Tự hào chặng đường lịch sử
Cách đây 75 năm, trong tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội, tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày nay, để thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của cách mạng thời kỳ đầu. Trải qua nhiều gian khổ, nhiều cam go và thử thách, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đã không ngừng sáng tạo luôn có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An đã phối hợp vận động nhân dân tiêu thổ kháng chiến, lập hũ gạo nuôi quân, hiến tiền, hiến gạo, hiến đất và nhiều tài sản khác để sung vào công quỹ kháng chiến, lập quỹ ủng hộ binh sỹ bị nạn, đón nhận thương binh về làng và động viên các hộ gia đình nuôi dưỡng chăm sóc thương binh; phát động phong trào tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, động viên hàng vạn thanh niên lên đường gia nhập bộ đội Vệ quốc đoàn, gia nhập đoàn quân Nam tiến, đi thanh niên xung phong, đi dân công hỏa tuyến, đi vận tải xe thồ, vận tải đường sông, đường biển.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Khí thế Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất nước nhà đã khích lệ tạo đà để nhân dân Nghệ Tĩnh khởi động bắt tay vào công cuộc xây dựng các công trình lịch sử như: Thủy lợi Vách Bắc, Thủy lợi Vách Nam - Sông Nghèn, Đại công trình hồ Kẻ Gỗ, Vực Mấu, Sông Rác và nhiều công trình kinh tế - xã hội trọng điểm khác… với trách nhiệm của mình, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp huy động hàng chục vạn lao động lên các công trường để tham gia xây dựng. Cùng với đó, huy động hàng nghìn thanh niên vào xây dựng kinh tế ở vùng Tây Nguyên; điều động hàng vạn thanh niên thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả ở Campuchia và nước bạn Lào anh em.
Các cuộc chiến tranh kết thúc cũng là thời kỳ Đảng và Nhà nước có Nghị quyết tri ân các anh hùng liệt sỹ và thực hiện chế độ đãi ngộ với những người có công với nước. Gần 1,5 triệu người của tỉnh Nghệ Tĩnh đã từng tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tham gia dân quân du kích và tham gia chiến đấu trên quê nhà được xem xét, tặng thưởng huân, huy chương. Hàng nghìn bà mẹ được phong tặng và truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều đã xây dựng được nghĩa trang liệt sỹ hoặc đài tưởng niệm. Những địa danh lịch sử như Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, cầu Cấm được lập hồ sơ đề nghị công nhận và tôn tạo, xây dựng thành di tích lịch sử. Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt Lào quy tập gần 11.000 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp nước bạn Lào đã hy sinh. Ngoài ra, còn có khu vực phần mộ liệt sỹ người Nghệ An tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9 tỉnh Quảng Trị. Các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh nặng, bị bệnh tâm thần, thân nhân liệt sỹ già cả, neo đơn được xây dựng và hoạt động tri ân đối với những người đã có công với đất nước đều có sự tham gia đóng góp công sức to lớn của cán bộ, công nhân viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Không ngừng nỗ lực và sáng tạo
Trong thời kỳ đổi mới, ngành lao động đã từng bước cùng chung tay với các sở, ban, ngành địa phương để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ mới, đồng thời thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người có công và công tác xã hội. Hiện ngành đang quản lý và thực hiện chế độ cho gần 71.000 thương, bệnh binh và người có công với cách mạng, chi trả bình quân mỗi tháng 120 tỷ đồng.
Từ năm 1992 đến nay đã xây dựng mới hơn 8.488 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa, nâng cấp 14.399 ngôi nhà, tặng 64.419 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 195 tỷ đồng. Có trên 92% số hộ gia đình chính sách có mức sống ngang bằng và cao hơn mức bình quân của cư dân nơi cư trú; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan trong và ngoài tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; hàng trăm thương binh, bệnh binh nặng, thương binh, bệnh binh bị tâm thần, thân nhân liệt sỹ đơn thân, đối tượng già cả, neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, tàn tật, bị bỏ rơi được chăm sóc nuôi dưỡng tập trung.
Công tác quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, nhất là cai nghiện ma túy được tăng cường, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, triển khai tốt các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Hệ thống cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho người lao động phát triển cả về quy mô và chất lượng, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 70.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2019 đạt 63%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 58,1%. Hàng năm, trên 3,5 vạn lao động được tạo việc làm, trong đó xuất khẩu lao động 13.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo từ 12,1% năm 2015 giảm còn 4,11% năm 2019. Thời gian qua, ngành còn triển khai tốt các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ.
Trải qua 75 năm, với những công sức đóng góp của mình, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ. Các đơn vị trực thuộc sở và hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức trong ngành được tặng thưởng Huân chương Lao động của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, của Chủ tịch UBND tỉnh và Huy chương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội.
Vinh dự lớn tiếp tục đến với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An là năm 2015 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2, năm 2019 được Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc, nhiều năm liên tục luôn là lá cờ đầu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cả nước.
Nhiều thế hệ cán bộ đã phát huy tốt vai trò, năng lực, trí tuệ để đưa ngành đi lên, phát triển không ngừng. Từ đó, nhiều cán bộ qua các thời kỳ đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen của Chủ tịch nước và Bộ trưởng.
Để phát huy những thành tích đã đạt được trong chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, những năm tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội không ngừng nỗ lực để gặt hái những thành tích mang tính toàn diện về công tác lao động, chăm sóc người có công và đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, ổn định trật tự xã hội.
Trong kế hoạch phát triển 5 năm (từ 2021 - 2025), ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang tập trung thực hiện nhiệm vụ với các mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng. Với chỉ tiêu giải quyết việc làm đạt 190,13 nghìn người, trong tổng số người được tạo việc làm mới, tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 66,12%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giai đoạn 2021 - 2025 giữ mức bình quân 2,5%; Tuyển sinh đào tạo cho 320.000 lượt người, trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp: 65.400 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 71,5% (đào tạo nghề 68%). Về mục tiêu giảm nghèo, dự kiến trong 5 năm, phấn đấu giảm khoảng 2/3 số lượng hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025; Phấn đấu hàng năm 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; đến năm 2025 có 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Tiếp nối truyền thống 75 năm, bước vào giai đoạn mới, nhiệm vụ của ngành hết sức nặng nề và còn nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm và niềm tin mới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nguyện tiếp tục rèn luyện, phấn đấu học tập, thực hiện nêu gương, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập, tận tâm, tận lực, năng động sáng tạo, đoàn kết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.