(Baonghean.vn) - Với đặc thù tụ cư và sinh sống nương tựa vào biển đã hình thành trong đời sống và tâm thức của ngư dân Nghi hải (Cửa Lò) tín ngưỡng thờ các vị thần biển và lễ hội cầu ngư. Lễ hội gửi gắm niềm tin, niềm mong ước của ngư dân tới các vị thần, giúp họ “đi sông gặp đống, đi khơi gặp tía” để “cơm đầy rá, cá đầy nồi”. Lễ hội cầu ngư hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, mang đậm sắc thái văn hóa biển của ngư dân Nghi Hải nói riêng, Cửa Lò nói chung.
Truyền thuyết nhân văn
Theo truyền thuyết, cá Ông vốn hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm vứt xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm. Truyền thuyết về cá Ông còn được gắn với những ngày đầu lập quốc của vua Gia Long Nguyễn Ánh: Khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn bỗng có một con cá Ông to lớn ghé đưa thuyền vào bờ. Sau này, khi thắng quân Tây Sơn và lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, Nguyễn Ánh đã phong tặng cá Ông là Nam Hải Đại tướng quân và cho dân lập miếu thờ cúng,… Vì thế, dưới triều Nguyễn người phát hiện ra cá voi mắc cạn sẽ được miễn sưu dịch 3 năm.
Trước khi ra khơi, ngư dân thường cúng vái cá Ông mong cho sóng yên bể lặn, cá đầy ăm ắp. Đặc biệt, những lúc gặp mưa giông bão tố, cá Ông được xem là vị thần duy nhất có thể giúp họ thoát khỏi nguy nan trong tích tắc. Những câu chuyện, truyền thuyết về những cuộc cứu vớt thần kỳ càng làm sống động thêm lòng tin vào vị thần biển luôn phù trợ, giúp sức cho người đi biển.
Người dân vạn chài tin rằng cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Vì lòng tín ngưỡng ấy, mỗi khi có cá Ông bị nạn dạt vào bờ, dân chài thường làm lễ cúng tế long trọng, chôn cất và để tang, hương khói như chính tổ tiên mình vậy. Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ; mai táng trong đụn cát gần biển. Ba, bốn năm sau khi chôn, dân làng sẽ làm lễ cải táng, rồi đem cốt cho nhập lăng.
Lễ hội cầu ngư truyền thống
Cũng như ngư dân các vùng biển khác, ngư dân Nghi Hải có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của cá Ông và coi đây là vị thần phò trợ, giúp họ vượt qua những hiểm nguy trên biển. Để tưởng nhớ tới công lao của cá Ông, gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa tâm linh của nhân dân, 2 năm 1 lần, phường Nghi Hải tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội được diễn ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 để thuận lợi cho việc tham gia lễ hội du lịch hàng năm của TX. Cửa Lò.
Ông Nguyễn Văn Bích - Chủ tịch UBND phường Nghi Hải cho biết: Miếu thờ cá Ông xưa do nhân dân xây cất đã bị chiến tranh, thời gian làm hư hỏng. Năm 2012, được sự nhất trí của lãnh đạo các cấp, phường Nghi Hải đã kêu gọi sự đóng góp của con em trong phường, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… ủng hộ kinh phí trùng tu, tôn tạo lại đền Làng Hiếu với giá trị trên 3 tỷ đồng. Sau khi khánh thành, nhân dân đã rước các vị thần như Ngài Nam Hải Đại Tướng quân, các thần Cô, thần Cậu và thần Hoàng làng vào thờ cúng. Đền Làng Hiếu cũng chính là nơi để mỗi lần tổ chức Lễ hội Cầu Ngư, chính quyền địa phương, nhân dân lại đến làm lễ khai hội xin rước ấn của Ngài Nam Hải Đại Tướng quân ra cửa Lạch Hội để làm lễ.
Lễ hội Cầu Ngư năm nay được tổ chức trong 2 ngày (14 và 15/4), (tức 15, 16/ 3 âm lịch) gồm 2 phần chính: phần lễ và phần hội. Mở đầu lễ hội, địa phương thường tổ chức rước dấu ấn của ngài: Nam Hải Đại Tướng quân, Thần cô, Thần Cậu (Thần biển)… ở đền Làng Hiếu ra các thuyền ở cửa lạch để làm lễ Phùng nghinh. Bàn thờ được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với biển cả và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Về phần hội, là các trò chơi dân gian vùng biển: thi đấu các môn thể thao, đua thuyền, chèo bơi. Về văn nghệ, ngoài hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu ngư là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân.
Với ý nghĩa sâu sắc và thiết thực liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần, cũng như trong lao động sản xuất nên trong những năm qua Đảng bộ và chính quyền Nghi Hải rất quan tâm và tổ chức lễ hội với quy mô lớn vừa tạo khí thế thi đua lao động sản xuất, vừa bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của vùng biển. Đây cũng là mong ước của ngư dân khát vọng bình yên trong cuộc sống.
Lễ hội Cầu Ngư bày tỏ khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả. Đặc biệt, Lễ hội Cầu Ngư ở Nghi Hải gắn với Hội đua thuyền truyền thống, đồng thời phát động toàn thể ngư dân toàn phường đồng loạt ra quân đánh bắt cá vụ Nam năm 2014 với mong ước bội thu… Lễ hội đã góp phần làm phong phú thêm các hoạt động chào mừng mùa du lịch biển Cửa Lò 2014.
Thanh Thủy