PTT Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ luôn đồng hành với các nhà đầu tư Nhật Bản và thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi.

images1566121_vov_ptt1_enyy.jpgPhó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Như tin đã đưa, sáng 30/5, Hội nghị tương lai Châu Á lần thứ 22 đã khai mạc tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị và có bài phát biểu quan trọng.

Baonghean.vn trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tương lai Châu Á lần thứ 22:

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa Quý vị,

Trước hết, trân trọng cảm ơn Ban Tổ chức đã mời tôi tham dự và phát biểu tại Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 22 – một diễn đàn đối thoại chính sách uy tín về nhiều vấn đề có ảnh hưởng lớn tới tương lai của châu lục và toàn cầu. Tôi đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của Hội nghị “Vươn lên ứng phó với các thách thức toàn cầu và hiện thực hóa tiềm năng của Châu Á” là phù hợp với bối cảnh Châu Á hiện nay.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc với nhân dân và Chính phủ Nhật Bản về những mất mát, tổn thất to lớn về người và tài sản do trận động đất tại tỉnh Kumamoto vừa qua gây ra. Chúng tôi tin tưởng rằng, với ý chí quyết tâm, tinh thần kiên cường và sự đồng lòng chung sức của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, các bạn sẽ vượt qua khó khăn, sớm khắc phục các hậu quả thiên tai và tái thiết, phát triển các vùng bị ảnh hưởng. 

Thưa Quý vị,

Trong hơn hai thập kỷ qua, Châu Á đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững, Châu Á cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. 

Các thách thức phi truyền thống như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng… ngày càng nghiêm trọng hơn và tác động sâu rộng đến sự phát triển của toàn cầu và châu lục. Động đất vừa qua tại Nhật Bản, Myanmar, Ấn Độ, tình trạng hạn hán gay gắt, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đông Nam Á, nhất là ở Việt Nam càng cho thấy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của châu lục còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bài toán về phát triển bền vững, nhất là sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường không dễ tìm lời giải, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Tỷ lệ già hóa dân số gia tăng, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt đã dẫn đến nhiều bất ổn trong xã hội.

Trong khi đó, sự phục hồi của kinh tế thế giới còn thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Ảnh hưởng kéo dài của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, suy giảm thương mại toàn cầu; giá dầu biến động và sụt giảm mạnh; nhiều nước phát triển và ngay cả những nền kinh tế mới nổi, đang phát triển được coi là động lực của kinh tế toàn cầu cũng tăng trưởng chậm lại và dễ bị tổn thương là những rủi ro lớn mà chúng ta phải đối mặt.

Phát triển thịnh vượng của Châu Á chúng ta cũng không thể có được nếu không có môi trường hòa bình, ổn định, an ninh an toàn. Sự xuất hiện của nhiều điểm nóng, nhất là những diễn biến căng thẳng, ngày càng phức tạp trên biển Đông, biển Hoa Đông đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa trong xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác, cùng chung tay giải quyết, không chỉ của các nước Châu Á mà cả cộng đồng quốc tế.

Tuy vậy, Châu Á cũng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới để vươn lên và tiếp tục khẳng định vị thế của châu lục là một động lực của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI. Có rất nhiều điểm sáng trong sự phát triển của Châu Á; trong đó, tôi xin nhấn mạnh ba điểm chính sau:

Thứ nhất, các thành tựu và kinh nghiệm phát triển trong hơn hai thập kỷ qua đã tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Châu Á trong giai đoạn tới và giúp Châu Á ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức mới. Hội tụ nhiều nền kinh tế lớn và nền kinh tế đang nổi, với lực lượng lao động dồi dào và khu vực doanh nghiệp năng động, kinh tế Châu Á được dự báo sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6% trong giai đoạn 5 năm tới. Quá trình đô thị hoá và sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu giúp tạo động lực nội tại cho tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường lao động và thị trường tiêu dùng.

Thứ hai, liên kết kinh tế giữa các nước được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc hình thành các hiệp định thương mại tự do, mở ra không gian rộng lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Các hiệp định này cũng góp phần quan trọng định hướng cho các quốc gia chuẩn hóa và hoàn thiện cơ chế vận hành nền kinh tế của mình.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập cuối năm 2015 mang đến một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất với dân số trên 600 triệu người và GDP đạt gần 3.000 tỷ đô la Mỹ. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng. AEC cũng hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới và các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết vào tháng 2/2016 vừa qua đã tạo một khuôn khổ hợp tác toàn diện và sâu sắc cho các nước thành viên. Đây vừa là cơ sở, vừa là động lực quan trọng để các nước thúc đẩy các hoạt động kinh tế giữa hai bờ Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định FTA ba bên Trung - Nhật - Hàn Quốc, và nhiều sáng kiến kết nối đang được triển khai ở cả cấp độ tiểu vùng, khu vực và liên khu vực. 

Thứ ba, yêu cầu cấp bách về chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới phát triển bền vững đã trở thành nhận thức chung của các quốc gia ở châu lục. Chính phủ các nước Châu Á đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất lao động. Hàng loạt các biện pháp cải cách đã và đang được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, khuyến khích sáng tạo, phát triển công nghệ và cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở.

Thưa Quý vị và các bạn,

Chúng tôi hiểu rằng nắm bắt thời cơ và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết có ý nghĩa sống còn đối với sự thành công của mỗi quốc gia. Đối với các quốc gia nhỏ, tiềm lực còn hạn chế, cần có cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt, và thậm chí táo bạo. Kinh nghiệm đổi mới hơn ba thập kỷ qua tại Việt Nam cho thấy sự năng động, sáng tạo, khả năng điều chỉnh chính sách kịp thời và tinh thần khởi nghiệp có tính quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đến nay, đã có trên 100 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với trên 21.000 dự án, tổng số vốn đăng ký gần 290 tỷ USD và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam. Bốn lý do chính dẫn đến thành công này là: sự ổn định vững chắc về chính trị - xã hội; kinh tế vĩ mô ổn định với tốc độ tăng trưởng khá cao và cơ cấu dân số “vàng”; nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới; và môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, những gì đạt được mới chỉ phát huy được một phần tiềm năng của Việt Nam. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp giúp nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thứ nhất, Việt Nam đang tích cực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tập trung vào các lĩnh vực là đầu tư công, tài chính – ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong ba năm tới, tổng giá trị cổ phần hoá DNNN ước tính lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ, trong đó một phần sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là cơ hội đầu tư rất tốt và tôi mong rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không bỏ lỡ.

Thứ hai, Chính phủ đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch; tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và thành công tại Việt Nam.

Trong năm 2016, chúng tôi đặt mục tiêu đạt mức trung bình của các nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu quan trọng như thời gian khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, chỉ số tiếp cận tiếp cận tín dụng theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có nhiều quy định thông thoáng, nới lỏng hơn, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, không phân biệt doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước trong các chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước.

Thứ ba, để tạo “sức bật” mới cho nền kinh tế, chúng tôi quyết tâm cải cách, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, trọng tâm là đổi mới thể chế kinh tế, ưu tiên phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi hiểu rằng con người chính là cốt lõi, là yếu tố quyết định và sẽ tiếp tục dành nguồn lực thoả đáng, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Thứ tư, cùng với cải cách trong nước, Việt Nam tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp, người dân Việt Nam cũng như nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Là thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN và với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với gần 60 đối tác, trong đó có tất cả các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ…

Chúng tôi tin tưởng rằng, những nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế sẽ giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững về môi trường, hài hoà về xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thưa Quý vị và các bạn,

Bên cạnh những nỗ lực của từng quốc gia, sự hợp tác và phối hợp chính sách giữa các nước, đặc biệt trong cùng khu vực, là không thể thiếu được. Để ứng phó hiệu quả với các thách thức và hướng đến sự thịnh vượng chung của cả khu vực, chúng ta cần tập trung vào các vấn đề sau :

Thứ nhất, duy trì hoà bình và ổn định tại châu lục thông qua tăng cường hợp tác và tạo dựng lòng tin giữa các quốc gia, dân tộc; tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của từng quốc gia; giải quyết bất đồng, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo bằng các biện pháp hòa bình tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các cam kết, thỏa thuận khu vực. Thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác hiện có, đặc biệt là các diễn đàn của ASEAN, ASEAN với các đối tác, EAS, APEC, ASEM…

Thứ hai, tăng cường kết nối cứng và mềm, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại, đầu tư và di chuyển lao động giữa các quốc gia; phát triển nguồn nhân lực và duy trì hài hòa xã hội thông qua các chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm.

Thứ ba, thúc đẩy hợp tác tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các thách thức an ninh phi truyền thống trên cơ sở bảo đảm cân bằng, hài hòa lợi ích, hướng đến sự phát triển bền vững của cả khu vực. Hợp tác, hỗ trợ các nước kém phát triển hơn trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc. Thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu COP21; thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước…

Thưa Quý vị, 

Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á đang ngày càng được củng cố bởi sự tin cậy chính trị sâu sắc giữa hai nước, sự gắn kết giữa hai nền kinh tế cũng như cam kết chung vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực.

Nhật Bản luôn là nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 28,5 tỷ USD. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp với sự hiện diện của hầu hết các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, với hơn 3.000 dự án và tổng vốn đầu tư gần 39 tỷ USD.

Tôi vui mừng nhận thấy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã rất thành công và có kế hoạch mở rộng hơn nữa quy mô kinh doanh tại Việt Nam. Tôi đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp và 6 ngành ưu tiên trong Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thuỷ sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

Việc hai nước cùng tham gia Hiệp định TPP cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho cả hai bên. Với độ mở lớn của nền kinh tế và thị trường hơn 90 triệu dân, có mức thu nhập ngày càng tăng, Việt Nam sẽ đem lại giá trị cao trên cả phương diện thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tôi tin rằng tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam sẽ mang đến nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành với các nhà đầu tư và thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi. Tôi cũng hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, bổ trợ cho sự phát triển bền vững của mỗi nước, góp phần cho hòa bình, thịnh vượng của khu vực.

Thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của Chính phủ và nhân dân các nước, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản và cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

Thưa Quý vị,

Ứng phó với các thách thức chung toàn cầu, xây dựng một Châu Á hòa bình, thịnh vượng là trách nhiệm của tất cả chúng ta, từ chính phủ đến người dân và doanh nghiệp. Để đảm nhận vai trò trung tâm và động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trong châu lục cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác mọi mặt, tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin, tạo môi trường thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và phát huy tối đa tiềm năng của từng nền kinh tế và của cả châu lục.

Xin chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN