Bước qua lầm lỡ

Tại ngôi nhà nhỏ ở bản Xốp Nhị, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, niềm vui hạnh phúc đã trở lại đối với vợ chồng anh C.V.P và chị V.T.T sau bao tháng ngày cả hai đều dính vào vòng lao lý. Khi chưa vướng vào lao lý, gia đình anh C.V.P làm nông nghiệp, sống cuộc sống giản dị như bao gia đình khác ở bản làng miền núi. Tuy nhiên, năm 2014, anh C.V.P gặp một số đối tượng và bị rủ rê lao vào con đường buôn bán trái phép chất ma túy. Chẳng bao lâu sau đó, anh P. bị Công an huyện Kỳ Sơn phát hiện, bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Sau đó, anh bị tòa tuyên 4 năm tù giam. Sóng gió chưa dừng lại ở đó, sau khi chồng chấp hành án tù được 2 năm thì năm 2015 đến lượt vợ anh cũng bị bắt và kết án 4 năm tù cùng tội danh tàng trữ trái phép chất ma túy. Cả hai vợ chồng cùng vào tù, cô con gái duy nhất phải gửi ông bà hai bên thay nhau nuôi dưỡng, gia đình lâm vào cảnh bi đát, nhà cửa bỏ hoang.

Năm 2018, anh C.V.P mãn hạn tù trở về nhà, đón con gái về chăm sóc, cuộc sống chật vật khó khăn. Lãnh đạo xã Hữu Lập cho biết, thời gian đầu ra tù anh C.V.P biểu hiện chán nản, nguy cơ bị các đối tượng xấu lôi kéo quay trở lại con đường lầm lỡ nên chính quyền đã cùng với Công an xã, Công an huyện Kỳ Sơn thường xuyên gặp gỡ, động viên gia đình cố gắng vươn lên. Đồng thời, liên hệ với các công ty, doanh nghiệp giúp anh C.V.P có việc làm, ổn định cuộc sống.

bna_cong_an_ky_son5865618_2222022.jpgCông an Kỳ Sơn ra mắt mô hình “Hệ thống chính trị và doanh nghiệp chung tay góp sức giúp đỡ, giáo dục người tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Hữu Lập. Ảnh công an cung cấp

Và từ năm 2015, khi được một công ty xây dựng trên địa bàn huyện nhận vào làm việc, anh P. đã có thu nhập ổn định, yên tâm tư tưởng làm lại cuộc đời, tránh xa những cám dỗ. Năm 2020, vợ anh P. cũng mãn hạn tù trở về, và cũng được doanh nghiệp nơi chồng làm việc nhận vào làm công nhân. Cả hai vợ chồng cùng có việc làm, thu nhập tăng lên nên càng tu chí, chăm chỉ lao động và quyết tâm đoạn tuyệt với những lỗi lầm trong quá khứ.

“Hai vợ chồng anh C.V.P nay không chỉ có việc làm, thu nhập ổn định mà còn tích cóp xây được căn nhà mới khang trang, con gái cũng đã lấy chồng. Chính quyền và các lực lượng chức năng chúng tôi luôn quan tâm, động viên để gia đình họ tiếp tục vươn lên. Đây là một trong những trường hợp chúng tôi đã giúp đỡ thành công sau khi triển khai mô hình: “Hệ thống chính trị và doanh nghiệp chung tay góp sức giúp đỡ, giáo dục người tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Hữu Lập. Thời gian tới, lực lượng Công an sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện để giúp thêm nhiều người lầm lỡ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, đóng góp tích cực cho xã hội”, Trung tá Nguyễn Ngọc Thọ - Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết.

Tính đến nay, huyện Kỳ Sơn có 422 người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có 33 người đã tìm được việc làm ổn định, 51 người có việc làm thời vụ, 24 người già yếu, quá tuổi lao động.

Tăng cường tuyên truyền, phối hợp

Không chỉ ở huyện Kỳ Sơn, thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh, công tác tuyên truyền, chung tay giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng luôn được các cấp, ngành quan tâm.

Thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công an, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn chỉ đạo về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn, như: Kế hoạch 401/KH UBND ngày 21/7/2021 về triển khai công tác đặc xá năm 2021; Công văn số 6415/UBND ngày 01/9/2021 chỉ đạo tổ chức giao, nhận, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá; Công văn số 8108/UBND-CN ngày 26/10/2021 về việc tạo điều kiện cho phạm nhân chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú...

Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng và thực hiện kết luận thanh tra, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 8063/UBND-NC ngày 25/10/2021 về tăng cường công tác tuyên truyền về tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung trọng tâm của Công văn 8063/UBND-NC yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các cấp tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tái hòa nhập cộng đồng; quyền và nghĩa vụ của công dân, người chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá; tuyên truyền gương cá nhân, mô hình điển hình về tái hòa nhập cộng đồng... 

Lực lượng Công an các thôn bản tuyên truyền pháp luật đến từng người dân. Ảnh tư liệu: Hoài Thu

Triển khai các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch phối hợp với Trường Trung cấp kỹ thuật và nghiệp vụ Vinh tổ chức 04 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 61 phạm nhân chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh, gồm 02 lớp nghề Nề dân dụng, 01 lớp nghề Kỹ thuật điện, 01 lớp nghề Gia công cốt thép. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, UBND cấp xã đã phối hợp Tòa án các cấp lập 1.490 hồ sơ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng để tổ chức quản lý, giám sát, giáo dục theo quy định của pháp luật. Còn các địa phương đã tiếp nhận, giúp đỡ 1.572 người chấp hành xong án phạt tù, 72 người được đặc xá trở về ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, lực lượng Công an và chính quyền địa phương đã phối hợp triển khai xây dựng mới 04 mô hình về công tác tái hòa nhập cộng đồng. Đó là mô hình: "Chung tay cảm hóa, hướng nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù" tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương; "Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng" tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn; "Tái hòa nhập cộng đồng" tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai: "Hệ thống chính trị và doanh nghiệp chung tay góp sức giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng" tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho học sinh là hoạt động thường xuyên được duy trì của lực lượng công an. Ảnh tư liệu

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các cấp ngành tiếp tục phối hợp tuyên truyền sâu rộng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước về giúp đỡ người được đặc xá trở về địa phương. Trên cơ sở tình hình thực tế, các cấp ngành có thẩm quyền sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tại Công an các đơn vị, địa phương theo chuyên đề riêng hoặc lồng ghép các chuyên đề khác bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, kiến nghị kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện; rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng.