762297_small_43360.jpgThăm đảo Trường Sa lớn.

Mặt trời tròn và đỏ rực trông như một vòng hồng tâm khổng lồ đã hiện ra nơi chân sóng. Con tàu cứ nhằm thẳng vòng hồng tâm ấy mà lao thẳng tới như một mũi tên. Mặt trời lên cao hơn, sáng hơn, giống như một chiếc đèn pha quét xuống mặt biển luồng ánh sáng. Con tàu cứ theo "con đường ánh sáng" ấy thẳng hướng tới đảo Trường Sa lớn, "thủ phủ" của quần đảo Trường Sa.

Kỳ I: Đi về hướng mặt trời

 

Điểm xanh giữa "quần đảo bão tố"


Đứng trên boong tàu, tôi mặc sức phóng tầm mắt giữa bao la trời nước mà chẳng có vật gì che khuất. Trời yên biển lặng. Thời tiết như thế này là tuyệt đẹp cho những người đi biển. Thiếu tá Lê Hải Sơn, Thuyền trưởng của tàu cho biết: "Tàu đang đi ở vùng nước sâu cả ngàn mét. Tháng 4, tháng 5 là hai tháng có thời tiết thuận lợi nhất trong năm cho tàu đi Trường Sa. Những tháng khác, sóng lớn, đánh ướt cả mạn tàu. Thậm chí, nhiều khi tàu không thể cho xuồng cập vào đảo được."


6h sáng 4/5. Trời dần sáng rõ, cánh phóng viên báo chí lỉnh kỉnh máy móc đặt kín trên boong cứu sinh, hồi hộp chờ đợi giây phút đầu tiên được diện kiến phần đất thiêng liêng của Tổ quốc hiện hữu giữa biển Đông lộng gió. Bầu trời trong và xanh. Nước biển đã đổi màu từ lúc nào mà chúng tôi không hay. Ở những vùng nước nông khoảng 100m, màu nước xanh như cẩm thạch nhưng ở độ sâu 500-1.000m trở lên thì nước cứ xanh đen như mực Cửu Long. Con tàu hơn 2.000 tấn thu mình như chấm nhỏ giữa tâm đường tròn nơi trời và biển gặp nhau. Biển xanh biếc, xanh rêu, ngọc bích tùy độ sâu nông mà huyền ảo dưới ánh nắng mặt trời.


Trường Sa lớn đang hiện dần trước mắt chúng tôi. Đã thấy rõ nụ cười và những cánh tay vẫy của hàng quân danh dự đón đất liền Tổ quốc chợt gần hơn bao giờ hết. Thời tiết lặng yên là thế, mà tàu 996 vẫn chưa thể cập cảng. Sóng đánh mạnh nên hơn 1 tiếng sau, đất liền và đảo mới tay trong tay, rạng rỡ nụ cười gặp mặt. Trường Sa bắt đầu với màu xanh của cây phong ba, bão táp, bàng vuông...bọc tròn quanh đảo, triền cát vàng mơ viền giữa sóng và cây.

Trước đây, Trường Sa lớn vốn là đảo chìm, lơ thơ chỉ có vài cây phong ba và dày đặc phân chim. Bộ đội muốn hái một nhành phong ba tặng văn công cũng phải có ý kiến của đảo trưởng. Cách đây mới 5,7 năm, đảo bắt đầu có phong trào mỗi người lính trước khi rời đảo phải trồng một cây xanh. Thượng tá, đảo trưởng Trường Sa lớn có cái tên đậm chất...biển cả: Nguyễn Đại Dương, kể rằng trồng cây trên đảo có cái không thể lẫn được, bởi địa chất kiến tạo của hệ thống đảo nổi ở đây đều do những bãi san hô chết bồi đắp nên, đất ở đây trở nên cứng như đá. Đào được một hố, phải dùng xà beng nạy từng mảnh nhỏ. Đất trồng cây phải chở từ đất liền ra, che chắn từng ly cho cát mặn khỏi ngấm vào. Thời điểm này, đảo đã trở thành một ốc đảo xanh giữa đại dương gió mặn. "Từng mét vuông đảo bây giờ đã được quy hoạch chi tiết cả rồi". Thương tá Nguyễn Đại Dương thổ lộ. Trước cột mốc chủ quyền, chúng tôi gặp trung uý Đinh Cao Toan, quê vùng biển Hậu Lộc (Thanh Hoá), phân đội trưởng pháo 85, tâm sự rằng, đến với Trường Sa, anh vẫn không cảm nhận được sự khó khăn. Bởi trước khi ra đảo, anh cũng chuẩn bị tư tưởng, cũng xác định nhiều lắm. Nhưng đến nơi, anh đã thực sự bất ngờ vì cây cối rất nhiều và xanh, cũng có vườn rau, giếng nước...như ở quê nhà. "Tôi càng ở, lại càng thấy yêu Trường Sa".


Tuần tra trên đảo

Phong ba và bão táp vốn là "biểu tượng" của Trường Sa. Nhưng có 2 loài cây cũng đặc sắc không kém là cây bàng vuông và cây nhàu. Cây nhàu có quả và rễ đều làm thuốc được, ngâm rượu, phơi khô sắc nước uống đều chữa bệnh đau lưng, nhức mỏi, cao huyết áp. Ngoài ra còn có một loài cây khác được gọi là "nho Trường Sa" thì có thể ăn tốt. Đó là quả cây tra, những chùm dài, quả bé bằng viên bi ve màu xanh nhạt, ăn vào có vị chua chua, chát chát, dễ làm người ở đảo nhớ về một thủa nhỏ chốn quê xa.


Khắp các phân đội trên đảo, nơi đâu cũng rau xanh. Rau trồng bên bể nước, dưới tán phong ba, quanh nhà ở. Mỗi mảnh rau chỉ bé tý chừng 15m2 nhưng có cả một tường xây cao 2 mét bao quanh để tránh gió mặn mùa mưa. Nếu tính chi ly như ở đất liền, giá trị tường bao phải gấp hàng trăm lần tiền rau. Ở đảo, không khoán định mức tăng gia bao nhiêu kg rau xanh/chiến sỹ mà giao hẳn cho mỗi người chăm sóc một loại rau. Như phân đội xe tăng, chiến sỹ Đức: mùng tơi, Hoà: rau muống, Bình: mướp.... Đến nỗi, có khi đấy chính là biệt hiệu để anh em gọi thay tên luôn...cho tiện. Từ tháng 7 đến hết năm, gió muối làm rau không lên được, bộ đội chuyển qua trồng bí, nguồn rau xanh dự trữ lúc giao mùa.


Tăng gia sản xuất

Nguồn hải sản theo lời bộ đội trên đảo kể, không dễ đánh bắt như ngày xưa nên chủ yếu dựa vào đồ hộp từ đất liền. Những tay lưới sát cá cũng thường chỉ được một ít cá mú tầm 1kg trở lại. Thế nên đảo bây giờ đang triển khai nuôi vẹm xanh, tu hài quanh cầu cảng. Tuy nhiên, các loại gà vịt, chó trên đảo lại được nuôi rất nhiều.


Trường Sa vốn vẫn được mệnh danh là "quần đảo bão tố", sóng gió có bao giờ ngưng nghỉ, muối mặn những điểm xanh bé nhỏ trên hải đồ rộng lớn, nhưng như những người lính kiên trung, chồi xanh vẫn lặng lẽ, can trường mà làm đảo nhỏ gần hơn với đất liền.


Chuyện những người giữ đảo


Để đi vào trung tâm đảo, chúng tôi đi trên đường băng sân bay rộng rãi, chạy suốt chiều dài đảo. Trên đảo rợp bóng cây xanh, thứ mà dân đảo quí như cơm ăn, áo mặc, nước uống. Ở đây còn có Trụ sở UBND huyện Trường Sa; Trung tâm cứu hộ, cứu nạn; Trạm khí tượng hải văn. Vóc dáng một thị trấn với vị trí trung tâm của quần đảo hiện ra trước mắt chúng tôi rất rõ nét. Câu chuyện tôi được nghe nhiều nhất là sự giúp đỡ của đảo với các ngư dân. Ốm đau, thiếu lương thực, nước uống... ngư dân coi đảo như những trạm cứu hộ trên biển để trông cậy.


Đọc thư nhà

Gửi Đảo tiền tiêu, những chàng trai xứ Nghệ chiếm một phần đáng kể, đều phấn đấu rất tốt, tư tưởng ai cũng thoải mái, an tâm. "Cơ bản anh em đều xung phong đến với Trường Sa, coi đó như một vinh dự trong cuộc đời người lính". Thắng tâm sự. Những tờ báo Nghệ An tôi mang ra, được anh em quê Nghệ An chuyền tay nhau. Đêm khuya, điện tắt, nhưng họ vẫn bật đèn pin lên... đọc trộm. Quê nhà hiện hữu thật gần bên họ qua những dòng tin dù ngắn ngủi.


Buổi tối, dưới cột mốc chủ quyền, đoàn công tác tổ chức cuộc giao lưu văn nghệ, nòng cốt là đoàn NT Quân chủng Hải quân. Bài hát "Bức hoạ Trường Sa" đã mở đầu cho một đêm ca nhạc đầy chất "đảo". Lính đảo đã thể hiện sự nhiệt tình bằng vỏ ốc, hoa bàng vuông, cả hoa cải, hoa kim ngân dại... liên tục lên tặng ca sỹ. Cả rừng cánh tay kết nối, những bó hoa dại đủ kiểu giơ lên, nhịp nhàng theo lời hát, dưới ánh đèn đêm, trông như những cụm pháo hoa nhỏ xíu. Đến những tiết mục sôi động, lính ta ùa cả lên sân khấu, hồn nhiên nhảy cùng ca sỹ. Nụ cười tràn đầy khắp đảo nhỏ. Ca sỹ Nhật Huyền, quê Thái Bình, theo chương trình chỉ hát 2 bài, nhưng đã kéo đến...4 tiết mục. Bài hát cuối cùng, Huyền đã ngồi bệt xuống đất, lẫn giữa những người lính mà hát cùng họ, làm MC Quang Long phát hoảng vì sợ cháy chương trình.


Đêm trên đảo Trường Sa lớn (cũng là đêm duy nhất chúng tôi được ở trên đảo trong suốt hải trình), mấy anh em CBCS phân đội 1 tìm bằng được tôi ở bộ phận thông tin để "Cùng nhau ngồi với đêm Trường Sa để nghe anh kể chuyện đất liền". Chúng tôi kéo nhau ra đường băng, gió biển thổi lồng lộng, sao trời chi chít, đại dương ầm ào không ngủ.


Chiến sỹ đảo giao lưu cùng ca sỹ

Món quà từ Trường Sa


Đêm trên đảo thật ngắn. Lại một bình minh đang dần lên phía chân trời tím sẫm. Với mỗi ngày mới ở bờ, tôi thường có cảm giác thật sảng khoái, bởi đang đứng trước một ngày mới, nhiều điều chờ đợi. Nhưng bình minh hôm nay, tôi chợt bần thần cả người. Chúng tôi sắp chia tay Trường Sa, rồi sẽ hẹn nhau ngày gặp lại, nhưng biết đến bao giờ, đảo nhỏ thân yêu?. Khi mà những giây phút qua đi đã gần như máu thịt.


Các đoàn bạn và bộ đội đảo ríu rít đưa nhau ra cầu cảng, nơi tàu HQ996 đang hồng lên bởi ánh bình minh. Đội tiêu binh đảo trong quân phục hải quân đã chỉnh tề chờ sẵn tiễn đoàn công tác. Những món quà đảo gửi cho đất liền là mấy cành san hô, những viên đá quanh mép sóng, có người còn cẩn thận múc một ít nước Trường Sa. Riêng tôi, tôi lặng lẽ hái mấy chiếc lá phong ba để nhớ một chuyến hải trình không dễ gì lặp lại. Chỉ có một món quà không tính đếm được làm tôi không thể quên khi rời đảo là lời của đảo trưởng Nguyễn Đại Dương nơi cầu cảng "Tuy là đảo xa, rất xa bờ, nhưng đất liền hãy yên tâm bởi quân và dân huyện đảo Trường Sa quyết một lòng giữ vững biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là món quà Trường Sa kính tặng đất liền!".


5h30 sáng 5/5, tàu kéo neo, chúng tôi tạm biệt Trường Sa lớn. Ở lại là cột mốc chủ quyền và những người giữ đảo./

(Xem tiếp kỳ 3:Vòng hoa giữa trùng khơi)


Trần Hải