Tại Nghệ An, thường xuyên phải quản lý trên 300 người có án phạt tù đang được tại ngoại, trên 2.000 người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng; hơn 8.000 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú.
Tính đến tháng 4/2019, đã có 153 người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trở về địa phương và số lượng này đang có xu hướng tăng. Điều này đang làm gia tăng áp lực cho công tác quản lý đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, đặt ra yêu cầu về con người, cơ sở vật chất, kinh phí… Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế cụ thể để tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ, đúng quy định các đối tượng này, không để xảy ra tình trạng tái phạm tội, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng có hiệu quả.
Mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tha tù trước thời hạn có điều kiện trên địa bàn tỉnh. Từng bước đưa công tác này trở thành hoạt động thường xuyên, chặt chẽ, có hệ thống, ngày càng ổn định và đi vào nề nếp, góp phần đảm bảo ANTT ở cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Theo dự thảo đề án, UBND cấp xã có trách nhiệm phân công người quản lý, giám sát, giáo dục và yêu cầu người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Định kỳ nhận xét, đánh giá quá trình chấp hành thời gian thử thách, lưu hồ sơ; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi có dấu hiệu vi phạm.
Gia đình của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện kịp thời phát hiện, thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật của những người này.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh, mục tiêu của đề án đang còn chung chung; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được đề cập sâu. Đề án chưa đề cập chế tài, trách nhiệm quản lý những đối tượng được tha trù trước thời hạn có điều kiện sau khi về địa phương sẽ như thế nào.
“Đối với một địa bàn rộng như Nghệ An, thì việc cấp xã phân công người quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện liệu có phù hợp, hiệu quả không?", ông Lê Hồng Vinh băn khoăn.
Sau khi nghe ý kiến của các ngành, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo làm gọn hơn các phần về mục tiêu, nhiệm vụ của đề án; gắn liền với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cơ quan soạn thảo cũng cần làm rõ nguồn kinh phí để thực hiện dự án, hệ thống quản lý những người này như thế nào.