(Baonghean) - 75 năm sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm căn cứ này của Mỹ trong hai ngày 26 - 27/12. Động thái này thể hiện sự hòa giải của Nhật Bản kèm theo những kỳ vọng của Tokyo vào mối quan hệ song phương với Mỹ trong tương lai.
Khép lại quá khứ thời chiến
Cách đây 75 năm, quân đội Nhật Bản đã bất ngờ tấn công căn cứ hải quân của Mỹ tại Hawaii, đánh chìm rất nhiều tàu chiến của Mỹ và khiến 2.400 người tử nạn. 4 năm sau đó, Nhật Bản hứng chịu hai quả bom nguyên tử do Mỹ rải xuống hai thành phố Hiroshima và Nagashaki, cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người dân vô tội. Những “đòn thù” đẫm máu trong thế chiến thứ II khiến Mỹ và Nhật Bản trở thành kẻ thù của nhau.
Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua, quan hệ Mỹ - Nhật từ kẻ thù đã trở thành đồng minh thân thiết. Cả hai không ngừng củng cố mối bang giao và cố gắng xóa hết mọi tàn tích của quá khứ thời chiến. Chính vì thế, tháng 5 năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Hiroshima khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Ise-Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản.
Đáp lại, Thủ tướng Abe quyết định tới Trân Châu Cảng trong chuyến thăm Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Obama trước khi ông rời Nhà Trắng. Cũng giống như Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản cũng nhấn mạnh rằng, chuyến thăm Trân Châu Cảng là một nỗ lực trong “chiến lược ngoại giao” chứ không liên quan đến một lời xin lỗi. Tuy vậy, hành động của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật được cho là những “lời xin lỗi ngầm” dành cho đối phương.
Thủ tướng Abe khẳng định, chuyến thăm khu tưởng niệm Trân Châu Cảng là vì “chúng ta không thể lặp lại nỗi kinh hoàng của chiến tranh lần nữa” và rằng, ông muốn cùng Tổng thống Obama “bày tỏ trước thế giới cam kết này với tương lai và giá trị của sự hòa hiếu”.
Rõ ràng, quan hệ giữa Washington và Tokyo dưới thời Obama và Abe đã đi xa hơn nhiều so với các chính phủ tiền nhiệm trong việc xóa đi những “vết gợn” sót lại thời hậu chiến.
Nhật Bản lo ngại Trump
Giới chuyên gia cho rằng, ông Abe lo ngại quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản mà ông đã dốc nhiều tâm huyết bồi đắp sẽ rạn vỡ. Vì thế ông cố gắng tận dụng chuyến thăm Trân Châu Cảng để nhấn mạnh cho thế giới và Tổng thống đắc cử Mỹ thấy được tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Nhật.
Lo ngại của Nhật Bản không phải không có cơ sở khi chính quyền mới của Mỹ sẽ nhậm chức vào đầu năm tới vẫn còn nhiều ẩn số. Trong quá trình vận động tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump từng chỉ trích các đồng minh không trả đủ tiền cho quốc phòng, trong khi Mỹ phải trả quá nhiều.
Tỷ phú bất động sản từng thẳng thắn nêu rõ nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của ông, sẽ không nhất thiết phải triển khai viện trợ cho NATO nếu các nước thành viên bị tấn công, mà trước tiên là phải xem xét mức độ đóng góp của những nước thành viên NATO cho liên minh này.
Những phát biểu này đã dẫn đến làn sóng chỉ trích nặng nề từ phía các đồng minh truyền thống của Washington và làm gia tăng lo ngại tại Nhật Bản. Dù Nhật Bản đã nhất trí tăng chi cho lực lượng Mỹ ở Nhật Bản thêm 1,4% trong 5 năm tới lên mức trung bình 1,74 tỷ USD mỗi năm, nhưng việc chi trả các nguồn kinh phí với “hợp đồng bảo hộ an ninh” thuê đồng minh Mỹ chắc chắn sẽ khiến ngân sách của Tokyo ảnh hưởng đáng kể.
Trong bối cảnh như vậy, cùng với sự nổi lên của Trung Quốc khiến Tokyo không khỏi lo lắng. “Số phận” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa rõ sẽ về đâu nếu chính quyền Trump lên nhậm chức là lời cảnh báo đối với Tokyo rằng Trung Quốc sẽ có cơ hội để khẳng định mình.
Bắc Kinh hiện đang thúc đẩy xây dựng một Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được tiến hành thảo luận từ năm 2012 và không bao gồm Mỹ, để đối trọng lại TPP.
Theo các nhà quan sát, vấn đề chính ở đây không chỉ là sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ để giành các thỏa thuận thương mại, mà còn thể hiện rõ sự tương phản trong cách nhìn của Mỹ và Trung Quốc về việc định hình trật tự khu vực cũng như củng cố ảnh hưởng của họ. Vì thế, đối với ông Abe, cuộc gặp Tổng thống Obama và thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử tới Trân Châu Cảng mang tính biểu tượng, nhằm cho thế giới - đặc biệt là Trung Quốc - thấy sức mạnh trường tồn của mối quan hệ Mỹ - Nhật thời hậu chiến.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nhật Bản đã hai lần tới Mỹ chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua. Giữa tháng 11, ông Abe đã gây sự chú ý khi là nguyên thủ đầu tiên tới New York hội đàm với Tổng thống đắc cử Trump. Cuộc gặp được cho là bước đệm đầu tiên cho sự hợp tác suôn sẻ giữa hai đồng minh Mỹ - Nhật trong chính quyền mới của Washington. Và nay, chuyến thăm Trân Châu Cảng mang theo thông điệp hòa giải của Thủ tướng Abe và nuôi kỳ vọng về quan hệ của Nhật Bản với Mỹ tiếp tục tốt đẹp. Đương nhiên, mức độ của mối quan hệ này đến đâu sẽ chỉ được kiểm chứng sau ngày 20/1/2017.
Thanh Huyền