(Baonghean) - Cách đây 55 năm, theo tiếng gọi hồi hương của Bác Hồ, những người con việt kiều Thái Lan trở về quê hương Nghệ An, chọn mảnh đất bên dòng sông Hiếu để lập nghiệp. Vượt qua những khó khăn ban đầu, bà con Việt kiều đã vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của hai nước Việt Nam - Thái Lan, xây dựng thành một làng Việt kiều độc đáo.
Năm 1960, theo tiếng gọi của Bác Hồ, bà Mai Thị Bích Nọi, Chủ tịch Hội Việt kiều Thái Lan tại TX.Thái Hòa lúc đó mới hơn 14 tuổi theo chân gia đình và gần 1.000 người Việt trên chuyến tàu từ Thái Lan trở về Việt Nam. Bà vẫn còn nhớ như in, ngày đó khi về đến Việt Nam thì Bác Hồ đích thân ra đón và trò chuyện với mọi người. Nếu bà không giới thiệu thì chúng tôi cứ ngỡ bà là người Thái chính gốc, bởi trên khuôn mặt bà mang đậm nét Thái Lan. Ngay cả cái tên của bà “Nọi” cũng mang đậm văn hóa người Thái Lan do ông bà chọn đặt. Nhắc đến những kỷ niệm những ngày còn sống bên đất Thái, bà mở chiếc tủ gỗ, tìm những bức ảnh, những hiện vật còn giữ lại được sau bao năm tháng về Việt Nam. Bà kể, những năm 1945, khi Pháp chiếm đóng, ngoài việc phải chống giặc ngoại xâm, nhân dân cả nước còn phải chống thêm “giặc đói” và “giặc dốt”. Trận đói lịch sử năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu con người từ lớn, bé, già, trẻ. Chết chóc, đói khát đã khiến đồng bào tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) phải “tự cứu mình” bằng cách di dân sang Lào và Thái Lan sinh sống. Bà kể: “Tại Thái Lan, gia đình cùng với những bà con người Việt khác sống hai bên dòng sông Mê Kông, với nghề chài lưới, đan lát, thêu thùa họ đã vượt qua được cơn đói và bám trụ. Dù cuộc sống ổn định hơn trước, nhiều nhà cũng có của ăn, của để nhưng vẫn đau đáu nỗi nhớ quê hương, nhớ Tổ quốc nhưng vẫn chưa có cơ hội trở về. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào người Việt đang sinh sống tại Thái Lan hồi hương, mọi người hết sức phấn chấn. Ngày 10/1/1960, chuyến tàu chở những người Việt Nam yêu nước hồi hương sau mấy chục năm xa xứ.
Bà Mai Thị Bích Nọi kể lại ký ức hồi hương. Bà Nọi nhớ lại: “Khi về đến Cảng Hải Phòng bà con được chọn là sinh sống tại TP.Vinh hoặc vùng Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn), bà con nghe giới thiệu vùng đất đỏ ba-zan phì nhiêu bên bờ sông Hiếu nên chọn đây làm nơi dừng chân, xây dựng cuộc sống mới”. Chuyến xe đầu tiên chở 100 gia đình lên mảnh đất Thị trấn Thái Hòa (huyện Nghĩa Đàn xưa, nay là Thị xã Thái Hòa) theo như chọn lựa của họ.
Ban đầu, họ đều lo lắng trước vùng đất “rừng thiêng nước độc” này, nhưng với khát khao trở về quê hương đã thực hiện được, họ chăm lo xây dựng cuộc sống mới. Những khó khăn ban đầu cũng qua đi, người dân bắt đầu ổn định cuộc sống, những làng nghề được thành lập như mộc mỹ nghệ, làng nghề đan lát… Đến nay, khối Liên Thắng, phường Hòa Hiếu vẫn nổi tiếng với làng chế biến lâm sản, với những sản phẩm như tủ, giường, bàn ghế. Còn một số quen với nghề chài lưới bên sông Mê Kông trở về vẫn sinh sống bên con sông Hiếu kiếm sống bằng nghề chài lưới. Từ 100 hộ dân Việt kiều đến nay tính đến đời con cháu tại phường Hòa Hiếu đã có hơn 196 hộ dân của các thế hệ. Điển hình như ông Lê Duy Lai (61 tuổi) với nghề cơ khí học tại Thái Lan ông trở về làm nghề sửa chữa ô tô tại xưởng sửa chữa cơ khí 250 ở TX. Thái Hòa; ông Nguyễn Ái Hữu (79 tuổi), sau khi về nước được Nông trường 19/5 nhận vào làm việc. Sau nhiều năm làm kinh tế, giờ đây ông là chủ của một hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn… “Giờ đây, những người từ Thái Lan trở về Thái Hòa sinh sống đều đã ở độ tuổi “xế chiều”, cuộc sống dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế cũng phần nào ổn định. Với chúng tôi, luôn nhắc nhở con cháu về gốc tích của mình là người Việt từng được sinh sống tại Thái Lan nên phải nhớ, xem Thái Lan như quê hương thứ hai của mình, còn Việt Nam mới là Tổ quốc của mình để sống, học tập, lao động làm người có ích...”, bà Nọi cho biết.
Ông Nguyễn Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiếu cho biết: “Bà con Việt kiều từ Thái Lan về đây sinh sống hết sức đoàn kết và tìm cảm, đùm bọc, yêu thương nhau xây dựng quê hương. Ngoài ra, họ còn mang theo điệu múa lăm vông, uống rượu cần, đánh cồng chiêng… trở thành một nét văn hóa đặc sắc tại miền đất Phủ Quỳ nói riêng và xứ Nghệ nói chung…”.
Năm 2004, Hội Việt kiều Thái Lan tại Thị xã Thái Hòa được thành lập. Mỗi dịp đầu Xuân hoặc ngày lễ lớn họ lại quây quần bên nhau say điệu lăm vông và ché rượu cần thơm nức để chúc nhau và ôn lại kỷ niệm.
Ngoài làng Việt kiều sinh sống tại phường Hòa Hiếu (TX. Thái Hòa) thì cùng đợt còn có 49 hộ với gần 300 nhân khẩu từ Thái Lan theo tiếng gọi của quê hương trở về sinh sống tại bản Việt Hương, xã Châu Hội (Quỳ Châu, Nghệ An). |
Hà An (TP. Vinh)