Làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong hai làng cổ trên đất nước ta được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia (làng Đường Lâm và làng Phước Tích).
Đứng từ trên cao bên cầu Mỹ Chánh nhìn về phía làng Phước Tích, làng nổi lên như một ốc đảo xanh được bao bọc từ ba phía bởi dòng sông Ô Lâu. Vào đến đầu làng không khí ngột ngạt, bụi bặm, nắng gắt giữa đông dường như tan biến. Một không gian tràn ngập cây xanh, thoáng đãng và dịu mát. Màu xanh cây cối hoà lẫn với màu rêu phong của miếu mạo, đền thờ và mái ngói nhà rường cổ tạo cho ta một cảm giác uy nghiêm mà tôn kính.
Anh Hoàng Tấn Minh, Phó ban quản lý làng cổ Phước Tích cho biết: Làng Phước Tích có từ năm 1470 dưới triều vua Lê Thánh Tôn. Sử sách ghi lại: Thượng tướng quân Hoàng Minh Hùng, quê ở làng Cảm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, được nhà vua phái đi bình giặc Chiêm Thành.
Khi thắng giặc trở về, đi qua vùng đất này thấy phong cảnh hữu tình, thế đất thịnh vượng, ông có ý định lập làng mới. Ông đã đưa thêm một số gia đình thuộc 11 dòng họ ở Nghệ An gồm: Hoàng, Lê Ngọc, Hồ, Đoàn, Lương Thanh, Lê Trọng, Nguyễn Bá, Nguyễn Duy, Nguyễn Phước, Phan và Trần vào đây để sinh sống. Làng không có đất để làm ruộng nên người dân sống chủ yếu bằng nghề làm gốm.
Làng gốm phát triển cực thịnh từ Thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX. Cũng từ nghề làm gốm, nhiều gia đình trong làng đã có của ăn, của để và xây dựng được những căn nhà rường cầu kỳ, đắt tiền. 12 bến nước quanh làng trên dòng sông Ô Lâu đã trở thành nơi tập kết vật liệu như đất sét, củi đun và vận chuyển gốm đi tiêu thụ ở các địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị.
Sản phẩm của làng Phước Tích chủ yếu là ấm sắc thuốc, cối giã, tiêu, lu, chum... Đặc biệt, làng gốm Phước Tích mỗi tháng nộp cho vua Nguyễn 400 chiếc om ngự để nấu cơm. Vì vậy, gốm Phước Tích còn được gọi là gốm tiến vua.
Ở làng Phước Tích, có 2 di tích cổ nhất là Miếu Cây Thị và Miếu Quảng Tế. Miếu Cây Thị được lập cách đây khoảng 500 năm, bên cạnh một cây thị. Theo một số nhà nghiên cứu, cây thị đã tồn tại khoảng 700 năm. Gốc cây thị ước chừng 4 người ôm mới xuể. Trong lòng cây thị có một lỗ rỗng thông lên đến ngọn.
Theo ông Trương Khắc Kiệm, nguyên cán bộ du kích thời kỳ chống Pháp (nay đã 85 tuổi) kể lại: Nơi đây đã nhiều lần che dấu cán bộ, hoạt động cách mạng thời kỳ chống Pháp. Ngọn của cây thị là đài quan sát phát hiện địch ở phía đồn Mỹ Chánh. Nếu địch đi càn thì thông báo cho anh em du kích nhanh chóng rút lui.
Còn miếu Quảng Tế- một ngôi miếu được xây dựng theo kiểu kiến trúc Chăm Pa, thờ âm vật (yoni) (theo quan niệm của người Chăm là biểu tượng cho sự sinh sôi và phát triển của con người). Điều này chúng tỏ sự giao thoa giữa văn hoá Việt và văn hoá Chăm Pa trên vùng đất Phước Tích.
Làng Phước Tích còn là nơi lưu giữgần như nguyên vẹn nhiều nhà rường cổ to đẹp. Nhà rường cổ ở Phước Tích được thiết kế theo lối kiến trúc 3 gian 2 chái và 1 gian 2 chái. Hiện tại cả làng còn 37 ngôi nhà rường cổ. Ngôi nhà mới nhất được xây dựng cách đây gần 100 năm, ngôi nhà cổ nhất được xây dựng cách đây 189 năm.
Nhà được lợp ngói liệt và chạm trổ hoa văn cực kỳ tinh xảo. Trong 37 ngôi nhà thì có 13 nhà làm nơi thờ tự, còn lại 24 ngôi nhà vẫn đang được sử dụng để làm nơi sinh hoạt. Nhà rường ở Phước Tích có diện tích từ 70- 130 m2, nằm trong một khuôn viên sân vườn hàng ngàn mét vuông.
Có tới 12 ngôi nhà được xếp vào loại đặc biệt quý hiếm. Một số người chủ nhà rường cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, họ phải tháo nhà rường xuống bảo quản, xong chiến tranh lại dựng lên y nguyên như cũ.
Gần đây, một số hộ dân ở Phước Tích đã phát triển, kinh doanh du lịch từ nhà rường. Đây là một hướng đi mới vừa bảo tồn làng cổ, đồng thời giúp người dân được hưởng lợi từ những giá trị vật thể do ông cha để lại. Ngoài nghỉ ngơi, khách du lịch còn được thưởng thức những món ăn dân dã thuần Việt do chủ nhà phục vụ. Hiện tại nhiều lò gốm cổ cũng đang được khôi phục, vừa công ăn việc làm cho người dân, vừa là điểm tham quan của khách du lịch.
Phước Tích là vùng đất thiêng, nơi bảo tồn lối kiến trúc rất thuần Việt và thấm đẫm tâm hồn Việt. "Phải chăng, tính cách của người xứ Nghệ, ý chí của người xứ Nghệ, dòng máu của người xứ Nghệ đã góp phần xây nên một làng cổ Phước Tích hôm nay!" Câu nói của ông Hồ Văn Tế - một người dân làng trước lúc chia tay khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng và hãnh diện.