(Baonghean) - Trong bối cảnh “thời tiết” quan hệ quốc tế có những biến đổi khôn lường, thế giới cũng đang chứng kiến sự đảo chiều, chuyển hướng mạnh mẽ các dòng vốn lớn của các cường quốc kinh tế. Trong số các quốc gia đang thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam được lựa chọn là điểm đến nhiều hứa hẹn với số lượt các đoàn khảo sát đến từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong các quốc gia và khu vực đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản là nước tạo dấu ấn mạnh mẽ trong việc chuyển hướng đầu tư mạnh ngay từ đầu năm 2014.
Nếu những biến động chính trị ở khu vực Đông Á và Đông Bắc Á ngày càng nóng lên, thì quan hệ kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực này ngày càng lạnh lẽo, thậm chí có nguy cơ đóng băng. Trước tình hình đó, một số nước đã linh hoạt tìm kiếm môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, tình hình an ninh chính trị ổn định hơn. Và Việt Nam đã hội tụ được nhiều yếu tố ưu việt trong sự lựa chọn của họ. Một minh chứng cụ thể là kể từ đầu năm 2014, có tới gần 1/3 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Nhật Bản đã đưa Việt Nam vào tốp đầu trong danh mục tìm kiếm, tham khảo các dự án để đầu tư. Đặc biệt, ngay từ những tuần đầu quý 3, phần lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản dường như chuyển hẳn vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia được lựa chọn hàng đầu của Nhật, vượt qua các đối thủ cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư truyền thống của Nhật như Indonesia, Thái Lan và Phillippines.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chỉ trong một tuần qua Việt Nam đã đón hơn 30 doanh nghiệp Nhật vào khảo sát, xúc tiến hoạt động đầu tư tại các khu công nghiệp lớn của các tỉnh miền Bắc. Việc số lượng các doanh nghiệp đầu tư của Nhật tăng vọt cho thấy Nhật Bản ngày càng đánh giá cao hiệu quả dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hoạt động tăng cường đầu tư vào Việt Nam không chỉ thắt chặt hơn quan hệ thương mại giữa hai nước mà còn làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác Việt – Nhật, đưa quan hệ Việt - Nhật thực sự bước sang một chương mới thông qua việc thể hiện lòng tin chiến lược và trách nhiệm với đối tác của Việt Nam ngày càng được củng cố.
Không chỉ 30% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Nhật Bản đang hướng tới Việt Nam, mà ngay cả 70% doanh nghiệp Nhật đã và đang có hoạt động thương mại tại Việt Nam cũng khẳng định sẽ mở rộng kế hoạch kinh doanh với Việt Nam trong năm nay. Trong đó, các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ chuyển hướng dòng vốn vào Việt Nam mà còn thể hiện mong muốn chuyển giao công nghệ cho các đối tác. Cùng với số lượng doanh nghiệp đầu tư và đăng ký đầu tư vào Việt Nam tăng nhanh là lĩnh vực đầu tư, các chủng loại hàng hóa, sản phẩm đăng ký đầu tư vào Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú. Từ các sản phẩm là các linh kiện, phụ kiện máy móc công nghiệp, nông nghiệp, đến việc cung ứng các dịch vụ y tế, in ấn, bao bì… Chỉ tính riêng tỉnh Hà Nam, tỉnh này vừa trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất linh kiện kim loại trị giá 2,1 triệu USD của công ty Marujyu, theo kế hoạch từ nay tới cuối năm dự kiến Hà Nam sẽ chấp thuận cho 12 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh, sau khi đã có 45 doanh nghiệp nước này hoạt động trên địa bàn.
Việc đón nhận dòng vốn đầu tư lớn từ Nhật Bản không chỉ góp phần thúc đẩy việc đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác hợp tác thương mại, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam tiếp xúc với môi trường sản xuất và kinh doanh theo phong cách chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy. Theo phản ánh của các nhà đầu tư Nhật, môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập, cản trở như sự thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính rườm rà, tác phong quan liêu. Vì vậy, để đón được cơ hội tiếp xúc với dòng vốn lớn, cung cách làm ăn lớn, chắc chắn Việt Nam sẽ phải có nhiều cải cách, điều chỉnh về cơ chế, thủ tục. Đồng thời phải chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu của đối tác Nhật Bản. Được biết, tuy đồng Yên đang mất giá nhưng 6 tháng đầu năm 2014 Nhật Bản vẫn là quốc gia xếp thứ ba đầu tư vào Việt Nam với hơn 800 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Chí Linh Sơn