(Baonghean) - Ấy cũng là trò chơi tuổi nhỏ. Trò chơi ngày hè, ở quê. Gọi nhà chòi là chính xác, bởi “công trình” ấy vừa là nhà, vừa là chòi. Nói dễ hiểu hơn, nó thực chất là... cái chòi, nhưng được kiến tạo theo mô hình của một cái nhà, trẻ con làm để chơi.

Cất nhà chòi tương đối đơn giản; nhưng vẫn phải trải qua gần đầy đủ các công đoạn như làm nhà thật. Đầu tiên là kiếm chặt tre hay cây săn (tức các loại cây thân gỗ, ruột đặc - không rỗng như tre nứa) mà dựng sườn, cột mái. Vườn quê xưa cây cối, tre trảy không hiếm. Vấn đề là phải biết cách ước lượng, tính toán để chọn cây thẳng thớm, vừa tầm cỡ, kích thước, tỷ lệ thì căn nhà chòi dựng lên mới đẹp và tương đối vững bền (khâu này thường dành cho các “thợ cả” (lớn tuổi) dày dạn kinh nghiệm, óc thẩm mỹ và... sức lực. Đám “thợ phụ” bé con chỉ có thể chung tay vào các việc vặt: gom cây cối, quét tước, chạy lấy dụng cụ...). Dựng nhà chòi phải chọn chỗ đất bằng phẳng, sạch sẽ (thường là dưới các tán cây cổ thụ). Cột nhà được đào lỗ, chôn luôn xuống đất. Do công cụ dựng nhà chủ yếu chỉ trông vào dao, rựa nên rường, kèo, đòn tay, rui mè... tất tật được buộc dính vào nhau bằng dây lạt, dây chuối. Ấy vậy mà rồi cũng xong, cũng vững chãi ra phết! Gian nan, tốn nhiều thời gian nhất có lẽ là cái sườn nhà. Sườn dựng xong, xem như thợ cả có quyền nghỉ tay. Giờ mới chính thức đến phần việc của đám thợ phụ. Đầu tiên là hò nhau đi chặt từng ôm lá đủng đỉnh (một loại cây giống cọ, lá có thể dùng bó chổi) về lợp mái, dựng vách. Tiếp đến leo bẻ lá sầu đâu (lá xoan) mà rải nền. Lá đủng đỉnh thuộc loại lá xương nên khi khô ít bị teo tóp khiến mái, tường bị trống. Lá sầu đâu mềm, êm, lại không gây ngứa, xót; rải thành đệm trên nền mà nằm hay ngồi đều tuyệt! Tiếng là giao “thợ phụ”, nhưng “thợ cả” vẫn phải để mắt mà trông nom; bởi khâu lợp mái, dựng vách mà buộc, nẹp không khéo, chỉ cần một trận gió to thổi qua là căn nhà chòi có khi chỉ còn... trơ cái sườn không! Khâu cuối cùng là trang trí. Dùng dao, rựa mà hớt bỏ những phần lá thừa cho gọn. Trang điểm thêm cho căn nhà chòi bằng hoa, lá và các vật dụng (đồ chơi) ưa thích. Trang trí gì cũng chỉ giới hạn phần mái, vách, không được choán mất diện tích mặt nền; bởi nền nhà chòi là nơi để rủ nhau ngồi mát, tán gẫu, để nằm đọc sách hoặc ngủ trưa những khi chủ nhân có nhu cầu về một chốn “giang sơn” riêng biệt, tự do, không bị ai xâm phạm, quấy rầy...

images1377855_bd29f630_8832_4743_bfdc_9190fcc4548e.jpgẢnh minh họa - Internet
Trong ký ức hè của tuổi thơ tôi, dựng xong căn nhà chòi là xem như đã hoàn thành xong... việc lớn! Khi đã “an vị” trong nhà chòi, chúng tôi tiến hành “phân vai” để cuộc chơi thêm phần thú vị. Đứa lớn tuổi hơn thì làm cha mẹ, đứa bé hơn thì làm con cháu sao cho thành một gia đình. Thú vị nhất là “bữa cơm gia đình” được chúng tôi bày biện, chỉ dùng đất, cát, lá cây để giả vờ làm thức ăn mà chúng tôi vẫn thường dùng hằng ngày, vậy mà đứa nào đứa nấy cũng “giả đò” khen ngon rồi gật đầu tấm tắc. Những ngày sau đó, ngoại trừ ban đêm bị mẹ bắt vào nhà mà ngủ, còn ban ngày, lũ trẻ chúng tôi hầu như loay hoay suốt ở nhà chòi! Cái thiên đường tuổi nhỏ náu mình nơi góc vườn quê êm mát kia quả có sức quyến rũ đến mê người. Để rồi khi lớn lên, bắt đầu cuộc hành trình “tạo gia dựng nghiệp”, lần đầu tiên bước qua ngưỡng cửa căn nhà do chính ta dựng xây, làm chủ, ta mới chợt bàng hoàng nhận ra: cảm giác ấy sao mà giống in cảm giác bước qua ngưỡng cửa căn nhà chòi của ta một thuở bé thơ...
 
Y Nguyên