở về. Hoàng đem câu chuyện đó kể lại với anh Nguyễn Doãn Hùng, bảo vệ của Trường THCS Thanh Ngọc. Lúc này, ông Hùng mới đến từng nhà, báo cáo với Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã và Bí thư Đoàn xã Thanh Ngọc.
Nhận được thông tin, xã cho kiểm tra, xác minh lại và đến sáng 19/6, Bí thư Đoàn xã Thanh Ngọc mới điện báo cáo với Huyện đoàn Thanh Chương. Đến lúc này, hành động dũng cảm cứu 5 bạn khỏi bị đuối nước của em Lê Văn Được mới được truyền đi và em được người làng Ngọc Hạ tôn vinh “dũng sĩ làng”.
Lãnh đạo huyện Thanh Chương trao giấy khen cho em Lê Văn Được.
Trước hành động dũng cảm cứu một lúc 5 bạn khỏi bị đuối nước của em Lê Văn Được, theo thông tin từ Tỉnh đoàn và Sở GD&ĐT Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có quyết định tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có thư biểu dương, khen ngợi, động viên em.
Nuôi dưỡng tình yêu thương
Là anh trai cả trong gia đình có 3 anh em, Lê Văn Được đảm nhận công việc chăm sóc hai em khi cha mẹ bận việc đồng áng. Trong làng Ngọc Hạ, có nhiều ao, nhà Được lại ở gần sông Gang nên từ nhỏ, bố em là anh Lê Văn Hải đã dạy cho em kỹ năng bơi lội và kiến thức sơ cứu khi bị đuối nước. Lên lớp 3, Được đã bơi thành thạo cả hai tư thế sấp và ngửa, em có thể bơi sấp đoạn dài 700m. Dạy cho con bơi thành thạo, ngoài để bảo vệ các con mình, anh Hải luôn nhắc nhở với Được rằng, biết bơi, biết sơ cứu, khi thấy người bị nạn thì phải giúp đỡ... Gia đình anh, cả hai vợ chồng đều làm nông nghiệp, cuộc sống vất vả chỉ trông vào hạt lúa, củ khoai, cũng không được học hành đến nơi, đến chốn nhưng anh chị luôn dạy con phải chăm ngoan, làm người phải biết yêu thương, giúp đỡ những người khác.
Chị Lê Thị Lượng (mẹ em Được) cho biết: “Được hiền lành, ngoan ngoãn. Là anh cả nên sớm ý thức được trách nhiệm của mình. Ngoài thời gian học ra, cháu trông em, chăn trâu, cắt cỏ giúp mẹ. Cha mẹ không có kiến thức để bày cho con học giỏi, nhưng luôn cố gắng dạy cho con biết làm người tốt, mà trước hết là phải nêu gương cho con...”. Ở xóm Ngọc Hạ này, ai cũng quý mến gia đình anh chị bởi sự chịu thương, chịu khó, bởi cái hiền lành, phúc hậu...
Trường THCS Thanh Ngọc, nơi Được theo học dù còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng nhà trường ngoài dạy cho học sinh kiến thức văn hóa, còn rất chú trọng giáo dục kỹ năng sống và đạo đức cho các em. Thông qua các môn học như Ngữ Văn, Giáo dục công dân, hoặc qua hoạt động ngoại khóa, kể chuyện dưới cờ, các em được nghe những câu chuyện kể về gương người tốt việc tốt, thi kể chuyện về Bác; tìm hiểu “5 điều Bác Hồ dạy” và phát động học sinh làm theo 5 điều Bác dạy.
Câu chuyện về nam sinh Nguyễn Văn Nam - học sinh lớp 12T7 Trường THPT Đô Lương I (huyện Đô Lương) hy sinh thân mình cứu 5 em nhỏ ở sông Lam được nhà trường kể lại dưới cờ, phát động các em học và noi theo. “Ở trường, lớp, chúng em được thầy cô kể rất nhiều về câu chuyện của anh Nam. Anh Nam là tấm gương sáng cho chúng em học tập và noi theo”, Được bộc bạch. Và sự việc của em Lê Văn Được sẽ được nhà trường tuyên dương, phát động học sinh toàn trường noi theo vào ngày tựu trường sắp tới.
Anh Lê Đình Thọ, Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương cho biết: “Lê Văn Được vừa mới được kết nạp Đoàn từ ngày 19/5. Hành động dũng cảm của đoàn viên Lê Văn Được sẽ được kể lại trong đội viên, đoàn viên, thanh niên toàn huyện; phát động các em noi gương việc tốt đó. Đây cũng chính là nội dung mà lâu nay Đoàn các cấp phát động “Thiếu nhi Nghệ An làm theo 5 điều Bác dạy”, “Tuổi trẻ Nghệ An làm theo Bác” trong thời gian qua...
Trong buổi gặp mặt biểu dương hành động dũng cảm cứu người của em Lê Văn Được, Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Lê Văn Ngọ xúc động “Nghĩa cử cao đẹp đó của em Được, hành động dũng cảm, lòng yêu thương và biết giúp đỡ người khác của em rất đáng được biểu dương. Và chúng tôi, rất biết ơn gia đình em, nhà trường nơi em theo học, quê hương nơi em sống đã nuôi dưỡng, giáo dục em thành người tốt, biết dũng cảm hy sinh vì người khác. Tôi mong muốn, hành động đó của em sẽ được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ...”.
Sáng 21/6, tại trụ sở UBND xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức lễ trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho em Lê Văn Được - (học sinh lớp 9B, Trường THCS Thanh Ngọc) đã dũng cảm cứu 5 bạn thoát khỏi đuối nước.
Doãn Hòa |