(Baonghean) - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII nhóm họp đúng vào lúc tình hình kinh tế - xã hội nước nhà hết sức khó khăn. Cả trăm nghìn doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản; lượng người thất nghiệp và không có việc làm ngày càng tăng; sức mua trong dân suy giảm nghiêm trọng; đời sống của một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn… Điển hình là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sau hai tháng liên tục giảm, trong tháng 5 này lại tiếp tục giảm. Hà Nội giảm 0,22%, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,16%... Trong bối cảnh như vậy, người dân kỳ vọng là tại kỳ họp lần này, sẽ có nhiều chủ trương, giải pháp được đưa ra đủ sức kiềm chế và tiến tới chặn đứng đà suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, qua mấy ngày đầu của kỳ họp, tình hình vẫn yên ắng, chưa thấy có sự bức bách, quyết liệt như ở ngoài cuộc sống. Cho dù, như đại biểu Trần Du Lịch của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Quốc hội “không để nền kinh tế tiếp tục trì trệ”. Nhưng làm thế nào để nền kinh tế không “tiếp tục trì trệ” thì chưa thấy rõ qua các buổi thảo luận ở tổ.

Nữ đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thì nhận xét giải pháp tại báo cáo của Chính phủ đọc “không chê vào đâu được” nhưng có những vấn đề tồn tại kéo dài không chỉ một, hai năm mà đã qua nhiều năm nhưng các giải pháp vẫn vậy, trong khi tình hình thực tế khó khăn hơn nhiều. Không ít đại biểu cho rằng: Nhận xét của Chính phủ vẫn lạc quan, khoảng cách giữa chính sách và cuộc sống còn xa.

Còn một đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh thì thẳng thắn:  “Tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thấy nhiều vấn đề đáng báo động nhưng qua báo cáo của Chính phủ thấy tình hình bình yên quá”. Quả là một sự bình yên không bình thường và khiến nhiều người không yên lòng. Ở các tổ thảo luận khác, không ít đại biểu tỏ rõ sự sốt ruột khi tái cơ cấu nền kinh tế còn đang mờ mịt. Quốc hội đã đặt ra yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế từ 2008, nhưng đến nay kết quả đạt được vẫn chưa có gì cụ thể và rõ ràng.

Trong khi đó, các biện pháp thực hiện thiếu mạnh mẽ và kiên quyết, làm phát triển thêm nhóm lợi ích chi phối đời sống gây cản trở cải cách. Vì thế, một số đại biểu cho rằng, điều quan trọng trước nhất là  cần đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình kinh tế hiện nay. Và như lời đại biểu Nguyễn Hữu Hùng của Tiền Giang thì “tôi cảm nhận lòng tin với một số việc đang triển khai có vấn đề, lòng tin suy giảm thì chính sách khó đi vào cuộc sống”.

Bên cạnh đó, sự đánh giá và nêu nguyên nhân gây nên sự trì trệ của nền kinh tế trong báo cáo cần thẳng thắn, đúng với thực tế. Cần tránh nại lý do dẫn đến hạn chế yếu kém là do kinh tế thế giới và nguyên nhân khách quan. Nhất là phải nói rõ ra có nguyên nhân từ khâu chỉ đạo, điều hành, nhiều việc cứ nói là phải quyết liệt thế này, thế kia nhưng trong thực tế thì chưa thấy gì cả…

Hy vọng, với sự tận tâm, tận lực và ý thức trách nhiệm cao của các đại biểu, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ đánh giá đúng tình hình, thực trạng một cách khách quan và có các giải pháp phù hợp thực tế mà không bị lệ thuộc vào bất cứ một báo cáo hay lời giải trình nào.

Nếu không, thì như những gì  thu nhận được từ các ý kiến của các đại biểu qua các buổi thảo luận ở tổ thì thấy là: Chưa thể yên tâm được!


Duy Hương