(Baonghean.vn) - Đu đủ - một loại cây không chỉ cho quả mát lành mà đối với người dân vùng cao xứ Nghệ, ngọn và hoa của loại cây này còn là thức ăn bổ dưỡng được ưa thích.
Đặt chân đến với các bản làng người Thái ở Tương Dương, Kỳ Sơn được thưởng thức nhiều món “đặc sản” của đồng bào nơi đây mới thấy hết được những nét văn hóa độc đáo trong ẩm thực của người dân vùng cao.
Chúng tôi đặt chân đến bản Cây Me (xã Thạch Giám - Tương Dương) vào một ngày giữa tháng Ba. Những ngày trời nắng cũng như trời mưa, bà con bản Cây Me vẫn ngồi hai bên đường bày ra những sản vật mát lành “cây nhà lá vườn” ra để bán. Nào những thực phẩm quen thuộc như mạc khẻn, hua xán (đọt lụi), cà, măng…đến những thức lạ như ve sầu, chuột. Nhưng chúng tôi vẫn thấy lạ hơn hết là ngọn và hoa đu đủ.
Chúng tôi hỏi chị La Thị Bốn đang ngồi bên mớ đu đủ rằng, phải chăng ngọn và hoa đu đủ đực này dùng để chữa bệnh? Chị mỉm cười: “Để ăn chứ. Món ăn truyền thống của người Thái ta mà”. Chúng tôi ngớ người, hóa ra loại lá đắng như thế này vẫn có thể dùng làm thức ăn được.
Tối hôm ấy, chị kéo chúng tôi về nhà và bắt đầu chế biến món ngọn và hoa đu đủ đực để đãi khách. Chạy ra sau vườn, chị bẻ một nắm lá và cồi đu đủ còn non xanh mơn mởn kèm theo một ít hoa vừa hé nụ. “Cái này chỉ lấy phần non chứ già không ăn được” - chị giảng giải.
Xong đâu đấy, mấy đứa con chị mang ra rửa sạch, tước vỏ rồi cắt ngắn cỡ chừng 2-3 cm. Đu đủ được cho lên nồi luộc kỹ rồi mới vớt ra. “Người thích ăn đắng thì luộc sơ qua còn không thì luộc kỹ. Muốn giảm độ đắng nữa thì khi luộc cho thêm một nắm lá ổi hoặc lá cây săng lẻ vào sẽ hết ngay” - vừa làm chị Bốn vừa hướng dẫn khách.
Nồi đu đủ vừa được vớt ra, một mùi đăng đắng, hăng hắc xộc lên mũi khiến chúng tôi cảm thấy hơi khó chịu. Chủ nhà dành ra làm hai phần, một phần dùng để chấm mắm tôm ăn, một phần dùng để làm chúp (món nộm của người Thái). Món nộm này được chế biến rất công phu với mạc khẻn, ớt cay, măng…sau đó trộn đều.
Thức ăn được dọn ra, ban đầu ăn chúng tôi không khỏi "dè dặt" bởi một vị đắng ngắt nơi đầu lưỡi nhưng sau đó cảm giác này được thay thế bởi sự thích thú. “Ngọn và hoa đu đủ đực thường được bán kèm quả cà rừng (mà người Thái thường gọi là mác hánh) để làm món nộm, rất tốt cho hệ tiêu hóa. Món dễ dàng tìm được trong các phiên chợ của người Thái” - chị Bốn nói./.
Đào Thọ