(Baonghean.vn)- Đầu Xuân Kỷ Sửu (2009), GS TS. Nguyễn Tài Cẩn về Vinh ăn Tết muộn, chúng tôi tháp tùng Thầy lên Đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết, cuối chiều trở về thầy trò vào nhà hàng Hương Giang. Tiếng là mời Thầy dùng cơm, suốt hai tiếng đồng hồ mọi người cứ nâng lên đặt xuống để được nghe chuyện Thầy kể”.
Thầy cho biết, sinh ra và lớn lên trên xứ Nghệ nhưng thời gian Thầy sinh sống ở Nghệ không nhiều. Trước đây, thầy chỉ đọc cụ Bùi Dương Lịch, và một số bài viết về Nghệ An, nên hiểu rất ít về quá khứ của xứ Nghệ mình. Vì vậy, nguyên do để Thầy tự tìm đọc về Nghệ cũng bởi một lần ông thầy người Pháp dạy Địa lý gọi lên bảng.
- Anh quê ở đâu?
- Tôi là người Nghệ.
- Thành Diễn Châu xây bằng đá gì?
- Tôi chưa đi qua Diễn Châu nên không biết.
- Trời ơi! Là người Nghệ học Địa lý, Thành Diễn Châu xây bằng đá gì cũng không biết?
Con điểm zêrô (0) ấy Thầy nhớ suốt đời, nó tạo cho mình thói quen quan sát. “Khai môn kiến sơn”, có mở cửa mới thấy núi. Giới nghiên cứu nước ngoài đặt vấn đề nghiên cứu tiếng địa phương của ta, họ nghiên cứu về ta rất sâu, ta thì chưa có ai đi sâu vào lĩnh vực này. Nhiều chuyện ta chưa nghiên cứu sâu nên ta không hiểu sâu những tập tục đã thành máu thịt của dân bản địa, do đó có nơi có lúc mình còn sơ sài, dùng biện pháp hành chính di dân người Rục, người Mông, làm nhà rông... đều trật. Vì vậy, việc nghiên cứu sâu tính địa phương là vô cùng cần thiết. Về ngôn ngữ cũng vậy, về các mặt khác cũng vậy. Mình chưa hiểu đủ về mình thì cũng chưa thể hiểu đủ thế giới, mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới họ sẽ hiểu mình hơn mình, vì họ hơn mình 2 thế kỷ phương pháp, họ đi trước mình nên họ biết trước mình.
GS Nguyễn Tài Cẩn (giữa) với các thế hệ học trò. Ảnh T.H (st)
Tìm hiểu giai thoại, truyền thuyết, rồi qua người này người kia, nên điều biết để nói về xứ Nghệ, với Thầy là rất khó. Nói một cách nghiêm túc khoa học là Thầy chưa biết, vì chỉ đọc mỗi Bùi Dương Lịch là chưa đủ.
Đi vào nghiên cứu tính địa phương thì Nghệ Tĩnh là vùng đất ghê gớm, tương lai trả lời thế nào chưa biết, nhưng đây là một vùng phải nghiên cứu. Xứ Nghệ nguyên là vùng biên giới cũ, trong nữa là Chàm, đến thế kỷ 13 chẳng hạn, Nguyễn Trung Ngạn đã đề cao Vinh với một đoạn đê sông La (nay thuộc Đức Thọ - Hà Tĩnh) làm tuyến phòng thủ.
Ngay như chuyện kháng chiến chống Pháp, khi chủ trương tiêu thổ kháng chiến vườn không nhà trống, ba vạn người dân Thị xã Vinh ngày ấy tự đập nhà mình mà ra đi. Đi mà chưa biết ở đâu, sống chết ở đâu, bao giờ trở về? Việc toàn dân một đô thị lớn tự phá bỏ nhà cửa, tiến hành vườn không nhà trống, đến nay có lẽ chỉ có Vinh của Việt Nam! Thế giới nghe chuyện cũng ngạc nhiên. Riêng chuyện này thôi, ai mà mô tả thật kỹ, viết thật hay cũng là một ghê gớm rồi!
Sau bữa ấy, Thầy ra Hà Nội để sang Nga, giờ tôi mới có dịp viết lại cuộc chuyện trò chớp nhoáng. Ba mươi năm trước tôi được Thầy dạy về Ngôn ngữ học, ba mươi năm sau gặp lại, Thầy khuyến khích tôi tìm hiểu về xứ mình chỉ vì Mình chưa hiểu đủ về mình thì cũng chưa thể hiểu đủ về thế giới, chỉ vì xứ Nghệ là vùng đất ghê gớm (chữ dùng của Thầy), đã giúp tôi bừng tỉnh với vốn hiểu biết của mình về xứ Nghệ còn rất vỡ lòng. Người là hoa đất, lời tiền nhân dạy thể hiện khá đậm trong người Nghệ đất Nghệ, nhất là ở cư dân “sống trên cát chết vùi trong cát” suốt 220 cây số vùng Bãi Ngang từ Hoàng Mai đến Đèo Ngang quê tôi.
Sinh ra nơi đầu sóng mũi gió, dân bãi ngang xứ Nghệ biết cầm đũa và cơm là đã biết ăn sóng nói gió, lớn lên chút nữa đã biết chém sóng luồn gió để tồn tại, để biến bãi bồi thành xóm làng mà an cư lập nghiệp. Như là thiên định, dù đi đâu ở đâu con em vùng bãi ngang xứ Nghệ cũng mang theo "đặc sản” quê hương không dễ biến đổi như: Tâm sự chuyện trò với nhau mà người ngoài cứ tưởng là cãi nhau; quanh năm ngâm biển nung trời, màu da đồng hun không mối mọt; Tổ tiên đã quyết sống chung với biển thì ngàn năm sau lớp lớp hậu duệ vẫn mặn mòi thuỷ chung với đại dương… Lại nghĩ về sự tiếp biến giống nhau của sóng của người quê tôi, lớp trước vừa hoàn thành sứ mạng lập tức đã có lớp sau kế tiếp, nghĩa là còn đại dương thì còn có sóng, chỗ đất nào có người sinh sống thì chất đất chất người chỗ ấy được lớp lớp các thế hệ người gìn giữ, tiếp biến, phát triển.
Sự chung thuỷ của dân quê tôi với biển có từ thời Văn Lang cổ đại, nó bao la như đại dương mở lòng đón Thục Phán An Dương Vương (257-207 TCN) về cõi vĩnh hằng. An Dương Vương là đời Vua Hùng cuối cùng đóng đô ở Cổ Loa, sau khi "trót để cơ đồ đắm biển sâu" đã trở thành ông Vua đầu tiên trong lịch sử nước nhà phải mở đường máu vào xứ Nghệ, và chọn vùng Bãi Ngang là nơi tiếp giáp giữa đất với nước để yên giấc ngàn thu.
Thời trung đại, xứ Nghệ có Mai Thúc Loan giương cờ khởi nghĩa chống nhà Đường xâm lược, điều không giống ai là dành chiến thắng rồi, chàng tiều phu -dũng tướng cố hương ở núi Hồng Lĩnh chỉ xưng Đế mà không xưng Vương. Đời Trần Nhân Tông, khi chủ quyền quốc gia trước nguy cơ dày xéo của vó ngựa đế quốc Nguyên Mông đang bất bại, Vua chỉ dùng đất Hoan Diễn cho đủ thập vạn binh để đẩy lùi quân xâm lược, mà sao không dùng đất nào khác?
Tháng 1 năm 1407, tức 1614 năm kể từ Thục Phán An Dương Vương tuẫn tiết, sau khi để kinh đô Thăng Long rơi vào tay giặc Minh, cha con Vua Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương mở đường máu ra biển. Hai cha con chạy đến Lỗi Giang (sông Mã) xứ Thanh vẫn bị quân Minh truy đuổi, tướng nhà Hồ là Ngụy Thức hiến kế:
- Nước đã mất, Vua không nên để giặc bắt, xin bệ hạ tự thiêu mà chết còn hơn.
Quý Ly phẫn nộ bắt chém Ngụy Thức và tiếp tục chạy vào xứ Nghệ, đến vùng Kỳ La (vùng Thiên Cầm ngày nay) Quý Ly bị bắt, sau đó Hán Thương đã chạy cách đó không xa cũng bị rơi vào tay giặc.
Từ bi kịch của cả dân tộc như việc Thục Phán trót để nỏ Thần, Quý Ly trót để Thăng Long rơi vào tay giặc; đến bi kịch của gia đình như việc Thục Phán phải chém con gái vì trái tim lầm lỡ để trên đầu, cả hai cha con Quý Ly bị giặc bắt; cho đến bi kịch tình yêu Mỹ Châu Trọng Thuỷ, tại sao hết thảy chỉ xẩy ra trên duyên hải xứ Nghệ mà không là duyên hải xứ khác? Rồi Lê Lợi 10 năm dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh, lịch sử chỉ nói Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, tại sao tiềm nhập lại là Hoan Châu chi địa (vào đất Hoan Châu đứng chân), để rồi từ Nghi Lộc sang Nam Đàn phải đi qua Truông Hiến (hiến người hiến của cho nghĩa quân Lam Sơn, về sau mới gọi trệch thành Truông Hến. Rồi đến Quang Trung, sau khi dẹp xong loạn nồi da nấu thịt cũng xưng Đế mà không xưng Vương), trên đường hành quân ra Bắc, nếu ông không dừng lại Phượng Hoàng - Trung Đô mộ đủ 10 vạn "kiêu binh Nghệ", thì chưa hẳn đại quân xâm lược nhà Thanh bị thảm bại nhanh đến thế, từ đó việc giành lại Kinh thành Thăng Long cũng chưa hẳn diễn ra nhanh đến thế!
Trong kho tàng huyền thoại phong phú của xứ Nghệ cũng dày đặc bi hùng. Truyền rằng: Ngày xưa giặc phương Bắc sang cướp nước ta, một vị tướng quê xứ Nghệ đem quân ra ứng cứu. Đoàn quân chiến đấu vô cùng dũng cảm tới khi cờ rách trống thủng, vị tướng bị lìa đầu. Đầu bị lìa rồi nhưng vị tướng vẫn cố chạy về tới đất Châu Diễn thì gặp cụ già ngồi bên bờ Bằng Giang (sông Bùng):
- Thưa cụ, xưa nay có ai lắp lại đầu mà sống không?
- Không bao giờ!
Cụ già dứt lời, đầu của vị tướng mới chịu rơi xuống đất, phần thân thể hoá núi Hai Vai. Tên gọi núi Hai Vai phải chăng xuất phát từ Hai vai gánh vác sơn hà? Phải chăng là "linh ứng" về tinh thần quả cảm hy sinh vì nước của vị tướng khiến núi đá cũng ngưỡng mộ, để rồi về sau ở phía Tây huyện Yên Thành nơi đoàn quân bị “thủng trống rách cờ” tiếp tục mọc lên núi Trống Thủng, nơi cờ rách hoá thành núi Yên Mã có muôn đỉnh toe tướp nhấp nhô như diềm cờ trận? Khắp xứ Nghệ có rất nhiều ngọn mang tên núi Cờ, núi Voi, núi Mão, núi Áo, núi Kiếm... núi Bút, núi Mực, núi Nghiên, để người đời sau phát huy tinh thần xả thân vì nước, ý chí hiếu học đến khổ học của người xứ Nghệ.
Từ truyền thuyết dũng tướng đánh giặc tới khi thủng trống rách cờ mới chịu rơi đầu hoá lèn Hai Vai, đến sự kiện sứ giả Nguyễn Biểu ăn cỗ đầu người do tướng giặc bày ra để chấp nhận rơi đầu, tại sao bi hùng trong truyền thuyết và bi hùng trong lịch sử đều xẩy ra với người Nghệ trên đất Nghệ, mà không với người với đất xứ khác? Lịch sử giữ nước mấy ngàn năm cho thấy, liên tục có một xứ Nghệ cung người góp của, góp những "kiêu binh" trăm trận trăm thắng. Xứ Nghệ là vùng đất ghê gớm! Nhận xét của Thầy Nguyễn Tài Cẩn mở ra trước mắt tôi bao điều cần biết mà chưa biết hết về xứ sở quê hương!