Bé Trần Phạm Bảo Trâm (xã Cẩm Sơn, Anh Sơn) sinh ra bụ bẫm, nặng 4,1kg trong niềm vui vô bờ bến của đại gia đình. Bé phát triển bình thường đến tháng thứ 7 thì có những biểu hiện lạ. Không biết lật, không lẫy, chỉ nằm một chỗ, hai chân duỗi thẳng, cứng khớp, khó cử động. Đặc biệt bàn chân có hiện tượng nhỏ lại. Gia đình đã đưa bé đi khám và được bác sỹ chẩn định: bé bị bại não và tim bẩm sinh.
Chị Phạm Thị Hà (Cẩm Sơn, Anh Sơn), mẹ của bé tâm sự, từ ngày cháu bị bệnh, cả nhà đã đưa đi khắp các bệnh viện trong và ngoài tỉnh để chữa trị. Đến khi đưa đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, bệnh của cháu có nhiều tiến triển.
Chị Hà tâm sự: "Từ ngày con bị bệnh, đêm nào tôi cũng khóc. Khóc vì không hiểu tại sao con mình sinh ra lại bị ngay bệnh bẩm sinh như thế. Giờ chỉ mong có sức khỏe để cùng con đi hết những chặng đường khó khăn phía trước”.
Cũng nằm điều trị ở khoa của bé Bảo Trâm là cháu Nguyễn Văn Bảo Lâm (5 tuổi) ở xã Khai Sơn (Anh Sơn) bị suy tim bẩm sinh. Sau khi mổ tim ở Hà Nội bé được các bác sỹ phát hiện bị bại não.
Dù đã 5 tuổi nhưng Bảo Lâm không đi được, phát âm kém, phải có người phục vụ từ ăn, ngủ, vệ sinh. Bà Nguyễn Thị Cầu - bà ngoại Bảo Lâm cho biết: Bố mẹ bận đi làm ăn, ngay từ khi 1 tuổi, bà đã đồng hành cùng cháu ngoại Bảo Lâm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng bệnh không tiến triển. Qua tìm hiểu, được biết Bệnh viện PHCN Nghệ An là địa chỉ tin cậy có thể phục hồi, điều trị bệnh bại não. Nhớ lại quãng thời gian bà cháu đồng hành cùng nhau, bà Cầu không khỏi xót xa: “Thương cháu mà không biết làm cách nào. Chỉ cần nhìn thấy ngày hôm nay cháu có thể tự cử động cái tay, cái chân là đã vui lắm rồi”.
Di chứng nặng nề
Trao đổi với Thạc sỹ, bác sỹ Thái Thị Xuân – Giám đốc Bệnh viện PHCN Nghệ An được biết, các triệu chứng của bại não có thể nhẹ nhàng hoặc rất nặng nề ở các trẻ khác nhau tùy theo tổn thương não nhưng ở một trẻ nhất định thì triệu chứng không nặng lên khi trẻ lớn hơn. Nói một cách khác, bại não là một bệnh tĩnh, nghĩa là các tổn thương đã định hình và không tiến triển xấu hơn nữa. Nếu được điều trị, phần lớn trẻ em bại não có thể cải thiện đáng kể được những khả năng của mình. Điều này rất quan trọng để phân biệt bại não với các tình trạng tổn thương thần kinh khác có tổn thương não hoạt động và do đó triệu chứng tâm thần vận động sẽ càng ngày càng nặng hơn. Bệnh bại não thường được chẩn đoán khi trẻ lên 2 đến 3 tuổi.
Khoảng 2 đến 3 trẻ trong khoảng 1.000 trẻ ở độ tuổi lên ba mắc bệnh bại não. Có khoảng 500.000 trẻ em và người lớn ở mọi lứa tuổi trên toàn quốc mắc bệnh bại não. Trẻ bại não thường sẽ kiểm soát đầu cổ và thân mình kém, do đó tất cả những mốc vận động tiếp theo như lẫy, ngồi, bò, quỳ, đứng, đi... đều bị ảnh hưởng. Việc kiểm soát đầu cổ kém cũng là dấu hiệu đầu tiên để nghi ngờ bất thường ở trẻ trước 6 tháng tuổi. Đối với việc kiểm soát đầu cổ và thân mình kém, các nhà chuyên môn, kỹ thuật viên phục hồi chức năng sẽ phải thực hiện.
Giải pháp điều trị
Theo bác sỹ Thái Thị Xuân – Giám đốc Bệnh viện PHCN Nghệ An thì việc tập phục hồi chức năng cho trẻ bại não nên bắt đầu càng sớm càng tốt vì sẽ tránh được các biến dạng co rút cơ, khớp và giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động sớm. Việc tập phục hồi chức năng cho trẻ bại não phải kiên trì, lâu dài, chứ không thể một sớm một chiều là cải thiện được bệnh của trẻ. Cũng có trường hợp, việc tập này kéo dài gần như cả cuộc đời.
Nguyên tắc phục hồi chức năng cho trẻ bại não là để ức chế sự phát triển bất thường của cơ thể trẻ. Chẳng hạn, trẻ bị cổ yếu không ngóc lên được và đầu bị ưỡn ra thì các bài tập sẽ giúp ức chế cổ không ngửa ra, linh hoạt hơn. Ngoài ra, việc tập còn để kích thích trẻ, tạo cho trẻ tăng cường sức mạnh của cơ đối với những trẻ bị yếu cơ gây mềm oặt người. Đặc điểm việc tập phục hồi chức năng cho trẻ bại não là mỗi bé cần có bài tập riêng, không tập theo nhóm. Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, các bé được các kỹ thuật viên hướng dẫn tỉ mỉ từng phương pháp tập. Không chỉ tập riêng cho bé, bác sĩ, kỹ thuật viên còn tập cho trẻ theo nhóm để trẻ vừa tập, vừa được chơi với bạn bè qua đó sớm hội nhập với các bạn đồng lứa.