Xứ Nghệ là mảnh đất "Địa linh nhân kiệt" có rất nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều di tích lịch sử - văn hoá, chính vì vậy, hàng năm chúng ta tổ chức khá nhiều lễ hội. Đây là dịp để nhân dân ta ôn lại truyền thống lao động và đấu tranh bất khuất của quê hướng, đất nước ta, từ đó nhắc nhở các tầng lớp cháu con tưởng nhớ công lao và phát huy trong giai đoạn mới.

762600_small_47516.jpgRước kiệu tại Lễ hội Đền Cờn
Chủ trương, mục đích của Đảng và Nhà nước thì rất rõ ràng nhưng việc tổ chức lễ hội ở các địa phương ra sao để đạt được mục đích đó là việc chúng ta cần trao đổi, tránh phô trương hình thức, mà kết quả lại không được như ý muốn. Mỗi lễ hội bao gồm phần hội và lễ. Có thể nói, cả hai nội dung trên đều hết sức quan trọng, tạo nên thể thống nhất trong những ngày lễ hội. Thực tế nhiều năm qua, lễ hội là dịp để mọi người, đặc biệt là nam nữ thanh niên được dịp gặp nhau vui chơi, còn các nhà kinh doanh buôn bán thìđây là cơ hội làm ăn. Việc làm ăn thì không ai cấm, nhưng phải có sự hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Về cơ quan chủ quản và ngành Văn hoá - Thông tin cần quán triệt và hướng dẫn cho nhân dân rõ mục đích yêu cầu của mỗi lễ hội, để mọi người chấp hành nghiêm chỉnh quy định. Lễ hội bao giờ cũng vui và mang tính chất trang nghiêm, văn hoá, vì vậy mọi hoạt động ở khu vực lễ hội đều phải đảm bảo văn hoá lịch sử, tôn nghiêm. Khu vực lễ hội cần được vệ sinh sạch sẽ, bố trí đúng quy định của lễ như: bố trí hàng quán buôn bán ra sao, tránh biến nơi đây thành "phiên chợ" xô đẩy nhau, tranh giành khách và có nơi để xe chu đáo.

Thật là buồn, có lễ hội để nhân dân buôn bán bừa bãi rồi lợi dụng tăng giá, làm mất đi vẻ đẹp c ủa buổi lễ, và chừng mực nào đó còn làm mất đi uy tín của địa phương mình. Trong phần hội, gắn liền với tổ chức thi đấu vui chơi giải trí, thiết nghĩ lãnh đạo các cấp (huyện, xã, ngành Văn hoá) cần chỉ đạo chặt chẽ để hướng mọi hoạt động vừa mang tính chất vui chơi, đồng thời mang tính chất thi đua sôi nổi.

Theo chúng tôi thì trong ngày lễ đó, khu vực địa phương bố trí cho các cán bộ công nhân viên và học sinh có thể được tham gia, cũng là dịp cho các em học tập. Về phần lễ, đây là nội dung quan trọng nhất, bởi vậy khâu chuẩn bị cả nội dung lẫn hình thức cần hết sức chu đáo. Nghi thức phải đúng theo hướng dẫn, đặc biệt phải chọn người trong bộ phận lễ vừa có năng lực lẫn uy tín ở địa phương, tránh tuỳ tiện. Điều mà chúng tôi lấy làm lạ, là tại sao những lễ hội gắn với di tích lịch sử Quốc gia mà chủ tế chỉ những người dân... bình thường?

Ngay như tế Tổ, bao giờ chủ tế cũng là trưởng tộc, không phải ai vào vị trí đó cũng được! Tôn kính và linh thiêng là ở chỗ này. Các cụ xưa không lấy mâm cao cỗ đầy làm trọng, mà trọng nhân cách. Sự linh thiêng chính là ở chỗ chúng ta tổ chức trang nghiêm, tôn kính đối với các thế hệ cha ông đã vì đất nước mà hy sinh, phấn đấu. Mọi sự diễu cợt hoặc làm chiếu lệ đều là có lỗi với tổ tiên!


Văn hoá là một phạm trù rất rộng. Do điều kiện, có thể của cải vật chất, chúng ta cúng dường ít nhưng tổ chức cần có nề nếp và đặc biệt mọi người đến với buổi lễ đều mang một ý thức rất tôn kính. Phần cuối cùng là trước và sau mỗi buổi lễ, cần cho các tầng lớp nhân dân và học sinh tìm hiểu di tích lịch sử đó bằng nhiều hình thức thông qua hệ thống loa đài hoặc phổ biến tại khối xóm... để nhân dân hiểu và có bổn phận giữ gìn và phát huy, từ lễ hội vào hành động thực tế cuộc sống. Đó mới là cái chúng ta cần nhất?!


Kiến Quốc