(Baonghean) - Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 24/8/2011 nhằm tăng cường các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nội dung của Nghị quyết 88/NQ-CP dành một phần rất lớn để chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu bia.
Để phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu bia, Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT&DL chủ trì phối hợp với Bộ TT-TT ban hành quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm với những nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe và nguy cơ xẩy ra tai nạn khi tham giao thông; Bộ Công thương có trách nhiệm ban hành quy định yêu cầu: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia phải đưa các khuyến cáo trên bao bì của sản phẩm về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bến xe, trạm ngừng nghỉ không bán rượu, bia cho người lái xe... Mỗi bộ, ngành liên quan được giao các nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng và qua đó, thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Vậy nhưng, đã gần 2 năm Nghị quyết 88/NQ-CP được ban hành, thử hỏi có quảng cáo rượu, bia nào trên các phương tiện truyền thông đã gắn kèm với những nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe của người sử dụng và nguy cơ có thể xẩy ra tai nạn khi tham giao thông? Có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia nào đã đưa ra các khuyến cáo trên bao bì của sản phẩm về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia? Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bến xe, trạm ngừng nghỉ nào đã từ chối không bán rượu, bia cho người lái xe cơ giới?
Ở Nghệ An, đặc biệt là tại Thành phố Vinh, các trọng điểm có đông người tham gia giao thông như ngã ba, ngã tư, trường học, chợ hay xung quanh các công sở lại thường là nơi tập trung nhiều các quán rượu, bia, mỗi khi đến giờ "vàng", trước quán bia, ô tô, xe máy xếp hàng hai, hàng ba rất mất trật tự. Có rất nhiều quảng cáo bia trên các loại hình truyền thông, quảng cáo ngoài trời bằng pa nô tấm lớn, hay tờ rơi, áp phích, và trên đó ngoài nêu tên, địa chỉ của hãng thì kèm với nội dung "hương vị ngọt ngào", "thơm ngon quyến rũ" chứ lấy đâu ra lời cảnh báo...
Mới đây, trong buổi làm việc với Ban An toàn giao thông quốc gia (ngày 16/5) về vấn đề sử dụng chất có cồn khi tham gia giao thông, vụ việc tai nạn giao thông mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện cơ giới có sử dụng chất cồn ở Nghệ An từ đầu năm 2013 đến nay chỉ được xác định có 1 vụ; tổng số vi phạm nồng độ cồn bị xử lý chiếm khoảng gần 3% trên tổng số vi phạm giao thông. Và, dù vẫn biết rằng ở Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm chất có cồn, vậy nhưng Ban An toàn giao thông quốc gia vẫn tỏ ra ngạc nhiên với số liệu này. Bởi theo ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông quốc gia, ở các địa phương mà Ban đã khảo sát, số vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện cơ giới có sử dụng chất cồn chiếm khoảng 20 - 30%...
Phải thẳng thắn mà nói rằng, tai nạn giao thông, mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện cơ giới có sử dụng chất có cồn, là rất nhiều và đã có nhiều vụ hết sức thương tâm. Bởi vậy, các cấp, các ngành hãy tự vấn đã có những hành động cụ thể gì để ngăn ngừa thảm họa này. Và, hãy kiểm điểm xem việc thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP ra sao!
Lãng quên Nghị quyết 88/NQ-CP...?!
Nhật Lân