Sự kiện kết nối

Ngày 19/9/2018, tỉnh Nghệ An đã phối hợp cùng Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức Hội nghị về “Môi trường đầu tư tại Nghệ An, tỉnh duyên hải Bắc miền Trung Việt Nam” tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Đây là sự kiện mở đầu trong chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn tại Nhật Bản. Hội nghị nhằm mục đích cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội, nhân lực, cơ sở hạ tầng của tỉnh Nghệ An; Quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh, kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Nghệ An; Giải đáp những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm khi đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Nghệ An. 

Hội nghị có sự hiện diện của ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam, ông Masataka Fujita, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC) và hơn 130 đại biểu doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Nghệ An. Trong số đó nhiều nhà đầu tư là đối tác của các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng tại tỉnh Nghệ An bao gồm Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Công ty CP WHA Hemaraj Nghệ An và Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt.

Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các ngân hàng, các tổ chức phi chính phủ có vai trò quan trọng trong tư vấn tài chính cho các nhà đầu tư Nhật Bản, các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước và các phóng viên báo chí Việt Nam và Nhật Bản...

a18335721_19102018.jpgCác đại biểu tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào Nghệ An diễn ra tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, chiều 19/9. Ảnh: Trần Min

Tại hội nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu ra gần 20 câu hỏi quan tâm đối với môi trường đầu tư, kinh doanh ở Nghệ An, như: Chính sách đối với lĩnh vực đầu tư dệt may, nuôi tôm; Khả năng kết nối giao thông, cung cấp điện, nước phục vụ nhà đầu tư; vấn đề giao thương của doanh nghiệp Trung Quốc, Lào tại Nghệ An và ngược lại; Thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định lần đầu cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Nghệ An; Quy hoạch ngành chăn nuôi tại tỉnh Nghệ An, định hướng thu hút đầu tư nông nghiệp (chăn nuôi, trồng cỏ ngọt); Vấn đề hỗ trợ đào tạo lao động Nhật Bản tại Nghệ An... Với những vấn đề nêu ra như vậy, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Nghệ An.

Hội nghị chia làm 3 phiên: Phiên 1 giới thiệu tổng quan về môi trường đầu tư, kinh doanh, định hướng thu hút đầu tư Nhật Bản của tỉnh Nghệ An; Lợi thế khi đầu tư vào các KCN đã đầu tư hạ tầng của tỉnh Nghệ An so với các KCN trong cả nước; Phiên 2 Hỏi - Đáp giữa doanh nghiệp Nhật Bản và lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Phiên 3 Kết nối đầu tư.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng hoạt động là một sự kiện quan trọng và  càng thắt chặt thêm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, góp phần kết nối thương mại, đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam như tỉnh Nghệ An. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đánh giá cao chất lượng và hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản. Đồng chí cũng tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đầu tư các dự án Nhật Bản có thế mạnh vào Nghệ An, góp phần củng cố mối quan hệ lâu đời giữa tỉnh Nghệ An với đất nước Nhật Bản được xác lập từ Đông Du.
Tỉnh Nghệ An tổ chức các hội thảo Xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại tại Nhật Bản. Ảnh tư liệu

Về phía các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng, bà Keiko Fujita, Trưởng đại diện Tập đoàn VSIP tại Nhật Bản, bà Anchalee Prasertchand, Giám đốc Phát triển khách hàng khối nhà máy công nghiệp và thị trường quốc tế, Tập đoàn Hemaraj và ông Hoàng Văn Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt đã giới thiệu tổng quan về các khu công nghiệp VSIP Nghệ An, Hemaraj WHA Nghệ An và Hoàng Mai 1; tính cạnh tranh của các KCN này trong thu hút đầu tư so với các KCN đã đầu tư hạ tầng tại Việt Nam, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN ở Nghệ An...

Tín hiệu tích cực

Qua Hội nghị này, tỉnh Nghệ An có cơ hội tiếp cận nhiều doanh nghiệp Nhật Bản để giới thiệu tổng quan tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong thu hút đầu tư, cũng như định hướng thu hút đầu tư Nhật Bản. Tỉnh Nghệ An đánh giá cao chất lượng đầu tư của các dự án do nhà đầu tư Nhật Bản triển khai trên địa bàn, tuy nhiên về số lượng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu của các bên.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhận định hội nghị này là bước khởi đầu cho các hoạt động kết nối đầu tư, kinh doanh giữa tỉnh Nghệ An với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục phối hợp Trung tâm ASEAN Nhật Bản kết nối, thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự các hội nghị cũng như các doanh nghiệp hội viên của Trung tâm sang nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Nghệ An.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 8 dự án FDI Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư là 94,15 triệu USD, nổi bật là một số nhà máy lớn như: Nhà máy Chế biến đá trắng Yabashi của Công ty khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam (liên doanh giữa Công ty CP Khoáng sản Nghệ An và Công ty YABASHI, MEIWA) tại khối 11, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, tổng vốn đầu tư là 4,51 triệu USD; Nhà máy may xuất khẩu của Công ty TNHH MLB Tenergy tại Cụm công nghiệp thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành, với số vốn đầu tư 20 triệu USD...

Các mô hình sản xuất theo công nghệ Nhật Bản (2 ảnh trên). *Sản xuất tại Công ty TNHH MLB TENERGY Nhật Bản. *Tổ chức ISVRP tặng tàu Hamakaze cho tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu

Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN-Nhật Bản (Trung tâm ASEAN - Nhật Bản - AJC) là tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi thành viên các nước ASEAN và Nhật Bản vào năm 1981 gồm 10 nước ASEAN và Nhật Bản, có nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu từ các nước thành viên ASEAN tới Nhật Bản, đồng thời xúc tiến các hoạt động đầu tư, du lịch cũng như trao đổi văn hóa qua các Hội nghị, các buổi làm việc, các chương trình nghiên cứu, phân tích chính sách, các sự kiện trao đổi văn hóa, các dịch vụ thông tin và các ấn phẩm truyền thông.

Về lĩnh vực xúc tiến đầu tư, AJC là đối tác lâu năm của Tập đoàn VSIP trong phối hợp tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các KCN của Tập đoàn VSIP tại Việt Nam và các nước. Hiện tại, AJC có 13.000 doanh nghiệp thành viên đầu tư các lĩnh vực: sản xuất và lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, may mặc, cơ khí chính xác...