(Baonghean) - Hơn 5 giờ sáng, đang mơ màng trong giấc ngủ rốn, điện thoại đổ chuông. Bốc máy, một giọng lạ: - Anh ơi, rươi Lên! vào nhanh còn kịp. Hoá ra đó là Trần Công Hoan - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Nhân. Vội soạn mấy thứ đồ nghề, tôi trực chỉ Hưng Nhân, đến với... rươi!.
Hàng năm vào cữ từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch những ngày tối trời, theo con nước, rươi xuất hiện trên từng khoảng ruộng, để giao phối. Đấy là mùa sinh sản, cũng là mùa thu hoạch của người nông dân trên đồng ruộng của mình. Dọc theo triền sông Lam từ Hưng Lợi, Hưng Nhân, Hưng Khánh... đều có rươi. Nhưng nhiều nhất vẫn là Hưng Lợi, Hưng Nhân. Theo hướng dẫn của Phó Bí thư Hoan, chúng tôi đến cánh đồng của bà con xóm 6, Hưng Nhân. Lúc này, không khí tấp nập của ngày hội bắt rươi đã bắt đầu; cánh đồng rộng hàng chục ha, từng khoảng ruộng theo diện tích của từng nhà được quây kín lưới. Theo dòng chảy, rươi trôi về cuối dòng, được lưới cước chặn lại, tụ thành đám, người bắt rươi chỉ việc chao vợt xúc lên đổ vào các chậu, thùng đã để sẵn. Vừa nhanh tay chao vợt xúc rươi vừa vui chuyện với khách, chị Nguyễn Thị Thắng cho biết: Nhà có dăm sào ruộng, chỉ một sào nằm trong vùng đất có rươi. Một sào “ruộng rươi” bằng dăm sào lúa, mọi thứ trông chờ vào rươi chứ trồng lúa cũng chỉ để lấy cái “gạo sạch” khỏi mua. Từ đầu mùa rươi đến nay nhà cũng đã được vài yến, theo đà này đến hết mùa cũng được dăm yến. Mà 1 yến rươi bán tại ruộng cũng thu về khoảng 3,5 triệu đồng...
Đến ruộng của xóm 2, gặp ông Phan Văn Liễu đang ngồi nhẩn nha hút thuốc trong khi ruộng nhà ông rươi lên một lúc một nhiều. Thấy lạ trước phong thái ung dung của ông, hỏi thì ông bảo: Không được vội phải chờ rươi đẻ xong đã; đoạn ông chỉ cho chúng tôi những con rươi vừa bơi vừa phun dải sữa trắng xóa phía sau, đó là rươi đang đẻ. Ông bảo: Chờ rươi đẻ xong để lấy giống cho mùa sau rồi hẵng bắt! Các chú thấy rươi trong ruộng nhà tôi có nhiều hơn ruộng nhà khác không. Quả là rươi trong ruộng nhà ông nhiều gấp mấy lần ruộng nhà khác. Từ đầu mùa đến nay nhà ông đã thu về gần một tạ rươi...
Về xóm 1 - “trung tâm rươi” của Hưng Nhân. Khác với cách của ông Liễu. Ông Hồng - một lão nông biết chăm chút cho mùa rươi và bà con xóm 1 lại có cách làm khác. Qua nhiều năm theo dõi, bà con thấy ruộng nào có độ mùn cao là ruộng đó lắm rươi nên đã “sáng tạo” ra cách dụ rươi đến. Hàng năm sau vụ hè thu mỗi sào ruộng vài xe phân chuồng đổ xuống cày vùi cùng với gốc rơm rạ. Phân hoai trở thành nguồn thức ăn cho rươi phát triển. Mùa trồng lúa, nhất là vụ hè thu, ruộng có sâu bệnh cũng không được phun thuốc trừ sâu, nếu phun thuốc để cứu lúa mùa đó sẽ không có rươi hoặc rất ít. Cũng theo kinh nghiệm của ông Hồng, lúc nước thủy triều rút mặt ruộng phải khô thì mới có rươi, nên công tác thủy lợi được bà con chú trọng. Chỉ vào nếp nhà “tinh lim” đã lên nước, ông cho biết đó là một phần nhờ rươi. Con rươi đã một phần làm thay đổi cuộc sống của bà con Hưng Nhân. Nhà ông có 5 sào ruộng, trong đó có 3 sào có rươi “vào”, hàng năm thu chừng 1,5 tạ rươi, bán được khoảng sáu chục triệu đồng, quả là “lộc trời”!
Theo Phó Bí thư Đảng ủy Nguyễn Công Hoan, vài năm lại nay con rươi đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của bà con nông dân. Xã có 140 ha trồng lúa, mỗi năm thu về 900 tấn thóc với giá trị khoảng 1 tỷ đồng. Cả xã có khoảng 30 ha ruộng trong vùng có rươi, theo thống kê chưa đầy đủ mỗi năm cũng thu về hơn 3 tỷ đồng từ con rươi, gấp 3 lần trồng lúa. Để bảo vệ nguồn lợi từ thiên nhiên ban tặng, xã cũng đã có khuyến cáo bà con trong vùng có rươi thận trọng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên chân ruộng nhà mình. Mặt khác, bản thân ông cũng như chính quyền địa phương có mong muốn các nhà khoa học vào cuộc để nghiên cứu, duy trì phát triển vùng rươi để biến đó thành nguồn thu nhập ổn định giúp người dân xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu trên ruộng đất quê mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Anh Tuấn - Vĩnh Hoàng