(Baonghean) - “Bao đời nay, sông Lam cần mẫn đưa phù sa nuôi con người xứ Nghệ. Nhưng thời gian dâu bể, nào ai biết sông khi mô lở bồi, biết khi mô trong xanh biết khi mô đục ngầu sôi trào băng đồng giận dữ. Thế là con đê sông Lam giữ đất, ngăn nước ra đời từ đó. Đê sông Lam là vết hằn đậm in tính cách người Việt, người Nghệ can trường, bất khuất, gìn giữ quê hương” - đứng bên bờ Tả Lam, vị đại tá già cảm khái.
Giữa tiết Thu nhạt nắng, vị đại tá già kể chúng tôi nghe về con sông Lam gắn liền với những cuộc chiến từ thời Hùng Vương đến thời hiện đại và ý thức chế ngự thiên nhiên của một con đê: Đê sông Lam có từ rất lâu rồi; có từ khi “người Việt thời trung du” thành “người Việt thời châu thổ”. Ngày ấy, con đê sông Lam đầu tiên chỉ là những đoạn đê bao, có dạng thức hình cánh cung, hình tròn khép kín bao lấy không gian làng xã, vùng đất canh tác. Vào thời Lý, việc đắp nên những hệ thống đê dọc suốt theo con sông được định hình. Hệ thống đê sông Lam được xây dựng và Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là người có công đầu trong việc kết nối những con đê bao thành đê quai vạc… Những xóm những làng sau những con đê. Đê sông Lam luôn được bồi đắp qua các thời đại. Nhưng cũng có nhiều lúc lũ tràn sông Lam xé toạc con đê.
Có lẽ trận lụt gây vỡ đê sông Lam khủng khiếp nhất trong lịch sử là vào tháng 9/1944. Lúc này đất nước đang chìm đắm trong ác mộng “cơn đói lịch sử” do chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp. Đê sông Lam vỡ. Nước lũ ngập phía Tây, nước biển tràn phía Đông trắng xóa, mặn chát ruộng vườn, đến cây cối cũng héo quay, héo quắt nói chi đến lúa, khoai. Đê vỡ, lòng dân chính là con đê giữ nước, lớp lớp người Nghệ tập hợp nhau làm những con đê. Như bao chàng trai, cô gái vùng đất Nam Đàn lúc ấy, vị đại tá già ngày đó đã sớm tham gia phong trào yêu nước của Việt Minh dưới hình thức đội tự vệ đỏ, được hướng dẫn cách hoạt động du kích, cách đánh giặc, được tập hát các ca khúc cách mạng.
Những năm ấy, phong trào cách mạng ở miền quê này lên rất cao. Đấu tranh công khai có, bí mật có. Ngày khởi nghĩa, các phong trào treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu, dán biểu ngữ, rải truyền đơn, tổ chức mít tinh, diễu hành, thị uy cổ động quần chúng, gây thanh thế ở địa phương diễn ra rầm rộ. Phúc Mỹ rực lửa đấu tranh, người dân nơi đây đã cùng nhân dân các xã kéo về phủ, huyện giành chính quyền…
Đứng trên bờ đê tả Lam, hai người bạn già như sống lại những hồi ức người dân được làm chủ cuộc sống mình: Chính trên con đê này, họ được tập trung nghe phổ biến chủ trương của chính quyền non trẻ, được tham gia ý kiến vào các hoạt động của chính quyền non trẻ; ai cũng hăng hái tham gia ủng hộ “Tuần lễ Vàng”, “Bình dân học vụ”, các hoạt động bài trừ mê tín dị đoan và tham gia vào các đoàn thể xã hội... Và cũng từ con đê này, vị đại tá già lại tiếp bước theo cuộc trường chinh thần thánh của dân tộc; người bạn ở lại làng xây dựng hậu phương.
Theo vị đại tá già: “Mấy đời sống cạnh sông, chỉ một chút lơ đãng có thể phải trả bằng sinh mạng, sao chẳng phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng? Nhưng sông mang về nguồn sống nuôi ta lớn khôn, làm sao có thể quay lưng với nó? Người Nghệ luôn mong con đê sông Lam trở mình vạm vỡ nên hàng năm, lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, phụ nữ, CCB... ra quân bồi đắp cho đê. Nhiều năm, tỉnh, huyện còn cử cả các trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội về đắp đê giúp dân cả tháng ròng…
Giờ đây, đê sông Lam đã được tôn cao, vững chãi. Đê thành một vành đai ngăn lũ, chắn sóng. Người dân ngoài đê cũng đã biết thích nghi, sống chung với những ngày “ông trời” trở tính, trái nết, mưa gió, bão tố thất thường. Đất nước, quê hương dằng dặc chiến chinh, con đê sông Lam cũng quặn mình trong bom đạn. Ngày nay, con đê ấy đã thẳng, vững hơn nhiều. Con đê Tả Lam đã trở thành tuyến đường du lịch ven sông Lam cho du khách thưởng ngoạn đi qua về lại những miền di tích từ Cửa Lò, Cửa Hội đến "Bến phà thép" Bến Thủy, Phượng Hoàng Trung Đô, núi Lam Thành, về Kim Liên, ghé bến Sa Nam, thăm núi Hùng Sơn căn cứ địa của Vua Mai... Ngắm đường du lịch mượt mà, vị đại tá già mơ tái hồi về một thương cảng sầm uất Triều Khẩu bên đê sông Lam.
Thanh Sơn