(Baonghean) - Sau khi đắc cử Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đang ôm ấp những kế hoạch lớn dành cho châu Âu.

Để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện thời, nhà lãnh đạo mới muốn tăng thêm tính cộng đồng, sự đoàn kết và nhiều hơn nữa nguồn đầu tư trong khối nước. Trong khi đó, Đức lại lo ngại rằng mình sẽ trở thành “chủ chi” bất đắc dĩ.

images1899920_bna_5915ba818ac81.jpgTân Tổng thống Pháp Macron ấp ủ nhiều dự định lớn với châu Âu. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận Mới

Thỏa thuận Mới (New Deal) lần đầu tiên được nhắc đến dưới thời vị Tổng thống đảng Dân chủ của Mỹ là Franklin D. Roosevelt. Vào thập niên 30 của thế kỷ XX, trong một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Roosevelt đã chiến thắng nạn thất nghiệp và ổn định tình hình tài chính và chính trị “rối như tơ vò” của Mỹ một phần là nhờ thực hiện một chương trình đầu tư khổng lồ, bên cạnh thực thi rộng rãi các cải cách về kinh tế và xã hội. Nỗ lực tìm ra một “phương thuốc” cho những căn bệnh của xã hội dưới chủ nghĩa cực đoan chính trị theo cách thức như vậy thậm chí còn tồn tại mãi về sau.

Hiện nay, tình thế không mấy tương đồng với lúc bấy giờ. Tuy nhiên, bản thân nước Pháp cũng đang vướng vào một cuộc khủng hoảng dài hạn, với những lỗ hổng báo động đơn cử như tỷ lệ thất nghiệp cao ở ngưỡng gấp đôi con số được ghi nhận tại Đức.

Nếu nói rằng kinh đô ánh sáng đang tụt hậu trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế thì cũng không sai, khi tăng trưởng của Pháp nhiều năm qua luôn ở mức thấp, dù gần đây có dấu hiệu tăng lên nhưng thực chất cũng không đáng kể. Đáng chú ý, trong cả thập niên qua, Pháp không đạt tiêu chí về thâm hụt mà châu Âu đề ra, trong khi Đức lại liên tiếp tạo ra thặng dư. Về mặt chính trị, điều này đồng nghĩa với việc trong vòng đầu tiên bầu cử tổng thống Pháp, gần một nửa cử tri nước này đã bỏ phiếu bầu cho các ứng viên đề ra những mục tiêu ủng hộ toàn cầu hóa nhưng lại phê phán EU. Và chiến thắng của ứng viên trung dung Emmanuel Macron không hẳn đồng nghĩa với việc nhiều cử tri hoàn toàn ủng hộ ông trong vòng bỏ phiếu thứ 2, mà có lẽ nói đúng hơn là họ phản đối nhân vật cánh hữu Marine Le Pen.

Hiện Macron muốn giảm thuế doanh nghiệp và tỷ lệ chi tiêu chính phủ so với tổng thu nhập quốc dân. Ông cũng muốn giải phóng thị trường lao động. Những điều này không liên quan đến Thỏa thuận Mới, nhưng ông sẽ động đến vấn đề này trong dự án lớn thứ 2 của mình, tức một chương trình đầu tư cho toàn bộ khu vực đồng euro (Eurozone). Chương trình này cần được rót vốn từ nguồn ngân sách chung của EU.

Thỏa thuận Mới được thông qua khi nước Mỹ trải qua khủng hoảng những năm 1930. Ảnh: pa

Đức nhấn mạnh các quy định

Cụm từ “Thỏa thuận Mới cho châu Âu” đã được đề cập trong chuyến thăm của ông Macron tới Đức hồi tháng 3, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, điều mà Macron đang ấp ủ trong đầu đã được vạch ra giấy từ 2 năm trước khi còn là bộ trưởng kinh tế, cùng với người đồng cấp thời ấy ở Berlin là Sigmar Gabriel - hiện giữ chức Ngoại trưởng Đức. Nội dung của ý tưởng này bao gồm việc củng cố Eurozone thông qua một ngân sách chung, cũng như thành lập “các cơ quan thực thi quyền lực” trong khu vực đồng Euro, chẳng hạn như một “phòng Euro” và một “ủy ban Euro”. Mục tiêu là nhằm tạo ra sự thống nhất về kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, Macron cũng đã nhiều lần đề cập tới ý tưởng các nước châu Âu cùng gánh vác tránh nhiệm giải quyết các vấn đề liên đới.

Tuy nhiên, với phe bảo thủ trong Đại Liên minh tại Berlin, điều này có vẻ đang đi quá xa. Ngân sách kết hợp và trách nhiệm chung đến tai giới chính khách Liên minh dân chủ cơ đốc giáo (CDU) lại giống với việc chuyển trách nhiệm từ Pháp sang đôi vai những người nộp thuế ở Đức. Thủ tướng Đức Angela Mekel ngay tắp lự đã đáp trả: “Dĩ nhiên là sự ủng hộ của nước Đức không thể thay thế hoạt động chính trị của Pháp”. Người phụ nữ lãnh đạo đầu tàu kinh tế châu Âu cũng thẳng thừng phản đối ý tưởng trái phiếu châu Âu Eurobond. 

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble đích thực là một nhân vật ủng hộ việc củng cố sức mạnh khối Eurozone. Thế nhưng, quan điểm của ông lại nghiêng nhiều hơn về thực thi kỷ luật với ngân sách hao hụt. Trả lời phỏng vấn trên tờ báo Italy La Repubblica, khi đề cập tới Pháp, ông nói: “Quan điểm đơn giản thôi: Nếu chúng ta tạo ra quy tắc, thì chúng ta cũng phải áp dụng chúng”. Mới đây, tại Đại học Viadrina châu Âu ở Frankfurt Oder, ông cũng tuyên bố: “Nước Pháp lớn và mạnh đến nỗi họ không cần sự giúp đỡ từ nước ngoài”. Nói cách khác, Schäuble gật đầu với vấn đề cung cấp hỗ trợ thật, nhưng với điều kiện là chẳng phải bỏ ra đồng nào!

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cho rằng Pháp phải tuân thủ luật. Ảnh: Reuters

Sợ Le Pen thành đòn bẩy?

Giữa các chính khách và các nhà bình luận chính trị hiện đang có 2 luồng ý kiến trái chiều. Một số người cáo buộc chính phủ liên bang Đức “keo kiệt” và sẽ sớm phải hối tiếc vì điều đó; trong khi số còn lại xem kế hoạch của Macron là sự phân bổ chi phí không biết xấu hổ, bắt Đức phải chi tiền.

Theo Gregory Claes, thuộc nhóm chuyên gia tư vấn Bruegel trụ sở ở Brussels, vì lý do chiến thuật nên Macron ít nhất sẽ tuân thủ làm việc theo đúng trình tự. “Ông ta trước hết nên tập trung vào các cải cách trong nước và cố thể hiện rằng ông ta muốn tuân thủ các quy định về sự ổn định”, Claes nói. “Điều này sẽ giúp ông ta giành lại sự tín nhiệm của Đức và các nước Bắc Âu khác”. Theo đó, nhiều khả năng tân lãnh đạo Pháp sẽ không dám tiến tới các ý tưởng cải cách châu Âu trước cuộc bầu cử liên bang Đức. 

Mặt khác, nhà khoa học chính trị Ulrike Guerot tại Berlin lại tin rằng Macron sở hữu đòn bẩy chính trị đối với Đức. Ông nói với hãng thông tấn DPA: “Ông ta có thể đưa Anh ra làm ví dụ. Đức sẽ mất rất nhiều khi một quốc gia “phá lệ”. Macron có thể nói rằng “Nếu anh không giúp tôi thì lần tới anh sẽ phải đối phó với Marine Le Pen’”. Tuy nhiên, “tống tiền” cũng có thể châm ngòi căng thẳng. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, giữa lúc chiến dịch bầu cử trên toàn nước Đức đang diễn ra, phe hoài nghi EU có thể được lợi nếu chính quyền liên bang Đức khiến người ta nghĩ rằng họ đang chịu sức ép từ Pháp.

Xét từ góc độ chính trị, nhiều người tin rằng có nhiều thứ phải lo hơn khía cạnh kinh tế. Thỏa thuận Mới ở Mỹ từng giúp nền dân chủ vững mạnh, bất chấp khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Song tại Đức và các nước khác, tình hình rất khác. Elmar Brok, một thành viên Nghị viện châu Âu xuất thân từ CDU và theo sát sự phát triển của EU trong nhiều thập niên qua nêu nhận định: “EU đang tan rã. Emmanuel Macron là cơ hội cuối cùng. Chúng ta cần phải làm điều gì đó”. Tuy nhiên, cần phải làm gì mới đúng thì vẫn đang là vấn đề bỏ ngỏ được bàn cãi rất nhiều.

Thu Giang (Theo DW)

TIN LIÊN QUAN