(Baonghean) - Đường lên Trời rất xa, con người sống ở mặt đất lâu ngày rồi, đã quên lối trở về với gốc gác của mình ở trên cao, do vậy mà phải có mo đưa tiễn, chỉ lối, dẫn đường.
 
Con đường trở về Mường Then ấy, theo chúng tôi tạm hiểu là cứ ngược theo đường lên Mường Tôn (thuộc huyện Quế Phong, ngày nay), qua vùng tỉnh Hủa Phăn (Lào), rồi trở vào vùng Sơn La, lên tận vùng Điện Biên Phủ là đất Mường Thanh ngày xưa. Tiễn linh hồn của người chết trở về “mường gốc”- đó là một nhu cầu và cũng là một niềm mơ ước thường trực, rất chính đáng của người Thái ở miền Tây Nghệ An, ngay từ khi còn đang sống khoẻ mạnh. Chỉ có các ông mo, bà mo mới làm được việc ấy! “Khóc tiễn” suốt hơn hai, ba tiếng đồng hồ mà không trùng lặp một câu; cúng suốt cả ngày mà không hề đứt đoạn hay lạc giọng, thì ắt phải là những người có trí nhớ thiên phú, có khả năng thực hiện cuộc cúng và có sức khoẻ nhất định mới có thể làm được. Mo không chỉ nhớ giỏi, giọng tốt, mà còn rất sáng dạ; tuy nhiên các ông, bà mo cũng có "thiên mệnh" như bao con người bình thường khác ở dưới mặt đất, nghĩa là sống hết hạn trời cho phép cũng phải quay về trời, không ở dưới mặt đất mãi được.
 
Đa số các ông mo, bà mo nhiều tuổi đều biết “lai Tay” hoặc “lai Pao” (chữ Thái), có nhiều mo còn đọc thông, viết thạo chữ Nho, chữ Nôm và cả chữ Quốc ngữ nữa. Mo cũng là những người biết rất nhiều bài hát ru, những khúc hát đồng dao, những câu chuyện dân gian và cả những truyện thơ hay nhất, có thể kể cho cả nhà, cả họ, cả bản cùng nghe suốt đêm không hết. Các mo cũng chính là những nghệ nhân tuyệt vời của người Thái, họ biết hát các làn điệu dân ca chuẩn mực nhất của dân tộc mình, như: nhuôn, xuối, lăm, òn, hắp (khắp)… họ luyện giọng rất công phu, có những mo đã già rồi nhưng vẫn đủ sức làm mê hồn các cô gái Thái trẻ trung, xinh đẹp và mơ mộng, nhờ chất giọng của mình. Ngày trước, sau các cuộc cúng, các lễ hội lớn (như Lễ hội đền Chín gian ở Quế Phong; Lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu…), các mo thường ở lại để vui chơi, hát xuối, lăm, nhuôn… cho cuộc vui sau lễ thêm náo nức lòng người.
 
Khi các mo cất lời, có biết bao gương mặt già trẻ, trai gái cùng hướng về phía họ, lắng nghe như nuốt lấy từng lời của họ, ghi nhớ từng câu, từng làn điệu, giống hệt một khóa học tự giác mà các ông, bà mo vừa là những nghệ sỹ dân gian, vừa là những người thầy truyền đạt. Mo lúc này thực sự như một người thầy giáo đang gieo mầm dân ca, văn hoá truyền thống của dân tộc mình vào trong trí nhớ và trái tim của những thế hệ mới, để rồi cái “lớp người mới” ấy sẽ lại truyền khẩu đi mãi cho những người khác… bởi thế chúng ta không lạ gì khi tìm hiểu văn hoá cổ truyền của dân tộc Thái, đã luôn thấy rằng: Văn hoá Thái vừa mang đậm đà bản sắc dân tộc, vừa mang tính trường tồn, bền vững, rất ít khi bị pha tạp và  bị đồng hoá, ngay cả thời đại mới ngày nay.
 
Ngoài ra, các mo người Thái ở miền Tây Nghệ An còn tự tạo ra các lễ riêng, để tự phong cấp, phong bậc, lên chức, để có đủ bản lĩnh và uy tín được mời đi cúng thật xa. Các lễ như “ky xá” của ngành mo Một, “xáng khán”, của ngành mo Môn. Mo Một có lễ “ky xá” để tự thăng cấp, bậc cho mình. Các mo Môn tự phong cấp bằng lễ “xáng khán”.  Theo thần thoại của người Thái Tày Mường ở huyện Quỳ Hợp, thì Một và Môn là hai anh em sinh đôi, cùng mẹ khác cha (có nơi lại nói là không có cha), rất thông minh và hiền hậu. Một và Môn được Pỏ Phạ (ông Trời) cho đầu thai xuống mặt đất để làm “cái gạch nối” giữa trời và con người, đồng thời để diệt trừ các loài “phi” chuyên làm hại cho con người. Mo Một và mo Môn tuy là hai và có hai cách thức hành nghề khác nhau, song, lại cùng phụng sự chung một ý trời.
 
Ta hãy tưởng tượng hai bên “văn - võ” trong triều đình phong kiến ngày xưa. Mo Một chính là quan văn, mo Môn là quan võ. Mo Một hành nghề cơ bản chỉ là lời nói với một chiếc quạt giấy cầm tay, thường phải có “pí” thổi kèm phụ họa. Đây là loại sáo bằng ống nứa, có “lưỡi gà” bằng đồng và bảy lỗ bên trên, một lỗ phía dưới, dài trên 40cm. Ngoài “pí”, có khi mo một còn sử dụng cồng, chiêng nhỏ hoặc ống đũa mo để hành nghề. Mo Môn chủ yếu là cúng để xua đuổi, diệt trừ các loài “phi” làm hại cho con người, do vậy khi cúng, mo Môn luôn có một thanh kiếm dài và rất sắc bén.
 
Giống như chiếc quạt của mo Một, thanh kiếm của mo Môn chính là “linh vật” số một của cuộc cúng. Không có kiếm, không còn là mo Môn nữa. Mo Môn thường cúng một mình, không có bất kỳ loại nhạc cụ nào kèm theo để phụ hoạ. Tuy nhiên, đã là mo thì dù là mo Môn, hay mo Một thì cũng đều được trọng vọng như nhau và đều được đồng bào đối xử rất tử tế. Người được gọi là “mo huống” (tức là mo to, đã làm lễ thăng cấp một đôi lần, đã có nhiều tiếng tăm), dù có đi đâu, vào bản hoặc mường nào, dù không cúng bái cho ai cả, chỉ cần xưng danh là được đồng bào nể nang, kính trọng, giúp đỡ rất tận tình và chu đáo.
 
Về phía các ông, bà mo chân chính, họ luôn xứng đáng là những con người mẫu mực nhất: Họ không bao giờ ăn những thứ mà người nhà đã đặt lên mâm cúng trước mặt họ, đặc biệt là không ăn cơm trên nhà đang có đám tang, mặc dù họ chủ trì việc cúng bái ở đó. Một khi họ đã hứa với ai việc gì, thì làm bằng được y như thế. Họ nói năng dứt khoát, không say rượu bê tha, không nghiện ngập thuốc phiện, không ngoại tình bậy bạ, không trộm cắp, không gây sự, đánh chửi nhau với bất kỳ ai… bởi thế mà các mo thường là những “chầu đằm” (thủ lĩnh tinh thần) của bản, của mường, rất được đồng bào mến phục và kính trọng. Bản, mường nào có ông mo, bà mo giỏi, thì bản, mường đó cũng có tiếng là linh thiêng.
 
Nhà nào có ông, bà mo giỏi, là nhà ấy có phúc đức lớn, được lộc của trời ban cho, do vậy mà con cháu của ông, bà mo ấy phải sống sao cho có kỷ cương, có nề nếp, không được vấy bẩn lên chiếc quạt (hoặc thanh kiếm) của cha, mẹ mình đang làm nghề mo. Ngày xưa, mo chính là mẫu hình của một người “trí thức” Thái được thần thánh hoá. Muốn học để thành mo chân chính thực sự, trước hết phải có tâm, có trí thông minh nhất định mới “ứng được mệnh trời”. Kẻ dốt nát, tâm không trong sáng, lưu manh và cơ hội… thì dù có học suốt đời cũng không thành được mo. Đó là điều mà những ông, bà mo chân chính khẳng định và tin tưởng gần như tuyệt đối và cũng là niềm tin đã trở thành máu thịt của người Thái ở miền Tây Nghệ An đối với các ông, bà mo có tâm, có đức!
 
Thái Tâm