762306_small_43472.jpgKhối trưởng Mai Văn Bình và ông Nguyễn Anh Chính đang phản ánh
(NAO) Với chi chít ổ gà ổ trâu, đất đá lổm nhổm, mùa nắng thì "đi trong bụi", mùa mưa nước ngập gần đến đầu gối...đường Lý Thường Kiệt (nối từ Nguyễn Văn Cừ đến đường Hecman) vẫn được người dân thành phố Vinh quen gọi là "đoạn đường xấu nhất thành phố". 

 Thực trạng...  

Con đường mang tên vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt dài khoảng 1,5km, trải dài từ phường Lê Lợi, chạy qua trường cấp 1 cấp 2 Hưng Bình rồi kéo dài đến đường Hecman. Đây là con đường thuộc thành phố quản lý, trong quy hoạch đường rộng 24m và phải di dời trên 100 hộ dân. Trên thực tế, đường Lý Thường Kiệt đang được chia thành nhiều đoạn, dù chưa được triển khai theo quy hoạch nhưng một số đoạn đã được bê tông tương đối kiên cố, việc lưu thông của nhân dân khá thuận lợi. Riêng đoạn đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Hecman dài hơn 500m rất tồi tàn, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và cuộc sống của dân nơi đây.
 
Ông Mai Văn Bình, khối trưởng khối 15 phường Hưng Phúc cho biết: Việc đi lại và cuộc sống của người dân các khối 14-15 và khối Yên Bình dọc đoạn đường này rất vất vả. Hàng ngày, hàng trăm lượt người lớn và các cháu học sinh phải qua lại trên đoạn đường gồ ghề, lầy lội và đầy bụi này. Đặc biệt là một số nhà nằm trong khu vực giải tỏa không thể đầu tư nâng cấp sửa chữa nhà cửa để ổn định cuộc sống. Cử tri trong phường đã nhiều lần đề đạt ý kiến về việc này với các đại biểu HĐND các cấp khi về tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Cũng với tâm trạng trên, bác Nguyễn Anh Chính (72 tuổi) ở khối 15 phường Hưng Phúc, nguyên thường trực Đảng ủy phường Hưng Bình bức xúc nói: "Gia đình tôi là một trong những hộ sống lâu nhất ở khu vực này (từ năm 1984 đến nay). Việc đi lại của người dân chúng tôi ở khu vực này rất khó khăn. Không hiểu sao các cơ quan chức năng lại để cho thành phố Vinh tồn tại một con đường quá lầy lội, lồi lõm như thế, trong khi đang cố gắng đưa thành phố lên đô thị loại 1.
 
Chị Ngô Thị Châu (Công ty Dược Nghệ An) ở bên đoạn đường này kể: Gia đình chị sống ở khu vực này từ năm 1987. Trước đây phường Hưng Bình và các khối dọc đoạn đường này đã làm đường cấp phối để thuận tiện trong việc đi lại. Nhưng giờ đây, vào mùa mưa các cháu nhỏ đi học phải có người cõng, nước ngập đến nửa bánh xe đạp. Vì quá lầy lội nên người dân thi nhau chở đất đá, xà bần ra đường để lấp ổ gà ổ trâu. Mỗi nhà đổ 1 đoạn khiến đoạn đường ngày càng lôm nhôm. Nguy hiểm hơn là vào mùa mưa, nước ở mương thoát nước và rác rưởi tràn vào nhà rất ô nhiễm. Những người sống hai bên đoạn đường này đã khổ, nhưng cơ cực hơn là các hộ nằm trong diện phải giải tỏa. Chị Trần Thị Châu, một trong những hộ thuộc diện phải giải tỏa cho biết: Nhà chị xây đã lâu, các bức tường đã bị nứt, nước rấm từ trên mái xuống. Nhà xuống cấp và chật chội vì đông người nên rất muốn đầu tư nâng cấp nhưng không thể thực hiện được, kể cả công trình phụ cũng không dám sửa chữa. Mọi thứ sinh hoạt đều "dã chiến" chờ đợi để dời đi nơi khác"…
 
...và giải pháp? 

Trao đổi với ông Nguyễn Huy Minh, Trưởng ban quản lý dự án đô thị được biết: Năm 2006, Ban quản lý dự án đô thị đã tiến hành khảo sát và lập dự án làm đường trình UBND tỉnh nhưng chưa được đồng ý cho chủ trương thực hiện. Để làm được con đường này như quy hoạch phải giải phóng trên 100 hộ dân. Nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng rất lớn. Ngoài ra tìm kiếm một khu vực đất tái định cư cho các hộ dân này cũng không phải đơn giản. Qua tính toán sơ bộ (kể cả đền bù và làm đường) cần khoảng 50-60 tỷ đồng. Năm 2007, Ban quản lý dự án đô thị đã tiến hành khảo sát sơ bộ và lập tờ trình xin chủ trương của UBND tỉnh cho tiến hành dự án làm riêng đoạn đường Lý Thường Kiệt từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Hecman. Đoạn đường này dài 511m, nếu mở đường sẽ ảnh hưởng đến 4 hộ nhà tầng, 6 nhà cấp 3 và 15 nhà cấp 4 cùng với 16 kiốt. Dự toán ban đầu cho thấy nếu đền bù theo qui định mới thì phải mất đến hơn  40 tỷ đồng.

Theo ông Minh khó khăn nhất hiện nay là tiền đền bù giải phóng mặt bằng và đất tái định cư cho những hộ phải di dời. Thế nhưng đây không phải là bài toán không có lời giải. Những hộ gia đình hai bên đoạn đường và khu vực lân cận đang rất mong mỏi được các cơ quan chức năng giải quyết trước mắt cho một đoạn đường thảm nhựa, dù chỉ bằng nửa chiều rộng theo quy hoạch. Được biết trong qui hoạch phát triển thành phố Vinh đã có đề án nâng cấp cải tạo con đường này. Thế nhưng không biết đến bao giờ mới thành hiện thực?
 
                                        
Ảnh : Khối trưởng Mai Văn Bình và ông Nguyễn Anh Chính đang phản ánh sự việc.


Bài và ảnh: Hồ Hà