Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.
Cùng dự có đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các ban, ngành, địa phương và cán bộ hưu trí qua các thời kỳ.
Trong diễn văn khai mạc tại buổi tọa đàm, đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Cách đây 75 năm, trong tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội, tiền thân của Bộ Lao động - TB và XH ngày nay, để thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của cách mạng thời kỳ đầu.
Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành Lao động - TB và XH Nghệ An đã phát động phong trào tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, động viên hàng vạn thanh niên lên đường gia nhập bộ đội Vệ quốc đoàn, gia nhập đoàn quân Nam tiến, đi thanh niên xung phong, đi dân công hỏa tuyến, đi vận tải xe thồ, vận tải đường sông, đường biển.
Cuộc chiến tranh kết thúc có gần 1,5 triệu người của tỉnh Nghệ Tĩnh đã từng tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tham gia dân quân du kích và tham gia chiến đấu trên quê nhà được xem xét, tặng thưởng huân, huy chương. Hàng nghìn bà mẹ được phong tặng và truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều đã xây dựng được Nghĩa trang liệt sỹ hoặc Đài tưởng niệm. Các thương, bệnh binh nặng, thân nhân liệt sỹ già cả neo đơn đều được nuôi dưỡng chăm sóc tập trung; hoạt động tri ân đối với những người đã có công đều có sự tham gia đóng góp công sức to lớn của cán bộ công nhân viên ngành Lao động - TB và XH.
Trong thời kỳ đổi mới ngành Lao động - TB và XH đã từng bước cùng chung tay với các sở, ban, ngành, địa phương để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ mới, đồng thời thực hiện tốt chế độ chính sách cho người có công và công tác xã hội. Cùng với đó là chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Hệ thống cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho người lao động phát triển cả về quy mô và chất lượng, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 70 nghìn người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2019 đạt 63%.
Hàng năm tạo việc làm cho trên 3,5 vạn lao động, trong đó xuất khẩu lao động 13 nghìn người. Tỷ lệ hộ nghèo từ 12,1% năm 2015 giảm còn 4,11% năm 2019.Hiện nay, ngành đang quản lý và thực hiện chế độ cho gần 71 nghìn thương, bệnh binh và người có công với cách mạng, chi trả bình quân mỗi tháng 120 tỷ đồng. Từ năm 1992 đến nay đã xây dựng mới hơn 8.488 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa, nâng cấp 14.399 ngôi nhà, tặng 64.419 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 195 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Bùi Đình Long khẳng định: "Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực sáng tạo không ngừng để cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị đặt ra cho tỉnh nhà trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Lao động, TB&XH cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
Ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu chiến lược an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Cán bộ ngành cần nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, biện pháp thực hiện các lĩnh vực Lao động – TB và XH; Nâng cao chất lượng tham mưu, đổi mới lề lối, phong cách làm việc hiệu quả; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hướng dẫn để nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức công vụ và kỹ năng giao tiếp ứng xử nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.