Phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm, Thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng 2 nhà lãnh đạo đã khẳng định sẽ duy trì sức ép cho đến khi Triều Tiên tìm kiếm đối thoại trên cơ sở Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Ông nói: "Chúng tôi đã thảo luận kỹ về điều chúng tôi nên làm vào thời điểm này để hiện thực hóa việc giải giáp hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên".
tien_phong_trieutien_dobl8353121_1622018.jpg
Đây là lần thứ 2 trong tháng này Thủ tướng Abe có cuộc thảo luận với Tổng thống Trump, sau động thái thể hiện sự đoàn kết giữa Triều Tiên và Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018.
Động thái này xuất hiện giữa lúc Tokyo quan ngại rằng sự tan băng trong quan hệ liên Triều có thể ảnh hưởng xấu tới những nỗ lực gây sức ép tối đa về kinh tế và ngoại giao đối với Bình Nhưỡng và dẫn tới việc khởi động đối thoại trên cơ sở những điều kiện của Triều Tiên, điều đồng nghĩa với công nhận nước này là một cường quốc hạt nhân.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, nước này đã báo cáo với Liên hợp quốc (LHQ) về một vụ nghi là chuyển hàng giữa 2 tàu chở dầu tại Biển Hoa Đông, hành động vi phạm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Theo bộ trên, máy bay thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản đã phát hiện tàu chở dầu Rye Song Gang 1 của Triều Tiên và một tàu chở dầu khác đăng ký tại Belize là tàu Wan Heng 11 ở sát cạnh nhau trong gần một giờ đồng hồ, ở ngoài khơi cách bờ biển Thượng Hải (Trung Quốc) khoảng 250 km về phía Đông vào hôm 13/2 vừa qua.
Căn cứ vào quá trình theo dõi hoạt động của 2 tàu này, Chính phủ Nhật Bản cho rằng nhiều khả năng 2 tàu đang trao đổi hàng hóa. Theo lệnh trừng phạt của LHQ, tàu Rye Song Gang 1 là một trong 8 tàu bị cấm cập các bến cảng trên toàn cầu. Đây là lần thứ 8 trong mấy tháng gần đây, tàu Rye Song Gang 1 bị phát hiện tham gia hoạt động được cho là chuyển hàng giữa tàu với tàu trên biển.
Theo Equasis, trang dữ liệu trực tuyến về thông tin hàng hải do Liên minh châu Âu (EU) và Cục quản lý hàng hải Pháp (FMA) xây dựng, Tàu Wan Heng 11 mặc dù treo cờ Belize nhưng thuộc sở hữu và quản lý của một công ty đóng ở Hong Kong. Các chủ sở hữu và quản lý tàu thường đăng ký tàu của mình tại những nơi khác nhằm tránh các quy định trong nước.