(Baonghean) - Nhiều năm qua, cựu chiến binh trên địa bàn huyện Nghi Lộc hăng say lao động, thi đua sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương. Trong nhiều điển hình đó có cựu chiến binh Lê Viết Trung ở xóm 10, xã Nghi Trường với nghề trồng cây cảnh.
Đến thăm vườn cây cảnh của ông Lê Viết Trung vào một ngày cuối tháng 12, được tận mắt ngắm nhìn hàng trăm cây cảnh đẹp với đủ kiểu dáng được tạo nên từ tài năng, niềm đam mê và ý chí vươn lên làm giàu của người cựu chiến binh này khiến chúng tôi cảm phục. Với giọng nói và nụ cười thân thiện, ông Trung cho biết: Sau khi rời quân ngũ vào năm 1976, trở về địa phương, kinh tế gia đình thuần nông hết sức khó khăn, cùng thời gian đó ông lập gia đình ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Lúc đầu chỉ nghĩ đến việc đủ ăn, hai vợ chồng ra sức cải tạo ruộng vườn trồng trọt, kết hợp chăn nuôi, thả cá. Nhờ cần cù chịu khó, áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật nên mô hình của gia đình ngày càng cho năng suất cao, kinh tế được cải thiện, đủ trang trải hết nguồn vốn vay và đầu tư cho con cái ăn học đầy đủ.
Đến năm 1990, được bà con tín nhiệm, ông giữ chức chủ nhiệm HTX. Lúc này, nhờ đã tích cóp được ít vốn nên 2 vợ chồng bàn nhau mở cửa hàng bán phân bón phục vụ sản xuất của bà con. Không dừng lại ở đó, với sự cần cù năng động, ông nắm bắt kịp thời xu hướng của thị trường để tìm ra hướng đi mới hiệu quả... Sau khi khăn gói “tầm sư học đạo”, thăm quan các mô hình trồng cây cảnh ở nhiều địa phương, ông trở về mạnh dạn chuyển đổi diện tích ao, vườn trước đây chỉ chuyên trồng rau, thả cá sang trồng cây cảnh. Gần 20 năm gắn bó với cây cảnh, đến nay ông Trung đã sở hữu một vườn cây lên tới hàng trăm loại, từ lộc vừng, tùng la hán, cây sung, cây si đến các loại hoa...
Nhiều cây cảnh ông dày công chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng, thế đẹp nên có giá trị hàng trăm triệu đồng. Nhờ phát triển cây cảnh, biết làm giàu từ cây cảnh, đến nay gia đình ông Trung đã trở thành hộ giàu của xã, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu về trên 400 triệu đồng. Những năm gần đây, thị trường cây cảnh chững lại nhưng mỗi năm ông cũng thu về trên 200 triệu đồng. Ông Trung chia sẻ: “Có trồng, chơi cây cảnh mới biết, không phải ai muốn là cũng có thể làm được, bởi chơi cây cảnh là một nghệ thuật, người chơi cây cảnh ngoài việc có một vốn kiến thức nhất định thì phải yêu cây, tâm huyết với cây và phải cần cù, tỉ mỉ, có như vậy mới làm cho cây trở thành những tác phẩm nghệ thuật…
Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu làm sân vườn, bố trí tiểu cảnh của các gia đình, cũng như các trường học, cơ quan… ông Trung đã nhanh nhạy thành lập được tổ thợ gồm có 6 người chuyên thi công về lĩnh vực này. Từ chỗ thi công một vài công trình cho các hộ gia đình, đến nay ông đảm nhận hàng chục công trình lớn nhỏ trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Anh Nguyễn Văn Hùng, một thành viên tổ thợ, cho biết: “Nhờ sự năng động của bác Trung mà anh em chúng tôi có việc làm thường xuyên, hết công trình này đến công trình khác. Cứ mỗi ngày công, anh em được trả 200.000 đồng nên ai nấy đều phấn khởi, tận tâm với công việc…”.
Năm nay, ông Trung đã bước vào tuổi 70, nhưng với sự nhanh nhẹn vốn có, ông như trẻ hơn so với tuổi “thất thập”. Với ông, giờ đây trồng cây cảnh không chỉ là làm kinh tế mà còn là một thú vui, một đam mê, nơi mà ông có thể gửi gắm cảm xúc, niềm vui thông qua những kiểu dáng, những thế cây khác nhau. Khi đánh giá về người cựu chiến binh năng động này, ông Nguyễn Duy Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Trường cho rằng: “Không chỉ là một người đam mê cây cảnh, biết làm giàu từ nghề trồng cây cảnh mà ông Trung còn là một cựu chiến binh tiêu biểu, luôn tận tình, giúp đỡ nhiều hội viên khác cùng phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và góp sức thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương…”.
Quảng An