Tham dự và chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia cùng đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tham dự tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành.
Toàn cảnh diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VOV Phát biểu mở đầu diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trước tác động của dịch COVID-19 đặt ra nhu cầu cấp bách là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19, hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn, đặc biệt khi Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đại diện lãnh đạo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng chống dịch Covid - 19 của Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An Bên cạnh đó, cần nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, chú trọng tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Chương trình bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; An sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Các đại biểu tham dự diễn đàn tại các điểm cầu trực tuyến. Ảnh: Quang An Các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ các kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số 4.0. Các đại biểu đều cho rằng, công nghiệp 4.0 hiện đang là xu hướng toàn cầu và Việt Nam là quốc gia đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đảm bảo ngành logistics phát triển vững mạnh và duy trì sự kết nối với các trung tâm sản xuất, đồng thời mở rộng áp dụng công nghệ số trong sản xuất và trong các dịch vụ hậu sản xuất, các dịch vụ công nghệ thông tin cần phát triển nhanh với giá cả hợp lý...
Tại diễn đàn, các đại biểu trong nước và quốc tế đã thảo luận, góp ý đối với khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam gắn với phòng, chống dịch Covid – 19 giai đoạn 2021-2023. Đồng thời đề xuất, kiến nghị về mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai.
Tại Nghệ An, từ đầu mùa dịch đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 5.000 ca nhiễm Covid - 19 trên 21 huyện thành, thị, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, đến nay, dịch cơ bản đã được kiểm soát, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin ngày càng cao, do đó, hiện tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid - 19.
Các cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn phòng dịch. Ảnh: Quang An Ý thức được sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ Anđã chỉ đạo các cấp, ngành chủ động nghiên cứu, tiếp cận và triển khai thực hiện các biện pháp nhằm thích ứng nhanh với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cả hệ thống chính trị và nền kinh tế đều phải điều chỉnh, định hướng lại chiến lược phát triển, hướng trọng tâm đầu tư vào khoa học - công nghệ để tận dụng tốt cơ hội.
Quá trình triển khai tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả nhất định: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động đổi mới công nghệ, nâng cấp máy móc, thiết bị hiện đại, đảm bảo thân thiện với môi trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; Thu hút được một số dự án công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin.
Tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp chuyển đổi từ Chính quyền truyền thống sang Chính quyền điện tử, chính quyền số, tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và một số tiện ích trên thiết bị di động cho người dân giao tiếp với Chính quyền; tận dụng ưu điểm của mạng xã hội để tạo kênh giao tiếp giữa người dân và Chính quyền...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VOV Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu trong nước và quốc tế để giúp Việt Nam hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam gắn với phòng, chống dịch Covid – 19 giai đoạn 2021-2023. Đồng chí Phạm Minh Chính cũng trân trọng cảm ơn các quốc gia, tổ chức quốc tế thời gian qua đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid - 19, đặc biệt là chiến dịch tiêm vắc - xin toàn dân.
Đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hiện nay, tình hình dịch
Covid - 19 tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát, đất nước đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển qua giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19, đây là thời điểm để phục hồi nên kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Mặc dù vậy, dịch Covid - 19 vẫn còn diễn biến khó lường, xuất hiện các biến chủng mới, do đó, các bộ, ban, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân không mất cảnh giác, không chủ quan, lơ là, tuy nhiên cũng không lo sợ để rồi đánh mất bản lĩnh mà phải thích ứng để chiến thắng dịch bệnh.
Song song với đó, Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển và có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.