Thời điểm này, vùng mía nguyên liệu trên địa bàn huyện Tân Kỳ đang giai đoạn đẻ nhánh, phát triển chiều cao. Cùng với đó, bà con nông dân đang tích cực làm cỏ, bón thúc và phòng chống sâu bệnh cho cây mía.
Bà Nguyễn Thị Như ở xóm Long Thọ, xã Giai Xuân đang tích cực làm cỏ mía, cho biết: Gia đình có diện tích 1,4 mẫu mía, trong đó 9 sào mía trồng mới bằng giống KK3, còn lại 5 sào là mía lưu gốc. Giống mía KK3 có ưu điểm đẻ nhánh mạnh, cây khỏe, khả năng sẽ cho năng suất cao hơn các giống mía khác mà gia đình trước đây từng trồng. Do gia đình ít người, nên vợ chồng bà tranh thủ thời gian thuê máy xả luống đối với 5 sào mía lưu gốc để bón thúc phân NPK. Còn 9 sào mía trồng mới, do cây mía phát triển mạnh, nên bộ lá dày đặc, không thể cày xả luống được, nên sau khi làm sạch cỏ mới bón phân trực tiếp vào gốc mía. Cũng trong thời điểm này, vợ chồng bà thường xuyên thăm đồng, chú ý quan sát bẹ lá của cây mía, nếu phát hiện có rệp xơ bông trắng, xử lý bằng cách ngắt cả tàu lá mía đem đốt.
Quá trình trồng mía, gia đình bà Như được Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con cung ứng giống, phân bón và các loại vật tư khác kịp thời, nên ruộng mía của gia đình bà trồng đúng thời vụ, phát triển tốt, dự kiến cuối năm thu hoạch khoảng 45 - 50 tấn mía.
Anh Nguyễn Công Phú - Trưởng Trạm nguyên liệu số 1 (Công ty cổ phần Mía đường Sông Con), tại xã Giai Xuân cho biết: Trạm hiện có 13 cán bộ nông vụ, phụ trách vùng nguyên liệu mía trên địa bàn 7 xã: Giai Xuân, Tân Hợp, Tân Xuân, Tân Phú, Nghĩa Thái, Nghĩa Đồng và Nghĩa Hợp. Mỗi cán bộ nông vụ được giao phụ trách địa bàn cụ thể. Theo đó, từ khi làm đất đến thu hoạch, cán bộ nông vụ có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn và theo dõi tiến độ trồng và chăm sóc mía của từng gia đình. Vì thế trong quá trình thu hoạch mía, cán bộ nông vụ nắm chắc độ tuổi của từng đám mía để cấp lệnh thu hoạch mía phù hợp. Anh Phú cho biết thêm: Hiện nay anh em cán bộ nông vụ của trạm thường xuyên bám ruộng, bám đồng, ngoài đôn đốc bà con chăm sóc mía, còn hướng dẫn bà con cách phát hiện rầy và xử lý rầy. Hàng ngày, các cán bộ nông vụ ra đồng mía, cùng với bà con quan sát tình hình rầy và các loại sâu bệnh khác. Nếu phát hiện có rệp xơ bông trắng là xử lý ngay. Với mật độ rầy thấp thì xử lý bằng thủ công, mật độ dày, Công ty sẽ cấp thuốc BVTV cho bà con phun thuốc.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con, ông Nguyễn Bá Quý cho biết: Thời điểm này, công ty đang tập trung huy động đội ngũ cán bộ nông vụ bám đồng, bám ruộng để có dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh trên cây mía, đồng thời hướng dẫn bà con chăm sóc mía đúng quy trình kỹ thuật.
Trong khi đó, bệnh chồi cỏ trên cây mía hiện nay đang được kiểm soát tốt.
Được biết, niên vụ mía này, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con có chính sách hỗ trợ người trồng mía: Đối với mía trồng mới, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con hỗ trợ bà con khâu làm đất, cung ứng kịp thời giống, phân bón. Với diện tích mía lưu gốc, nếu bà con chăm sóc đúng quy trình, sử dụng đúng số lượng phân bón do nhà máy cung ứng, thì được nhà máy hỗ trợ dịch vụ chăm sóc. Công ty cũng cung ứng thuốc BVTV cho bà con phòng trừ sâu bệnh, trước mắt là thuốc diệt rệp xơ bông trắng. Hiện nay vùng nguyên liệu mía của công ty trên 6.000 ha, trải dài trên các huyện: Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn...Một niên vụ mía có thời gian đầu tư 9 - 10 tháng, thậm chí lên đến 12 tháng, tất cả vốn liếng của mỗi hộ dân Tân Kỳ đều đầu tư vào loại cây trồng này và đồng mía cũng là khoản thu nhập chính của họ. Chính vì thế, chủ động trong sản xuất, hạn chế được dịch bệnh tấn công sẽ góp phần giúp nông dân trồng mía gặt hái được những thắng lợi trong canh tác.
Rệp xơ bông trắng thường gây hại trên mía quanh năm, nặng nhất từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau. Khi phát hiện mía bị nhiễm rệp, bà con nông dân phải thực hiện bóc lá, vệ sinh đồng ruộng và sử dụng thuốc Anbom 40EC hoặc Anbom 48EC để phun. Trường hợp rệp phát sinh trên diện rộng cần phun đồng loạt trên phạm vi toàn vùng.