Những món quà đặc biệt
Năm học 2018 - 2019 là năm đầu tiên thầy giáo Lê Đình Tam được chuyển về làm Phó hiệu trưởng Trường PT DTNT THCS Quế Phong. Ngược từ xã Thông Thụ về thị trấn Kim Sơn, từ vùng khó khăn về nơi thuận lợi nhưng xuống đây gần nửa học kỳ thầy vẫn chưa quen, bảo “nhớ núi”, dù rằng điều kiện may mắn hơn rất nhiều. Nỗi nhớ lại đến nhiều hơn vào những dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam.
20 năm gắn bó với giáo dục đất Quế, kể về những chặng đường đã qua, thầy Tam chưa quên những ngày mới lên dạy học ở xã Đồng Văn. Khi đó, hoàn cảnh con nhà nghèo, lên vùng cao với đôi bàn tay trắng, lập nghiệp, lấy vợ sinh con biết bao khó khăn.
20 năm gắn bó với giáo dục đất Quế, kể về những chặng đường đã qua, thầy Tam chưa quên những ngày mới lên dạy học ở xã Đồng Văn. Khi đó, hoàn cảnh con nhà nghèo, lên vùng cao với đôi bàn tay trắng, lập nghiệp, lấy vợ sinh con biết bao khó khăn.
Vì thương vợ chồng hai thầy cô nghèo, lãnh đạo xã đã “đặc cách”, ưu tiên cho thầy một mảnh đất ở ngay trung tâm xã để dựng nhà, “an cư lập nghiệp”. Sau này, chuyển sang Hạnh Dịch rồi Thông Thụ, dù ở vị trí giáo viên hay làm lãnh đạo, thầy cũng được chính quyền địa phương, bà con và các đồng nghiệp quan tâm, hỗ trợ.
Đáp lại tình cảm yêu thương đó, từ một sinh viên mới ra trường, thầy Tam đã trở thành một giáo viên giỏi, xuất sắc, nhiều năm liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Thầy cũng là một giáo viên cốt cán của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, có nhiều học sinh giỏi đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi huyện, học sinh giỏi tỉnh. Năm học 2017 - 2018, thầy và học trò ở Trường PT DTBT THCS Thông Thụ đạt giải Nhì ở Cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh - một kết quả được xem là “kỳ tích” ở một trường vùng khó.
Với đất Quế, thầy Tam xem đây là quê nhà thứ 2 của mình. Cách đây mấy năm, khi thầy được tạo điều kiện trở về quê nhà để dạy học thầy đã từ chối và nhường cơ hội ấy cho người khác.
“Giáo viên vùng cao, khó khăn thiệt thòi hơn rất nhiều nơi khác. Nhưng, càng khó khăn thì mọi người lại tương trợ, quan tâm nhau nhiều hơn. Ở đây, ngày lễ chúng tôi không có những món quà giá trị nhưng chúng tôi được bà con tổ chức một ngày vui chung giữa phụ huynh và các thầy cô cắm bản. Chúng tôi được bà con tặng cho những món quà “cây nhà lá vườn”, dù giản dị nhưng lại chứa đựng nhiều tình cảm trân quý”, thầy Tam tâm sự.
Gắn bó với vùng cao, thầy giáo Lê Đình Tam, thầy giáo Nguyễn Duy Thành, cô giáo Nguyễn Ngọc Hương và nhiều giáo viên khác chúng tôi đã gặp ở Trường PT DTNT THCS Quế Phong cũng đã chia sẻ rất nhiều những câu chuyện khiến họ yêu và gắn bó hơn với mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Trong đó, hơn tất cả là tấm lòng của học sinh, của phụ huynh với các thầy giáo cô giáo. Chỉ có ở đây mới có hình ảnh hội phụ huynh mang theo một xe đẩy chở từng gói nếp tặng thầy cô giáo. Ở đây, không có hoa, không có quá nhiều những lời chúc tụng nhưng chỉ cần một lời cảm ơn “nhờ có thầy có cô con tôi mới biết chữ” cũng đã đủ ấm lòng.
Gắn bó với vùng cao, thầy giáo Lê Đình Tam, thầy giáo Nguyễn Duy Thành, cô giáo Nguyễn Ngọc Hương và nhiều giáo viên khác chúng tôi đã gặp ở Trường PT DTNT THCS Quế Phong cũng đã chia sẻ rất nhiều những câu chuyện khiến họ yêu và gắn bó hơn với mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Trong đó, hơn tất cả là tấm lòng của học sinh, của phụ huynh với các thầy giáo cô giáo. Chỉ có ở đây mới có hình ảnh hội phụ huynh mang theo một xe đẩy chở từng gói nếp tặng thầy cô giáo. Ở đây, không có hoa, không có quá nhiều những lời chúc tụng nhưng chỉ cần một lời cảm ơn “nhờ có thầy có cô con tôi mới biết chữ” cũng đã đủ ấm lòng.
Nằm cách thị trấn Lạt (Tân Kỳ) khoảng 16 km là Trường THCS Hương Sơn - một trong những trường khó khăn nhất của huyện. Là người gắn bó với trường từ những ngày đầu thành lập, cô Nguyễn Thị Thùy Dương vẫn nhớ như in những ngày thầy trò cùng “đặt những viên gạch đầu tiên” xây trường. 19 năm sau, dẫu đã có nhiều thay đổi, nhưng sự khó khăn, gian nan thì vẫn chưa bao giờ hết.
Chia sẻ thêm về điều này, cô Dương tâm sự: Học sinh của trường hơn một nửa là những em có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số nên điều mà thầy cô giáo luôn trăn trở là làm sao để các em đến trường đầy đủ mỗi ngày. Vì thương học sinh nên chuyện thầy cô của trường tự đem cơm, đem gạo, đem cả tiền lương ra đóng học phí, nấu cơm, cưu mang cho các em đã trở thành chuyện bình thường ở ngôi trường vùng khó này.
Và cũng như nhiều thầy cô đang dạy ở vùng sâu, vùng xa khác, ở đây, chỉ cần học trò đến trường đến lớp đầy đủ hàng ngày, có cơ hội học tập lên cao thì đó là món quà ý nghĩa nhất tặng thầy cô trong ngày 20/11.Chỉ cần một tấm lòng
Ở Trung tâm Giáo dục và dạy nghề người khuyết tật, Ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam cũng thật đặc biệt, dù rằng không có quá nhiều hoa tươi, không có nhiều những lời chúc tụng... Đến với trung tâm thời điểm này, không khí cũng khá rộn ràng, khi các lớp đang chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn tại lễ kỷ niệm. Ở các lớp ít tuổi hơn, dù phải vừa học văn hóa, vừa phải học các kỹ năng cơ bản để giao tiếp nhưng các học sinh cũng đã chuẩn bị những món quà riêng để tặng cho thầy cô giáo của mình. Gặp cô học trò Lương Thị Yến Nhi khi cô bé đang chăm chút những nét vẽ cuối cùng để hoàn thiện bức tranh tặng cô giáo. Yến Nhi hồ hởi khoe sản phẩm của mình: “Em vẽ tranh để tặng cô giáo Sa. Cô giáo rất yêu thương em, chăm sóc cho em hàng ngày”.
Đó cũng chính là những món quà giản dị mà thầy cô giáo ở đây nhận được trong những dịp kỷ niệm ngày 20/11. Trò chuyện với cô giáo Đinh Thị Sa - Giáo viên lớp chậm phát triển, cô chia sẻ rằng: So với các trường học khác, những học sinh của chúng tôi đều là những em kém may mắn, không có khả năng phát triển như những người bình thường. Nhưng gắn bó với các em, dạy dỗ các em hàng ngày nên tình cảm của cô và trò rất thắm thiết, xem nhau như trong một gia đình. Ngày lễ, chúng tôi không mong đợi gì, chỉ mong các em tiến bộ, các em biết nhận thức và vui cùng với niềm vui của thầy cô cũng đã là điều thực sự hạnh phúc rồi.
Câu chuyện về Ngày nhà giáo Việt Nam cũng đưa chúng tôi gặp lại thầy giáo Samuel Desjardins - giáo viên người Canada đang giảng dạy tại một trường tư thục ở thành phố Vinh. Anh chia sẻ, 4 tháng gắn bó với Việt Nam, gắn bó với công việc làm thầy giáo ở mảnh đất xứ Nghệ đã cho anh rất nhiều, nhất là những tình cảm mà anh nhận được từ những người học trò của mình. Đến Việt Nam, anh còn cảm thấy may mắn vì được trải qua một ngày lễ 20/11 đầy cảm xúc: Ngày lễ thầy cô giáo ở Việt Nam giống như là một ngày hội đặc biệt dành cho các thầy cô giáo và cũng được học sinh háo hức chờ đợi từng ngày. Điều này hoàn toàn khác so với ngày lễ thầy cô ở Canada.
Ở đất nước chúng tôi, ngày lễ thầy cô được tổ chức rất đơn giản. Vào ngày đó, lãnh đạo sẽ mua một chiếc bánh ngọt, đặt trong phòng, sau đó thông báo cho các em học sinh đến để bày tỏ lời cảm ơn đến thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy... Có lẽ cũng bởi sự khác biệt này nên lần đầu tiên được học sinh tặng hoa, tặng thiệp thầy Samuel không giấu được sự ngạc nhiên và cảm động vì những tình cảm của học sinh dành cho mình. Những nét chữ nghệch ngoạc, những hình vẽ dễ thương về thầy giáo mà thầy Samuel nhận được từ học sinh khiến anh càng yêu, càng cảm thấy gắn bó hơn với mảnh đất xứ Nghệ.
Những tình cảm chân thành, những lời cảm ơn, tri ân sâu sắc cũng chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà các thầy giáo, cô giáo cảm nhận được trong những dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Để từ đó, tạo động lực để họ yêu hơn, gắn bó hơn với công việc đầy ý nghĩa và trang trọng này.