1. Mỹ suy yếu
Năm 2017, do sai lầm trong chính sách đối nội, đối ngoại, Tổng thống D.Trump khiến siêu cường Mỹ suy giảm nghiêm trọng vai trò, vị thế.
- Về đối nội, với chủ trương “nước Mỹ trên hết” và sẽ “Phục hưng sự vĩ đại của nước Mỹ”, thông qua một số biện pháp như giảm thuế doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng cường khai thác và sử dụng dầu mỏ, khí đá phiến, than đá..., Tổng thống D.Trump đã khôi phục kinh tế Mỹ với mức tăng trưởng GDP khoảng 3%, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát thấp nhất trong hơn chục năm qua. Nhưng đó chỉ là kết quả bước đầu của các giải pháp mang tính tình thế.
Trong 11 tháng cầm quyền, Tổng thống D.Trump đã không làm được gì để hàn gắn sự rạn nứt trong lòng xã hội Mỹ. Mức độ ủng hộ Tổng thống D.Trump đã sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 35% trong năm đầu tiên cầm quyền (trước đây là 55%).
- Về đối ngoại, Tổng thống D.Trump đưa ra hàng loạt chính sách đối ngoại đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm.
Tổng thống D.Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico; rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; công kích thỏa thuận hạt nhân Iran; đưa ra lệnh cấm đi lại (cấm nhập cảnh Mỹ) đối với công dân của 7 nước đa số là người Hồi giáo; đe dọa hủy diệt Triều Tiên bằng vũ khí nguyên tử; đặc biệt ngày 6/12/2017 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem...
Với các chính sách thất thường, mang tính bốc đồng, ngẫu hứng, Tổng thống D.Trump đã làm cho vai trò, vị thế trên thế giới của siêu cường Mỹ xuống thấp.
2. Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ
Sau 39 năm thực hiện đường lối cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã đạt được thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học, quốc phòng. Năm 2017, GDP của Trung Quốc là 12.000 tỷ USD, tăng 60 lần; GDP bình quân đầu người là 9.000 USD/năm, tăng 47 lần.
Tại Đại hội XIX (tháng 10/2017), Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tự tin xác định tương lai tươi sáng đối với nhân dân Trung Quốc và đưa Trung Quốc trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới vào năm 2049.
Trung Quốc trỗi dậy, nhưng nếu dùng sức mạnh để đe dọa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, thì cộng đồng quốc tế sẽ tẩy chay, và sẽ rơi vào “bạo phát, bạo tàn”.
3. Nga tăng cường vai trò trên thế giới
Tháng 3/2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Mỹ và các đồng minh siết chặt bao vây, cấm vận, trừng phạt Nga, mục đích là làm cho Nga sụp đổ về kinh tế, mất vị thế cường quốc. Từ giữa năm 2014 đến cuối năm 2016, Nga cực kỳ khó khăn. Năm 2017, kinh tế Nga vượt qua đáy suy thoái.
Ngày 25/9/2015, Tổng thống V.Putin quyết định trực tiếp tham chiến ở Syria để cứu chính quyền Assad. Dư luận quốc tế dự báo Nga sẽ sa lầy tại Syria như Liên Xô đã thất bại ở chiến trường Affanistan giai đoạn 1979 – 1989. Thực tế đã chứng minh dự báo đó là sai. Ngày 7/12/2017, Tổng thống V.Putin tuyên bố: Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã bị nghiền nát trên cả hai bờ sông Euphrates của Syria. Ngày 8/12/2017, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimor cho biết, nước Cộng hòa Ảrập Syria đã hoàn toàn được giải phóng khỏi những kẻ khủng bố IS.
Ngày 11/12/2017, Tổng thống V.Putin đã có chuyến công du chớp nhoáng tới Trung Đông: thăm căn cứ không quân của Nga tại Syria, hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al - Assad, thực hiện các trao đổi về mối quan hệ song phương với Tổng thống Ai Cập El-Sisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Endogan. Ai chiến thắng sẽ là người đầu tiên đến chiến trường khi còn nồng nặc mùi thuốc súng. Tổng thống V.Putin đã làm việc đó.
Năm 2014, nguyên thủ các quốc gia đồng minh của Mỹ tại Trung Đông luôn giữ thái độ lạnh nhạt với Putin. Từ nửa cuối năm 2016 và năm 2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là một đối tác chủ chốt của Tổng thống V.Putin. Các “đồng minh ruột” của Washington như Thủ tướng Israel Netanyahu, Thái tử Saudi Mohammed bin Salma của Saudi Arabia đã vội vàng đến Điện Kremlin để gặp Tổng thống V.Putin.
4. Liên minh châu Âu khủng hoảng, suy yếu
Năm 2017, châu Âu phải gồng mình đối phó với 4 cuộc khủng hoảng:
- Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã vượt qua đáy suy thoái vào các năm 2009 – 2012, nhưng không có gì đảm bảo là sắp tới eurozone sẽ không rơi vào suy thoái, khủng hoảng.
- Vấn đề phân bổ hạn ngạch buộc các nước thành viên phải tiếp nhận người tị nạn đang làm cho châu Âu chia rẽ sâu sắc. Ba nước Ba Lan, Hungari, và Cộng hòa Czech, từ năm 2015 đến nay, luôn phản đối Ủy ban châu Âu bắt buộc các nước phải nhận người tị nạn.
- Năm 2017, châu Âu phải đối mặt với làn sóng phát triển của chủ nghĩa dân túy chống liên minh, chống người nhập cư, chống toàn cầu hóa. Nếu như năm 2015, 2016, chủ nghĩa dân túy mới chỉ phát triển ở một số quốc gia, thì năm 2017 chủ nghĩa dân túy làm ngả nghiêng chính trường Pháp, Đức.
- Cuộc khủng hoảng lớn nhất chính là khủng hoảng mô hình của Liên minh. Mọi người đều thống nhất là mô hình của Liên minh hiện nay có nhiều khiếm khuyết, bất hợp lý và không hiệu quả, kém bền vững.
Sau 61 năm tồn tại, năm 2017 châu Âu rơi vào khủng hoảng, chia rẽ và “tiến thoái lưỡng nan”.
5. Bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực nóng bỏng
Tháng 9/2017, Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) có sức công phá lớn gấp 5-6 lần quả bom Mỹ ném xuống Nhật Bản tháng 8/1945.
Trong năm 2017, Triều Tiên thực hiện 22 lần thử tên lửa, trong đó có 3 lần thử tên lửa liên lục địa (tháng 8, tháng 9 và tháng 12) có khả năng tấn công căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương tại đảo Guam. Số lần thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên năm 2017 bằng 5 năm trước cộng lại.
Ông Kim Jong un tuyên bố sẵn sàng hủy diệt Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Ngày 19/9/2017, Tổng thống D.Trump tuyên bố: “Nếu bị buộc vào thế phải bảo vệ bản thân và các đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiêu hủy hoàn toàn đất nước Triều Tiên...”.
Đây là lần đầu tiên, nguyên thủ hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân công khai tuyên bố sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt nhau.
Từ 5 điểm nổi bật trên, có thể khái quát tình hình chính trị và an ninh thế giới năm 2017 như sau: bất ổn, bất ngờ, bất an, bất định.
Hà Nội, 30/12/2017