(Baonghean.vn)-Hằng năm, cứ vào những ngày đầu tháng giêng, nhiều người con xa quê lại tìm về nơi chôn rau cắt rốn của mình để tham gia Lễ hội dòng họ. Đối với các bậc cao niên thì về với dòng họ trong những ngày đầu xuân luôn là điều thiêng liêng, háo hức.

 

Trong công cuộc đổi mới đất nước, văn hoá được coi là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực phát triển của xã hội. Văn hoá làng bắt nguồn từ văn hoá các dòng họ. Dòng họ là chất keo cố kết nhà với làng, làng với nước. Vai trò các dòng họ có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết TƯ 5 về phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nơi nào biết phát huy sức mạnh các dòng họ thì góp phần đáng kể nâng cao vật chất tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Lễ hội Dòng họ đầu Xuân là sự tôn vinh nét văn hoá của từng dòng họ.

 

Ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) các dòng họ đã và đang phát huy truyền thống cách mạng và hiếu học. Đoàn kết trong họ và các họ khác ở cộng đồng là vấn đề mấu chốt mà dòng họ nào cũng cần chăm lo. Mỗi dòng họ lớn đều có ban cán sự, dưới ban cán sự có các tiểu ban hoặc tổ theo dõi về các hoạt động của dòng họ như xây dự­ng, lễ nghi và khuyến học.

 

Có thể đơn cử như dòng họ Hồ. Trong lễ hội dòng họ năm 1999, họ Hồ toàn quốc đã đi đến thống nhất xây dựng nhà bia Nguyên Tổ Trạng nguyên Hồ Hư­ng Dật tại vùng đất mà vị Nguyên Tổđã khai cơ: Bào Đột - Quỳnh Lâm (nay là xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu). Bằng nhiều trí tuệ, công sức và tiền bạc cộng với sự nhiệt huyết của thế hệ con cháu, côngtrìnhđã đ­ược khánh thành vào đầu Xuân năm Bính Tuất (2006).

 

Hơn 600 năm trước vua Hồ Hán Thương theo lệnh vua cha Hồ Quý Ly dựng miếu thờ tiên tổ trên diện tích hơn 6.000 mét vuông. Về sau nhân dân trong vùng đã phối tế hai vua Hồ cùng Nguyên Tổ, nên di tích có tên gọi là Đền vua Hồ. Theo sách Nghệ An di tích danh thắng thì "đây là di tích lịch sử văn hoá quý hiếm triều Hồ còn để lại vết tích trên đất Nghệ an". Về với vùng đất của tiên tổ, nhiều con cháu dòng họ Hồ là giáo sư, tiến sỹ khoa học hoặc doanh nhân có thêm cứ liệu để viết tộc phả và hiểu hơn dòng họ mình.

 

Trong lễ hội dòng họ đầu xuân bao giờ cũng có phần tế lễ. Thông qua bài tế để con cháu tưởng nhớ, báo công trước anh linh tổ tiên và tâm nguyện làm sao phảixứng đáng với các bậc tiền nhân, mặt khác để nhắc nhở con cháu mỗi dòng họ phải biết tôn trọng đạo lý của tổ tiên, dòng họ và pháp luật.

 

Ngày xuân, đắm mình trong lễ hội các dòng họ, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc về nét đẹp trường tồn của văn hoá tâm linh. Lễ hội dòng họ đầu xuân như khắc hoạ, như lấp lánh thêm bức tranh Xuân của đất trời và lòng người.


Phan Văn Toàn - (Đài PT-TH Nghệ An)