(Baonghean) - Huyện Diễn Châu là một trong những địa phương có nhiều cơ sở sản xuất, gia công các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Huyện có 20 làng nghề đã được tỉnh công nhận, nhưng hầu hết sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu để quảng bá rộng rãi. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các làng nghề và sự hỗ trợ của các ngành chức năng. 
 
Làng nghề sản xuất bánh kẹo Xuân Bắc, xã Diễn Vạn (Diễn Châu) có lịch sử hàng chục năm. Từ năm 2009, làng nghề được khôi phục, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 96 hộ với 228 lao động, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Ngoài sản phẩm như kẹo dồi, cu đơ, kẹo lạc đã khá nổi tiếng, làng nghề còn sản xuất các loại bánh kẹo thơm ngon khác.
 
Theo ông Trần Minh Tuấn - cán bộ khuyến nông xã, nghề sản xuất bánh kẹo mang lại cho xã Diễn Vạn doanh thu mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động từ 1,7 - 1,8 triệu đồng/người/ tháng, cao hơn bình quân lao động chung 400 nghìn đồng/ tháng. 2 làng nghề bánh kẹo trên địa bàn còn khai thác, tiêu thụ sản phẩm lạc cho nông dân ở Diễn Châu và “kéo” nghề sản xuất bánh đa ở Diễn Ngọc phát triển.
 
images1162287_s_n_xu_t_k_o_l_c_cu_do_t_i_co_s__b_nh_k_o_tu_n_anh__x_m_xu_n_b_c__di_n_v_n.jpgSản xuất kẹo cu đơ tại cơ sở bánh kẹo Tuấn Anh, xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn.
Tại các hội thi bánh kẹo do Liên minh HTX tỉnh tổ chức mới đây, sản phẩm kẹo lạc của làng Xuân Bắc, xã Diễn Vạn được bình chọn, trao thưởng là kẹo ngon nhất. Hiện sản phẩm của làng nghề đã vươn tới một số tỉnh miền Bắc như Thanh Hóa, Hà Nội… Tuy vậy, qua trao đổi với ông Nguyễn Thế Lực, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Tùng Lực, gia đình có 3 đời làm bánh kẹo lạc, được biết: Sản phẩm bánh kẹo đã khẳng định được uy tín nhưng chưa thể khuếch trương sản phẩm và mở rộng thị trường được. Mấy năm lại đây, cơ sở đã đầu tư đổi mới trang thiết bị nhưng chủ yếu là để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn để đăng ký thương hiệu đồng nghĩa với đổi mới quy trình sản xuất, mở rộng nhà xưởng, cần số tiền lớn hơn 2 tỷ đồng, nhưng trước mắt cơ sở còn khó khăn.
 
Với làng nghề mộc Đại Xuân, xã Diễn Xuân được công nhận năm 2013. Thời điểm đó, có 25 hộ tham gia, đến nay, làng nghề đã có 36 cơ sở, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Sản phẩm mộc Đại Xuân đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy vậy, việc quảng bá, tìm kiếm thị trường chủ yếu do các chủ cơ sở tự liên kết, giới thiệu với nhau.
 
Ông Trương Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Diễn Xuân, cho biết: “Xã chỉ tạo điều kiện để làng nghề được công nhận, còn việc xây dựng thương hiệu chưa làm được. Đây là điều đòi hỏi sự nỗ lực tích cực của các hộ sản xuất trong làng nghề, phía xã sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất…”.
 
Theo thống kế sơ bộ, với 40 làng nghề, trong đó 20 làng nghề cấp tỉnh và 20 làng nghề được huyện công nhận, các ngành nghề TTCN và làng nghề Diễn Châu có những đóng góp tích cực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Năm 2014, giá trị sản xuất các làng nghề Diễn Châu đạt trên 85 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân các làng nghề đạt 14%/năm; thu nhập bình quân lao động các làng nghề đạt 21,64 triệu đồng/năm. Các làng nghề còn góp phần giải quyết việc làm cho 3.500 lao động trên địa bàn. Chính vì vậy, trong định hướng phát triển, huyện Diễn Châu cũng đặt kỳ vọng rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển ngành nghề TTCN, làng nghề.
 
Một trong những giải pháp phát triển bền vững cho các làng nghề TTCN, nhất là các sản phẩm có thế mạnh, là phải xây dựng được nhãn hiệu, xuất xứ sản phẩm. Hiện nay nhiều huyện đã xây dựng thương hiệu sản phẩm cho làng nghề như các sản phẩm mộc Trung Kiên (Nghi Lộc), Châu Hưng (Hưng Nguyên), mộc Quỳnh Hưng, nước mắm Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu) thì các làng nghề, sản phẩm thế mạnh của Diễn Châu vẫn chưa tự tin ghi nhãn “Made in Diễn Châu”. Ngoại trừ thương hiệu nước mắm Vạn Phần. Bà Nguyễn Thị Điệp, chủ cơ sở mộc Trình Độ ở làng Đại Xuân cho biết: “Cơ sở chúng tôi cũng như các hộ mong được các cấp tạo điều kiện thuê mặt bằng sản xuất góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn chúng tôi xây dựng thương hiệu cho làng nghề mộc của xã…”.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Xuân Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cũng thừa nhận: “Qua đánh giá hơn 4 năm thực hiện Đề án phát triển TTCN và làng nghề, vấn đề xây dựng thương hiệu cho các làng nghề chưa được các cấp, ngành ở huyện, xã và các làng nghề quan tâm đúng mức. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các làng nghề xúc tiến đăng ký thương hiệu sản phẩm để phát triển ổn định”.
 
Thương hiệu và chất lượng sản phẩm là 2 yếu tố quan trọng để duy trì, phát triển sản xuất hàng hóa. Các làng nghề muốn tồn tại và phát huy giá trị cũng không nằm ngoài qui luật đó. Để làm được như vậy, mỗi hộ sản xuất và ban quản lý các làng nghề cần có chiến lược đăng ký thương hiệu, cùng đó không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
 
Phương Hà