Tối 8/10, đôi nam nữ là phật tử của chùa Đức Hậu đã tổ chức lễ hằng thuận trước ban thờ Phật trong sự chúc phúc và chứng giám của hàng trăm phật tử.

Cô dâu Nguyễn Thị Tú (SN 1997) đã quy y tại chùa Đức Hậu, chú rể là Nguyễn Đăng Hoàng (SN 1991) trú tại phường Lê Lợi - TP Vinh (Nghệ An) có bố mẹ cũng là phật tử của nhà chùa.

Đôi bạn trẻ tổ chức đám cưới tại Chánh điện trước sự chứng giám của hàng trăm phật tử. Ảnh: Đức Anh
Đôi bạn đăng ký tổ chức làm lễ cưới tại chùa với mong muốn sẽ có một lễ cưới đặc biệt; mong muốn được Đức Phật phù hộ độ trì để có cuộc sống an lạc, hạnh phúc, trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê.
Dưới sự chứng minh của Đại đức Thích Định Tuệ cùng đông đảo quý phật tử và bà con hai họ, lễ cưới được tổ chức theo nghi lễ đặc biệt trong nhà chùa, được gọi là Lễ Hằng Thuận.
Nghi lễ gồm ba phần:


Đám cưới được tổ chức dưới sự chứng minh của Đại đức Thích Định Tuệ - trụ trì chùa Đức Hậu
Phần thứ nhất gồm: đảnh lễ (quỳ lạy) chư Phật, Quy y Tam Bảo; chư Tăng sẽ đứng ra chứng minh hôn sự trong bầu không khí thiêng liêng ngay nơi chánh điện; giới thiệu với các quý phật tử có mặt trong buổi lễ quan viên hai họ của cô dâu và chú rể.

Phần thứ hai: Hai nhân vật chính phát nguyện, thường là được cả hai tự chuẩn bị từ trước, sau đó cùng nghe lời giảng của vị trụ trì về luân thường đạo lý trong hôn nhân, gia đình cũng như ngoài xã hội.

Đôi bạn trẻ đã có sự chuẩn bị kỹ khi thực hiện các nghi lễ trong Lễ Hằng Thuận. Ảnh: Đức Anh
Phần thứ ba: Cô dâu chú rể đảnh lễ (quỳ lạy) niệm ân cha mẹ, nội ngoại và với đối phương. Sau khi ký tên vào giấy chứng nhận, cả hai tiến hành trao nhẫn cho nhau và nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn.
Sư thầy thực hiện nghi lễ chánh niệm lời chư Phật dạy cho đôi bạn trẻ. Ảnh: Đức Anh
Khi thực hiện lễ, Thầy tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời Đức Phật đã dạy trong kinh Thiện Sanh hay kinh Ca Thi La Việt...

Đại đức Thích Định Tuệ chủ trì hôn lễ - trụ trì chùa Đức Hậu cho biết: Lễ Hằng Thuận là nghi thức tương đối đặc biệt dành riêng cho lễ cưới được tổ chức trang nghiêm trọng thể tại chùa. Nghi thức Hằng Thuận trong ngày cưới mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh và trí tuệ của đạo Phật, cùng với những định hướng rất cụ thể giúp cho đôi vợ chồng có được một tương lai lạc quan tươi sáng trên tinh thần giác ngộ giải thoát. 

Sau khi nghe lời phật dạy về đạo nghĩa làm con, làm vợ, làm chồng, đôi bạn trẻ thực hiện nghi lễ ký vào giấy chứng nhận. Ảnh: Đức Anh
Đến nay nhà chùa đã tổ chức cho gần 200 đôi bạn trẻ, đa số các bạn trẻ đều đã được quy y tại đây hoặc có bố mẹ là quý phật tử của nhà chùa. Khi tổ chức hôn lễ tại Chánh điện nhà chùa các bạn trẻ đều rất thành tâm chánh niệm; nhiều bạn đã khóc và nói lên những tâm sự chân thành nhất trong lòng mình với các đấng sinh thành.
Việc tổ chức lễ cưới trong nhà chùa cho các bạn trẻ không những có được những khoảnh khắc thiêng liêng đáng quý nhất trong ngày lễ trọng của mình mà còn được nghe giáo lý về nghĩa vợ chồng; việc nên làm và nên tránh khi bước vào cuộc sống mới trong vai trò mới. Từ đó ý nghĩa của lễ cưới được nhân lên, đôi bạn trẻ sẽ ý thức hơn khi trao nhau chiếc nhẫn cưới, khi về cùng một nhà.
Đại đức Thích Định Tuệ rao giảng những ân đức theo lời Phật dạy. 

Sau khi lễ thành, đôi bạn trẻ đã cùng quay mặt vào nhau chánh niệm và nói lời cảm ơn tới quý phật tử; bái lạy Phật, nguyện sẽ cùng nhau thực hiện đúng lời hứa trước Đức Phật để được trăm năm hạnh phúc.