Những bức ảnh cuộc họp kín giữa ông Trump và ông Lavrov được truyền thông Nga công bố rộng rãi đã gây tranh cãi ngay trong nội bộ nước Mỹ.
Lavrov - người luôn đưa các quan chức Mỹ vào thế khó
Chính quyền Mỹ đã bị một phen “bẽ mặt” sau khi truyền thông Nga bất ngờ công bố ảnh chụp cuộc họp kín giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Theo New York Times, đây không phải là lần đầu tiên ông Lavrov đưa các quan chức hàng đầu của Mỹ vào thế khó.
Còn nhớ, năm 2006, Ngoại trưởng Nga cũng đã khiến Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Condoleezza Rice vào tình thế bối rối khi các kỹ thuật viên quên không tắt micro trong lúc hai người dùng bữa trưa ở Moscow.
Trong sự kiện đó, các phóng viên có thể nghe rõ hai người tranh cãi về chính sách của Mỹ tại Iraq. “Điều đó có nghĩa là gì?”, bà Rice hỏi và ông Lavrov đáp lại: “Tôi nghĩ là bà hiểu”.
Ba năm sau đó, Hillary Clinton đã kỷ niệm cuộc gặp đầu tiên của bà trên cương vị Ngoại trưởng với Ngoại trưởng Nga bằng cách tặng ông Lavrov một món quà. Đó là một chiếc nút bấm màu đỏ tươi được dán tem mà bà Clinton giải thích theo tiếng Nga có nghĩa là “khởi động lại”. “Bà nhầm rồi”, ông Lavrov đáp và chỉ ra lỗi dịch thuật trong lúc những phó nháy liên tục bấm máy ghi lại khoảnh khắc này. “Nó có nghĩa là quá tải”, ông Lavrov nói.
Hôm 10/5 vừa qua, ông Lavrov tiếp tục làm Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson khó xử sau khi một phóng viên đặt câu hỏi liệu việc Tổng thống Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey có phủ bóng lên cuộc hội đàm giữa quan chức ngoại giao hai nước hay không.
Ông Tillerson quay mặt đi, không trả lời nhưng ông Lavrov tỏ vẻ ngạc nhiên thốt lên: “Ông ta bị đuổi việc à? Bạn đang đùa à? Bạn đùa phải không?"
Cuộc họp kín… nhưng “mở” với truyền thông Nga?
Sau đó, tại Nhà Trắng, ông Lavrov đã có cuộc họp kín với Tổng thống Mỹ Donald Trump, không một phóng viên nào được phép vào Phòng Bầu Dục trừ các nhiếp ảnh gia chính thức của Chính phủ mỗi nước.
Nhà Trắng được thông báo Nga có thể cử một phóng viên ảnh tham gia sự kiện, ảnh được dùng cho lưu trữ và không nhất thiết phải công bố. Nhà Trắng cũng có một phóng viên ảnh đảm nhiệm nhiệm vụ tương tự.
Điều đáng nói là sau đó, hãng tin TASS của Nga đã cho công bố rộng rãi hình ảnh ông Trump và ông Lavrov tươi cười cùng Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey I. Kislyak. TASS thuộc sở hữu của Chính phủ Nga nên một phóng viên ảnh của cơ quan này có thể coi là nhiếp ảnh gia chính thức đại diện cho phía Nga. Tuy nhiên, điều khiến một số quan chức Mỹ tức giận chính là cách TASS sử dụng những bức ảnh này bởi chúng đã được công bố rộng rãi.
"Họ đã chơi xỏ chúng ta", CNN dẫn lời một quan chức Mỹ nói.
Sự nhạy cảm trong vụ việc còn nằm ở chỗ cuộc gặp có sự tham dự của Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey I. Kislyak. Trước đó, ông Kislyak từng bị các nhà điều tra liên bang và Nghị viện Mỹ “để ý” vì có liên hệ với quan chức trong chiến dịch tranh cử của Trump. Đây cũng là một trong những lý do khiến Cố vấn an ninh Quốc gia Michael T. Flynn phải từ chức.
Lỗ hổng an ninh
Một số chuyên gia thậm chí còn gọi vụ việc là sự vi phạm an ninh khi Nhà Trắng phải đối mặt với các mối đe dọa không phải từ các phương tiện truyền thông Mỹ mà đến từ chính “đối thủ cạnh tranh” của họ là truyền thông Nga.
Theo những chuyên gia này, việc không kiểm soát được phóng viên tham dự những sự kiện tương tự có thể tạo ra những mối nguy hiểm khôn lường khi kẻ xấu hoàn toàn có thể giấu “rệp, bọ nghe lén” trong thiết bị tác nghiệp của họ để đưa vào phòng Bầu Dục.
Thượng nghị sĩ Dân chủ bang California Kamala Harris nói với CNN: “Tôi thực sự đã rất sốc khi biết điều đó xảy ra. Việc thiếu minh bạch khi báo chí lọt được vào cuộc họp đó có thể gây phiền hà”.
Tuy vậy, Nhà Trắng vẫn lên tiếng bảo vệ thỏa thuận ban đầu với Bộ Ngoại giao Nga. Phó phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói rằng, thủ tục đối với báo chí đã được thực hiện theo đúng quy định.
Bà Sanders không giải thích liệu người Nga có lừa dối Mỹ hay không. Tuy nhiên, các quan chức khác cho rằng, vụ việc không phải là điều tốt đẹp cho quan hệ Mỹ - Nga. Hai cựu quan chức dưới thời Tổng thống Obama viết trên Twitter nhận định, vụ việc đã cho thấy những nguy cơ an ninh nghiêm trọng.
Colin H. Kahl, cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Joseph R. Biden Jr nói: “Liệu có phải là một ý tưởng tốt không khi để một nhiếp ảnh gia của chính quyền Nga cùng tất cả các thiết bị của họ dễ dàng vào phòng Bầu Dục?”
“Không, hoàn toàn không”, ông David S. Cohen, cựu phó Giám đốc của CIA trả lời.
Vụ việc này thậm chí đã được đưa ra tranh luận tại phiên điều trần ngày 11/5 tại Thượng viện Mỹ về các mối đe dọa với an ninh quốc gia. Thượng nghị sĩ Angus King đã đặt câu hỏi với Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Michael S. Rogers rằng cơ quan của ông có được tham khảo ý kiến “về rủi ro của một số loại hình lan truyền trên không gian mạng hoặc thông tin liên lạc” trong những vụ việc tương tự hay không.
Ông Rogers đã trả lời “Không!” và nói thêm: “Thành thật mà nói, tôi không biết những bức ảnh đó từ đâu ra”./.
Theo VOV