TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG VẺ VANG
Huyện Kỳ Sơn nằm ở vị trí địa chiến lược của vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời. Theo chính sử, khi Uy Minh vương Lý Nhật Quang vào làm Tri châu Nghệ An (1041 - 1056) đã huy động binh lính, nhân dân dọc đôi bờ tả - hữu sông Lam khai phá được 5 châu, trong đó có vùng Vĩnh Hòa (Tương Dương- Kỳ Sơn ngày nay).
Tuy lịch sử định cư của đồng bào các dân tộc anh em trên vùng đất Kỳ Sơn khác nhau, song các thế hệ cư dân luôn phát huy truyền thống đoàn kết, truyền thống yêu nước và cách mạng, góp phần to lớn trong công cuộc bảo vệ biên cương lãnh thổ cũng như đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Trong suốt quá trình cùng với quân, dân tỉnh nhà cùng chiến đấu, lao động bảo vệ và xây dựng đất nước, ngày 17/5/1961, xuất phát từ đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội của huyện Tương Dương (cũ), Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 65/CP chia lại địa giới huyện Tương Dương thuộc tỉnh Nghệ An thành hai huyện mới, đó là huyện Tương Dương và huyện Kỳ Sơn ngày nay. Sau khi được thành lập, Đảng bộ và Nhân dân Kỳ Sơn thực hiện ngay các nhiệm vụ vừa xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, vừa đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đập tan các âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai (1961 - 1964), cho đến trước ngày Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương và Việt Nam được ký kết (27/1/1973).
Trong quá trình đó, Kỳ Sơn là một trong những trọng điểm đánh phá mang tính hủy diệt của máy bay Mỹ. Gần như toàn bộ tuyến đường và các cầu lớn, nhỏ trên Quốc lộ 7, đoạn từ Tương Dương lên tận Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đến các cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm xá trên địa bàn huyện đã bị bom đạn Mỹ đào xới, băm nát. Ngoài ra còn bị hàng trăm toán gián điệp, thổ phỉ, biệt kích thường xuyên đột nhập qua biên giới...
Tuy nhiên, dù ở tình thế khó khăn nào, quân dân Kỳ Sơn vẫn luôn thể hiện quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền bằng các hành động cụ thể trên tất cả các phương diện. Vì vậy, hàng vạn chuyến xe ngược xuôi qua tuyến đường Kỳ Sơn vẫn giữ được lưu thông dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Thắng lợi của quân dân Kỳ Sơn đã góp phần cùng cả tỉnh và cả nước đập tan 2 cuộc chiến tranh phá của đế quốc Mỹ.
Kỳ Sơn còn có 192 cá nhân, 54 đơn vị được Bộ Quốc phòng công nhận là Đơn vị Quyết thắng, là Chiến sỹ thi đua. 2 lần Đảng bộ huyện Kỳ Sơn được Tỉnh ủy Nghệ An công nhận là Đảng bộ Trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Đồng chí Vừ Chông Pao - nguyên Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND huyện vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ngoài ra còn có các đồng chí Phà Ba Đì (tức Phà Pho Thò), Xeo Văn Luống, Lương Văn Pồn,Ven Văn Pồn, Hờ Xia Rê, Vừ Chông Xử, Cụt Phò Bua, Khun Văn Sén, Lò Thị Quế,.. là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam của đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn.
Kinh tế - xã hội từng bước phát triển. Những năm 1990, bình quân lương thực chỉ mới đạt 200kg/người/năm, cuộc sống người dân còn đói nghèo, thì đến năm 2020 thu nhập bình quân đã đạt 23 triệu đồng/người/năm. Diện tích sản xuất và sản lượng nông nghiệp, độ che phủ rừng cũng như tổng đàn gia súc gia cầm tăng đều qua các năm. Từ một huyện thuần nông, kinh tế phụ thuộc nông nghiệp, phụ thuộc thiên nhiên nay bước đầu có những hướng đi mới, phát huy thế mạnh của địa phương như: phát triển các ngành dịch vụ, trồng dược liệu, phát triển mạnh đàn gia súc... Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến nay có 01 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, các xã còn lại trung bình đạt 10,5 tiêu chí; bộ mặt nông thôn từng bước được cải thiện. Những thập niên đầu mới thành lập, các tuyến giao thông đi lại rất khó khăn, chưa có đường hoặc đường đất đá lầy sục, đến nay đã có 21/21 xã có đường ô tô vào tận trung tâm, 110 bản đã có điện lưới quốc gia. Thương mại, dịch vụ phát triển hơn, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được phân phối, lưu thông đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh biên giới được giữ vững. Nghệ An là tỉnh có đường biên giới với nước bạn Lào dài nhất cả nước với 468 km, tiếp giáp với 4 huyện, thuộc 3 tỉnh của nước CHDCND Lào, thì Kỳ Sơn có 203,409 km đường biên giới. Cho nên Kỳ Sơn đóng vai trò là huyện biên giới “cửa ngõ”, “phên dậu”, có vị trí “cánh cửa ngoại giao” đặc biệt của Nghệ An và của cả nước. Bởi vậy, trong suốt chiều dài lịch sử 60 năm, các thế hệ cán bộ, nhân dân các dân tộc anh em của Kỳ Sơn luôn xác định rõ, bên cạnh việc phát triển kinh tế, xã hội còn có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập.
Các hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại Chính quyền, đối ngoại nhân dân với các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới được duy trì. Thường xuyên tổ chức các đoàn làm việc, thăm hỏi chúc mừng các huyện và lực lượng của nước bạn Lào nhân các ngày lễ, tết; kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ khó khăn do thiên tại, dịch bệnh; thực hiện tốt chế độ giao ban, thông báo trao đổi tình hình 2 bên. Tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng của Bạn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, đấu tranh với các loại tội phạm, giải quyết tốt các vấn đề xảy ra trên biên giới… góp phần tích cực trong việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam - Lào.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh sau 60 năm thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn vô cùng tự hào, phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, các cấp chính quyền và nhân dân sẽ luôn giữ được sự nhìn nhận, đánh giá đúng thực tiễn để phấn đấu đưa huyện nhà từng bước phát triển bền vững. Trong đó, cần đánh giá, nhìn nhận rõ những hạn chế cần khắc phục, nhất là việc Kỳ Sơn vẫn là huyện nghèo, kinh tế phát triển chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (59,36%). Trình độ, chất lượng lao động thấp, lao động thiếu việc làm còn nhiều. Vì vậy, đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, nhất là ma túy vẫn còn phức tạp. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền cơ sở còn hạn chế. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có chuyển biến nhưng chưa nhanh. Đây đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết, là thách thức đặt ra cần được giải quyết kịp thời trong thời gian tới.
Bởi thế, Kỳ Sơn xác định, chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Cần phải đánh giá thật đúng tình hình, đề ra các giải pháp đồng bộ, tận dụng thời cơ, vững vàng tiến lên trên con đường hội nhập và phát triển bền vững. Trong đó, điểm mấu chốt là việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện tốt ba khâu đột phá.
Đó là đổi mới mạnh mẽ nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại và tư tưởng cục bộ địa phương, dân tộc, dòng họ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện giao đất gắn với giao rừng đến hộ gia đình, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, hình thành và phát triển các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung quy mô chuỗi giá trị, kết hợp phát triển dược liệu dưới tán rừng. Cơ cấu lại nền kinh tế của huyện theo hướng hàng hóa, phát triển quy mô sản xuất; hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện.
Đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện hiệu quả các chính sách lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; giải quyết tốt các vấn đề việc làm, giảm nghèo theo hướng bền vững. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phấn đấu xây dựng quê hương Kỳ Sơn nhanh chóng thoát khỏi huyện nghèo, phát triển bền vững./.